Ở Than Vàng Danh có một gia đình thợ lò tiêu biểu với truyền thống 3 thế hệ đã và đang gắn bó với nghề thợ lò ở Công ty. Đó là gia đình anh Đỗ Văn Quang ở 18A khu 2 – Vàng Danh – Uông Bí – Quảng Ninh. Đây cũng là gia đình được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới thăm, biểu dương tinh thần lao động và tặng quà nhân dịp Chủ tịch nước về với Thợ mỏ trong Tháng Công nhân.
Truyền thống gắn bó với nghề lò, với hòn than của gia đình bắt đầu từ ông Đỗ Hào, bố đẻ anh Đỗ Văn Quang. Ông sinh năm 1920 tại Kim Sơn – Ninh Bình. 26 tuổi, Ông Hào bắt đầu hoạt động cách mạng và được kết nạp Đảng ngay tại mặt trận thuộc trung đoàn 465 sư đoàn 351. Trong quá trình tham gia kháng chiến chống Pháp, ông đã giành được rất nhiều thành tích như hai lần được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 3, Huân chương chiến sỹ vẻ vang, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam và là chiến sỹ thi đua toàn quân, toàn quốc năm 1958. Sau năm đó, do bị thương, ông phục viên và được cấp trên phân công công tác về xí nghiệp than Mạo Khê. Đến tháng 2/1963 ông được điều về Xí nghiệp than Vàng Danh (nay là Công ty CP than Vàng Danh) và được cử đi Liên Xô học trong chương trình đào tạo cán bộ kỹ thuật cho mỏ. Ông từng giữ trọng trách là Quản đốc đầu tiên của Phân xưởng 1 – vỉa 3. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Người công nhân với danh hiệu thợ Mỏ ưu tú
Trước khi đến với nghề lò, anh Đỗ Văn Quang, sinh năm 1961, đã từng nhập ngũ và từng làm nhiệm vụ chiến đấu trên điểm cao 1205,1305,1100. Sau đó, anh Quang còn được cử đi học Trường sỹ quan đặc khu Quảng Ninh. Năm 1981 anh tốt nghiệp với cấp bậc thiếu úy. Trở về với Vùng Mỏ, năm 1987, anh Quang xin vào học nghề tại Trường công nhân mỏ than Vàng Danh. Ra trường, anh Quang được nhận về làm công nhân tại mỏ than Vàng Danh. Và, anh đã gắn bó với Vàng Danh trong suốt cả cuộc đời mình.
Khi là thành viên của đội đào lò nhanh phân xưởng K2; lúc tham gia sản xuất trực tiếp tại các đơn vị như: K6,K7,K11, cũng đã từng giữ trức vụ Tổ trưởng sản xuất, Phó quản đốc trực ca… song ấn tượng về anh Quang với bạn bè, đồng nghiệp vẫn luôn là thợ lò “chính hiệu”. Không những tích cực, tiêu biểu trong lao động sản xuất, anh Quang còn tham gia các hoạt động của các tổ chức chính trị trong Công ty như: Chi hội trưởng cựu chiến binh khối đào lò, thành viên trong Ban chấp hành hội cựu chiến binh Công ty Khoá II. Với rất nhiều thành tích trong lao động, anh Quang được tập thể tín nhiệm bầu chọn là chiến sỹ thi đua nhiều năm liền. Năm 1992, anh Quang được tặng Huy hiệu thợ mỏ vẻ vang. Ngoài ra, anh Quang còn được Giám đốc Công ty khen tặng danh hiệu Thợ mỏ ưu tú.
Tiếp tục phát huy truyền thống gia đình
Nối tiếp truyền thống gia đình, con trai cả của anh Quang, Cháu Đỗ Tuấn Anh – thế hệ thứ ba tiếp tục theo nghiệp của ông và cha mình. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Nghề mỏ Việt Xô, tháng 6/2011 Tuấn Anh chính thức trở thành thợ lò của Than Vàng Danh. Hiện, Tuấn Anh đang làm việc tại phân xưởng KT13. Với nhiệt huyết của một công nhân trẻ, chỉ trong một thời gian ngắn, Tuấn Anh đã bắt nhịp được công việc và luôn tích cực trong lao động sản xuất. Nhờ đó, Tuấn Anh luôn có năng suất, ngày công lao động cao. Thu nhập bình quân của Tuấn Anh thuộc “top” công nhân lò có thu nhập cao, khoảng 15 triệu đ/tháng.
Song song với việc tích cực thi đua lao động, Tuấn Anh còn sớm xây dựng được ý thức học hỏi và không ngừng trau dồi thêm kiến thức. Hiện, Tuấn Anh đang theo học năm thứ tư tại Trường Đại học mỏ Địa chất.
Người con thứ hai của anh Đỗ Văn Quang là Cháu Đỗ Trung Hiếu, sinh năm 1998. Tuy còn nhỏ tuổi, đang là học sinh lớp 8 trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Cừ – Phường Vàng Danh – Uông Bí Quảng Ninh, nhưng khi được hỏi “sau này khi lớn lên cháu có nguyện vọng gì?” Hiếu hồn nhiên trả lời, cháu sẽ học nghề mỏ để tiếp bước truyền thống cha ông mình”. Được biết, Trung Hiếu là một trong những học sinh giỏi xuất sắc nhiều năm liền của Trường và được Trường chọn tham gia thi học sinh giỏi cấp Thành phố môn Hóa học.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tu-hao-gia-dinh-co-3-the-he-lam-tho-mo-1730.htm” button=”Theo vinacomin”]