Góp vào hành trình 80 năm Truyền thống công nhân vùng Mỏ – Truyền thống ngành Than không thể thiếu dấu ấn của những người địa chất. Dẫu phải trải qua chặng dường muôn vàn khó khăn nhưng CBCNV Công ty CP Địa chất mỏ có những niềm tự hào đặc biêt. Công ty và ông Nguyễn Xuân Quý – Thợ địa chất duy nhất của ngành Than được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đồng thời, Địa chất mỏ cũng vinh dự được Tập đoàn giao cho làm chủ đầu tư dự án bảo quản, tu bổ Miếu mỏ – là “Địa chỉ đỏ” quan trọng – là công trình tâm nguyện. mong mỏi nhiều năm nay của các thế hệ ngành Than và tỉnh Quảng Ninh.
Đọng lại làng công nhân địa chất 906
Làng công nhân địa chất 906 nằm dưới vòng cung than Đông Triều thuộc Yên Thọ – Đông Triều – Quảng Ninh. Từ lâu, làng được mệnh danh là “làng truyền thống” bởi con em công nhân nơi đây học rất giỏi và sự đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau trong tổ ấm chung của công nhân địa chất. Dân làng chủ yếu là CNCB Xí nghiệp 906, nay là Xí nghiệp Địa chất Đông Triều. Năm 1980, Xí nghiệp 906 từ đảo Cái Bầu chuyển về làm nhiệm vụ thăm dò than vùng Mạo Khê phục vụ cho Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại thì Làng công nhân địa chất nằm trên dãy đồi Ba Thông, khi đó là một vùng đất hoang sơ. Cho đến nay, diện mạo của Làng đã đổi khác, kinh tế các gia đình khấm khá hơn. Thay cho những ngôi nhà cấp bốn do Xí nghiệp thanh lý đã xuống cấp là những dãy nhà mái bằng, nhà hai tầng khang trang và hầu như gia đình nào cũng có khuôn viên rộng trồng nhiều cây xanh. Nhưng dẫu cho Làng có đổi thay thế nào thì điều đọng lại không bao giờ thay đổi chính là tinh thần tương thân, tương ái – Truyền thống quý báu của những người thợ địa chất.
Điều đặc biệt nữa ở Làng công nhân địa chất 906 còn là nơi ông Nguyễn Xuân Quý, công nhân Xí nghiệp – người thợ địa chất duy nhất của ngành Than Việt Nam vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2000) sinh sống và gắn bó. Chúng tôi đã từng có lần vào thăm nhà, trò chuyện với người Anh hùng địa chất đầy mộc mạc và được nghe ông trải lòng: “Do đặc thù nghề nghiệp, những người thợ địa chất chúng tôi thường sống và làm việc ở vùng rừng núi, phải đối mặt với không ít khó khăn nên từ trong tiềm thức của mỗi người luôn biết phải yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Đến nay dù chúng tôi đã về nghỉ hưu nhưng những tình cảm gắn bó ấy vẫn còn nguyên vẹn. Người công nhân địa chất vốn chân thật, trước sau như một, luôn coi tình cảm là trên hết, không lấy vật chất làm thước đo”.
Vững vàng viết tiếp truyền thống
Không chỉ có cá nhân ông Nguyễn Xuân Quý, Xí nghiệp Địa chất Đông Triều vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động mà niềm tự hào của các thế hệ cán bộ công nhân viên lao động của Địa chất mỏ còn được lắng đọng và lan toả khi năm 2011, Công ty Địa chất mỏ cũng được phong tặng danh hiệu cao quý này trong niềm vui vỡ oà của những người thợ địa chất.
