Những năm tới, nhu cầu sản lượng than hầm lò ngày càng cao; diện khai thác ngày càng xuống sâu; việc tuyển dụng lao động ngày càng khó… Trong điều kiện ấy, đẩy mạnh cơ giới hóa hầm lò (CGH) là yêu cầu tất yếu!. Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện KHCN Mỏ về vấn đề này.
TS. Nguyễn Anh Tuấn (N.A.T): Năm 2002, Viện KHCN mỏ phối hợp với Công ty than Khe Chàm áp dụng thử nghiệm công nghệ cơ giới hóa khai thác sử dụng máy khấu kết hợp chống lò bằng giá thuỷ lực di động của Trung Quốc. Sản lượng cao nhất đạt 22.300 tấn/tháng, năng suất lao động trung bình 5,16 tấn/công-ca. Từ thành công của lò chợ cơ giới hóa này, năm 2005, Viện tiếp tục cùng Công ty than Khe Chàm triển khai nghiên cứu áp dụng thử nghiệm lò chợ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng máy khấu combai với giàn chống tự hành. Kết quả đạt được là sản lượng và năng suất của lò chợ cơ giới hóa đồng bộ đạt được cao hơn 1,5 – 2,5 lần so với lò chợ chống cột thủy lực đơn hoặc giá thủy lực di động. Cụ thể là công suất lò chợ đạt 380.000 tấn/năm, năng suất lao động đạt từ 7 đến 14 tấn/công-ca, trung bình 10,5 tấn/công-ca. Kết quả thực tế này có thể khẳng định, công nghệ cơ giới hóa khai thác đã áp dụng thử nghiệm thành công trong điều kiện vỉa dày trung bình, dốc thoải đến nghiêng.
Để khai thác vỉa mỏng dốc đứng, từ năm 2008, Viện phối hợp cùng Công ty than Mạo Khê và Công ty than Hồng Thái đưa vào áp dụng thử nghiệm công nghệ cơ giới hóa bằng hệ thống khai thác cột dài theo độ dốc, chống giữ bằng tổ hợp giàn chống 2ANSH, khấu gương bằng máy bào than. Kết quả thực tế chỉ ra rằng, công suất khai thác và năng suất lao động cao hơn từ 1,5 – 2 lần, chi phí mét lò chuẩn bị thấp hơn 7 lần và tổn thất công nghệ giảm hơn 2 lần so với sơ đồ công nghệ khai thác dọc vỉa phân tầng, chống giữ bằng giá thủy lực di động. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu còn chưa đạt yêu cầu, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện như thời gian làm việc liên tục, khai thác trong điều kiện mùa mưa v.v. Vấn đề công nghệ cơ giới hóa khai thác cho điều kiện vỉa mỏng dốc đứng về cơ bản đã được giải quyết và cần tiếp tục hoàn thiện để nhân rộng đại trà.
Đối với điều kiện vỉa dày, dốc thoải đến nghiêng, năm 2007, Viện KHCN mỏ phối hợp với Công ty ALTA (Cộng hoà Séc) và Công ty than Vàng Danh triển khai áp dụng thử nghiệm công nghệ cơ giới hóa khai thác bằng máy combai khấu than và giàn chống tự hành VINAALTA trên cơ sở kết quả nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước. Kết quả triển khai giai đoạn đầu khá tốt, như sản lượng tăng 1,62 lần, năng suất lao động tăng 3,6 lần, tỷ lệ thu hồi than hạ trần tăng 12,6% so với lò chợ chống giữ bằng giá thuỷ lực di động, trong cùng một điều kiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai tiếp theo xuất hiện những vấn đề phức tạp khó giải quyết như: vấn đề thuê lao động; vấn đề quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị; vấn đề điều hành sản xuất trong quá trình thực hiện dự án.