Tiền thân là Liên đoàn Địa chất 9 được thành lập ngày 1/9/1958, đến nay trải qua 58 năm, Công ty Địa chất mỏ đã ghi dấu với những kết quả đáng ghi nhận. Hơn 500 báo cáo địa chất của Công ty là tài sản vô giá được kết tinh từ bàn tay, khối óc, mồ hôi của lớp lớp những người địa chất và từ kết quả các phương án báo cáo đó, hàng loạt các mỏ mới được hình thành. Đồng thời, căn cứ vào kết quả thăm dò địa chất của Công ty tại bể than Đông Bắc, các mỏ Đèo Nai, Cọc Sáu, Núi Béo, Cao Sơn… đã nâng được công suất khai thác hàng năm. Giữ vững và phát huy truyền thống của Đơn vị Anh hùng Lao động, với mục tiêu “Phải tìm kiếm thêm nhiều khoáng sản để làm giàu đất nước”, Địa chất mỏ đang từng bước chuyển mình, đổi mới sâu rộng để hỗ trợ đắc lực cho Tập đoàn trong việc phát triển tài nguyên. Những người địa chất tiên phong ấy vẫn vượt mọi gian khó, miệt mài với những bước chân không mỏi, đánh thức tiềm năng khoáng sản không chỉ ở Vùng mỏ Quảng Ninh mà còn ở hầu hết các địa phương trên dải đất hình chữ S của đất nước. Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới các công trình thăm dò ngày càng sâu hơn, điều kiện thi công ngày càng phức tạp hơn, phương châm xuyên suốt mà lãnh đạo Công ty luôn bám sát và triển khai thực hiện là: “Phát huy truyền thống, đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại lợi nhuận, hiệu quả kinh tế cao. Tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, nâng cao thu nhập người lao động, thúc đẩy mạnh các phong trào thi đua trong toàn Công ty”.
“Chúng tôi tự hào khi được tiếp nối những thành quả và truyền thống riêng có được bồi đắp qua biết bao thế hệ lãnh đạo và những người thợ địa chất” – Giám đốc Công ty Địa chất mỏ Vũ Văn Mạnh khẳng định. Chính từ tiền đề vững chắc đó mà dù phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng thực tiễn đã chứng minh, tập thể CBCNV – LĐ đơn vị vẫn “nắm chặt tay” để bước tiếp vững vàng. Từ ngày 1/1/2016, Công ty Địa chất mỏ chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Chuyển sang mô hình hoạt động mới, bên cạnh cơ hội là đồng nghĩa với rất nhiều thách thức đặt ra. Bằng những giải pháp quyết liệt, Địa chất mỏ đang và sẽ từng bước vượt khó, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Về Miếu mỏ – về cội nguồn
Lãnh đạo Tập đoàn kiểm tra tiến độ xây dựng Miếu Mỏ
Được TKV giao làm chủ đầu tư Dự án, Công ty CP Địa chất Mỏ luôn ý thức rất rõ việc đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ khu di tích này có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Mục tiêu xuyên suốt nhất của Dự án chính là nhằm bảo tồn, gìn giữ các giá trị lịch sử của Ngành khai thác Than Việt Nam thành “địa chỉ Đỏ” phục vụ sinh hoạt văn hoá tinh thần, qua đó khơi dựng và giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ công nhân viên lao động toàn Ngành. Đồng thời cũng là để ghi ơn và tôn vinh công lao của vị vua Minh Mạng – Người có công khai sáng Ngành khai thác than ở Việt Nam cùng với những thế hệ người lao động đầu tiên trong Ngành, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc, tạo động lực tinh thần quan trọng cho giai cấp công nhân mỏ và CBCNVLĐ ngành Than – Khoáng sản Việt Nam trên hành trình phát triển bền vững. Đây là dự án trọng tâm trong hàng loạt các hoạt động của Tập đoàn hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống 12/11. Nguồn vốn được huy động một phần từ quỹ phúc lợi và nguồn vốn xã hội hóa, vận động cán bộ công nhân viên các đơn vị trong Tập đoàn công đức, ủng hộ.
Có lẽ, mỗi lần về với di tích địa điểm khai thác than đầu tiên (Miếu mỏ) – dường như những người thợ mỏ luôn có cảm giác được trở về với cội nguồn.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tu-hao-dia-chat-mo-201611131514499973.htm” button=”Theo vinacomin”]