Trên cơ sở kết quả của giai đoạn đầu triển khai áp dụng cơ giới hóa tại mỏ Vàng Danh và kinh nghiệm có được khi thực hiện dự án này, từ năm 2010 công nghệ cơ giới hóa khai thác vỉa dày cũng được Viện phối hợp với Công ty than Nam Mẫu triển khai áp dụng với sự điều chỉnh trách nhiệm của các bên tham gia, đặc biệt là vai trò của các mỏ (bên tiếp nhận công nghệ). Kết quả đã khai thác được trên 470.000 tấn và sản lượng khai thác tăng 1,5 – 1,8 lần so với lò chợ chống giá khung thủy lực di động, cụ thể có tháng đạt tới 36.000 tấn, số công nhân giảm từ 1,5 – 2 lần so với lò chợ thủ công, nên năng suất lao động lò chợ cơ giới hóa tăng 1,5 – 2,5 lần so với lò chợ thủ công, cụ thể năng suất lao động lò chợ cơ giới hóa đạt từ 9 – 14 tấn/công-ca trong khi năng suất lao động tại lò chợ chống cột thủy lực đơn hoặc giá thủy lực di động chỉ 2,5 – 5,0 tấn/công-ca. Hiện nay, công nghệ cơ giới hóa khai thác trong điều kiện vỉa dày, dốc thoải đến nghiêng đang được tiếp tục hoàn thiện để phát huy tối đa khả năng làm việc tối đa của thiết bị và công nghệ để nhân rộng với các điều kiện tương tự ở các mỏ.
PV: Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa và hình thức đầu tư CGH đồng bộ ở Công ty than Vàng Danh và Nam Mẫu. Trách nhiệm của các đối tác về sự rủi ro trong đầu tư CGH đồng bộ ở Vàng Danh?
TS.N.A.T: Mục đích của việc đầu tư áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tại Công ty than Vàng Danh và Công ty than Nam Mẫu nhằm triển khai áp dụng thử nghiệm công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong điều kiện vỉa dày, độ dốc đến 35 độ, đồng thời nghiên cứu, thiết kế chế tạo tại Việt Nam giàn chống cơ giới hóa phù hợp với trong điều kiện địa chất – kỹ thuật mỏ các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh nhằm đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng, năng suất lao động và nâng cao mức độ an toàn trong khai thác hầm lò, đồng thời nâng cao trình độ nghiên cứu, chế tạo cơ khí để chủ động trong việc cung cấp thiết bị cho ngành mỏ Việt Nam.
Dự án cơ giới hóa đồng bộ ở Công ty than Vàng Danh được thực hiện theo hình thức thầu khai thác, trong đó đồng bộ thiết bị lò chợ cơ giới hóa khai thác của Viện KHCN Mỏ và đối tác nước ngoài tham gia khai thác và thu hồi vốn thông qua đơn giá từ sản lượng than khai thác được theo công nghệ. Việc thực hiện mô hình mới này đã huy động được phần vốn góp lớn của đối tác nước ngoài, giảm gánh nặng huy động vốn từ Tập đoàn và gắn trách nhiệm cơ quan tư vấn với sản phẩm nghiên cứu của mình.
Để triển khai áp dụng thử nghiệm cơ giới hóa tại Công ty than Nam Mẫu, Viện KHCN Mỏ đã cùng Công ty than Nam Mẫu lập dự án đầu tư áp dụng thử nghiệm. Với quyết tâm áp dụng công nghệ mới vào sản xuất và chịu trách nhiệm với kết quả nghiên cứu của mình, Viện đã góp vốn để cùng hợp tác kinh doanh, và chia sẻ rủi ro với các đơn vị sản xuất nếu không đạt kết quả.
Ở cả hai dự án trên các đối tác tham gia dự án đều được thực hiện theo hình thức lợi cùng hưởng và rủi ro cùng gánh chịu theo tỷ lệ phần trăm góp vốn.
PV: Tập đoàn đang đẩy mạnh triển khai chương trình Cơ giới hóa hầm lò. Xin ông phân tích làm rõ yêu cầu cần thiết phải cơ giới hóa khai thác và đào lò. Và để thực hiện tốt chương trình này, theo ông, cần tập trung chuẩn bị tốt ở khâu nào? Vì sao?
TS. N.A.T: Chương trình cơ giới hóa khai thác hầm lò là chương trình quan trọng nhằm phát triển bền vững ngành Than, đòi hỏi có sự chỉ đạo quyết liệt của Tập đoàn, sự phối hợp chặt chẽ của các công ty khai thác hầm lò và các cơ quan tư vấn. Để thực hiện tốt chương trình này, trước hết phải đánh giá kết quả đã triển khai áp dụng cơ giới hóa đào lò và khai thác, phát triển mở rộng những mô hình cơ giới hóa đã thử nghiệm thành công, xác định những tồn tại, hoàn thiện những công nghệ hiện đang áp dụng. Đồng thời thăm dò đảm bảo cấp trữ lượng trong các tài liệu địa chất của các khu vực có khả năng áp dụng cơ giới hóa đạt mức tin cậy và chắc chắn, tiếp tục nghiên cứu đề xuất, triển khai áp dụng thử nghiệm một số mô hình cơ giới hóa khai thác và đào lò tại các điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ khác nhau để phát triển mở rộng ra các khu vực khác có điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ tương tự. Ngoài ra cũng cần thiết xây dựng các giải pháp phụ trợ khác để phục vụ phát triển cơ giới hóa hầm lò như phát triển ngành cơ khí, huy động vốn đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách hay đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển cơ giới hóa v.v…
PV: Thưa ông, để thực hiện chương trình này Viện có gặp những khó khăn gì? Biện pháp khắc phục khó khăn? Công tác chuẩn bị để tham gia chương trình cơ giới hóa hầm lò của Tập đoàn? Ông có kiến nghị với Tập đoàn về chương trình này?
TS. N.A.T: Hiện nay lực lượng cán bộ toàn Viện là 461 người theo lĩnh vực chuyên sâu như công nghệ khai thác hầm lò, công nghệ xây dựng mỏ, địa cơ mỏ, công nghệ môi trường, điện tự động hóa, máy và thiết bị mỏ, kinh tế dự án, an toàn mỏ v.v… Ngoài nội lực, Viện phối hợp với các đối tác nước ngoài có nhiều kinh nghiệm trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất, bao gồm cả vấn đề cơ giới hóa hầm lò.
Để thực hiện chương trình cơ giới hóa, Viện còn gặp một số khó khăn như thiếu trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu. Có thể ví dụ như phòng thí nghiệm tính chất cơ lý đá chưa xác định hết tất cả các chỉ tiêu theo yêu cầu, chưa có phòng thí nghiệm kiểm định thiết bị cơ giới hóa. Các tài liệu địa chất đầu vào phục vụ công tác nghiên cứu áp dụng cơ giới hóa có độ tin cậy chưa cao, trang thiết bị cơ giới hóa, chế tạo cơ khí trong nước chưa phát triển nên khó khăn khi lựa chọn đồng bộ thiết bị v.v…
Để thực hiện tốt chương trình này cần đẩy mạnh công tác thăm dò để tăng mức độ tin cậy phục vụ phát triển cơ giới hóa, đầu tư nghiên cứu thiết kế, chế tạo nội địa hóa các thiết bị cơ giới hóa nhằm chủ động sản xuất thiết bị phù hợp với từng điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ, giảm chi phí nhập ngoại, đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đạt trình độ khu vực và quốc tế, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ đạt trình độ trung bình đến tiên tiến trên thế giới. Chương trình phát triển cơ giới hóa cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nguồn lực cho việc nghiên cứu, triển khai áp dụng các công nghệ mới. Ngoài ra, cần sự tác động sâu hơn nữa của các thành phần kinh tế trong và ngoài Tập đoàn để huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư cho các dự án cơ giới hóa khai thác và đào lò, đồng thời có sự gắn kết chặt chẽ của Tập đoàn, của các đơn vị tư vấn nghiên cứu với các công ty khai thác hầm lò trong quá trình đầu tư và phát triển áp dụng cơ giới hóa…
PV: Xin cảm ơn ông!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/ts-nguyen-anh-tuan-co-gioi-hoa-ham-lo-la-yeu-cau-tien-quyet-dam-bao-phat-trien-ben-vung-6663.htm” button=”Theo vinacomin”]