Ánh mắt long lanh, rạng ngời niềm vui của những đứa trẻ Trường tiểu học Bản Hon khi được nhận áo khoác mới, những nụ cười tươi rói, nửa vui sướng, nửa ngượng nghịu cứ như không thể tắt đi trên những khuôn mặt non nớt ấy… đã khiến chúng tôi không thể nào quên. Vượt gần 500 km đường từ Hà Nội lên đến Bản Hon (Lai Châu), với trái tim đầy ắp nhiệt huyết, các cán bộ Công đoàn cơ quan Tổng Công ty Khoáng sản đã mang 264 chiếc áo khoác để tặng cho các em học sinh với mong muốn phần nào xua đi cái giá l
20h30 phút trên chuyến tàu Livitrans (của Tổng Công ty Khoáng sản) khởi hành từ Hà Nội, chúng tôi bắt đầu hành trình lên Thành phố Lào Cai. Đồng hành cùng chúng tôi là các cán bộ công đoàn cơ quan Tổng Công ty Khoáng sản. Ai cũng háo hức, cũng hăm hở, mong muốn thời gian trôi đi thật nhanh để sớm mang những chiếc áo ấm đến với trẻ em Trường tiểu học Bản Hon. Có lẽ với họ đây là một chuyến công tác thật đặc biệt và đáng nhớ bởi họ đang mang đến niềm vui, tình yêu thương cho những đứa trẻ nơi vùng cao biết bao khó khăn, thiếu thốn.
“Lần đi này sẽ rất gian nan, vất vả nhưng thật nhiều ý nghĩa đấy nhà báo ạ!” – anh Hoàng Văn Hà, Chủ tịch công đoàn cơ quan TCT Khoáng sản cũng là trưởng đoàn khẳng định “chắc nịch”. Và như để giải thích, thông tin thêm cho chúng tôi về chuyến đi, anh bộc bạch, ngay sau Đại hội đại biểu Công đoàn TCT lần thứ IV, công đoàn cơ quan TCT cũng phát động chương trình quyên góp, ủng hộ “áo ấm tặng em”. Chương trình nhận được sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo CNCB cơ quan từ Ban lãnh đạo cho đến các phòng ban và tổ chức đoàn thể, đoàn thanh niên trong toàn TCT. Người thì đóng góp bằng hiện vật, người thì bằng tiền nhưng ai cũng trân trọng để vào thùng quyên góp được đặt ở ngay tiền sảnh của văn phòng TCT. Có người còn cẩn thận mang đến trao tận tay các cán bộ công đoàn cơ quan. Nghe và biết đến chương trình này ông Bùi Thế Bình – một người rất gắn bó với Khoáng sản nay là Kế toán trưởng Vinacomin cũng mang quà đến tận nơi để ủng hộ. Sở dĩ Công đoàn cơ quan lại chọn Bản Hon vì đây cũng là một nơi xa xôi với nhiều trẻ em vùng cao khó khăn, thiếu thốn mọi bề.
Với tất cả số tiền quyên góp được, cán bộ công đoàn cơ quan đã trực tiếp đến các công ty may có uy tín để chọn lựa từng chiếc áo theo màu sắc, độ tuổi của các em. Khi mọi công việc chuần bị đã tươm tất thì cũng đã là những ngày cuối cùng của năm cũ, sắp bước sang năm mới Quý tỵ nhưng các anh, các chị vẫn quyết tâm lên đường. Hiểu hơn về ý nghĩa của chuyến đi, chúng tôi – những phóng viên của Tạp chí Than – Khoáng sản cũng nhập cuộc đầy hứng khởi, hứa hẹn sẽ có nhiều trải nghiệm và cảm xúc.
Niềm vui nhân đôi
Lên đến Thành phố Lào Cai lúc 5h sáng, chúng tôi lại tiếp tục hành trình “gian nan” hơn lên Bản Hon, Lai Châu. Theo Quốc lộ 4D, trên con đường ngoằn nghèo, toàn góc cua tay áo, chúng tôi đi qua Sapa trập trùng trong ngàn mây, đến ngã ba Tam Đường, vượt qua đèo Giăng Ma uốn lượn theo triền núi cao để đến Thị xã Lai Châu. Tại đây, đoàn đi còn có thêm CBNV Công ty CP Đất hiếm Lai Châu (đơn vị trực thuộc TCT Khoáng sản). Và chỉ còn đi thêm 20 km nữa cả đoàn đã đến Bản Hon.
Hiệu trưởng nhà trường – thầy Trần Văn Tân bồi hồi chia sẻ, một mùa xuân nữa lại về trong cái không khí se lạnh của những ngày cuối đông nhưng thầy trò chúng tôi lại thấy thật ấm áp khi có những tấm áo nghĩa tình của Công đoàn cơ quan TCT Khoáng sản. Có món quà này các em học sinh sẽ không phải chịu lạnh trên con đường đến trường. Trường tiểu học Bản Hon nằm trên xã Bản Hon là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Tam Đường. 100% học sinh của nhà trường là con em dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế gia đình các em rất vất vả, cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị dạy học của nhà trường còn hạn chế. Do đó có được sự quan tâm của doanh nghiệp, nhà trường phấn khởi lắm, các em học sinh – những mầm non tương lai của đất nước sẽ phần nào vơi bớt nhọc nhằn.
Lò Văn Dương lớp 1A, Cứ Thị Lý lớp 2A dân tộc Mông, Tao Thị Ún lớp 3A dân tộc Lự… là những em học sinh chúng tôi dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện. Qua những câu chuyện các em kể về gia đình, về hoàn cảnh, cả về những ước mơ, chúng tôi mới thật thấm thía. Ở nơi vùng cao xa xôi ấy với muôn vàn khó khăn, trẻ em phải hàng ngày, hàng giờ đối mặt với việc bị thất học bởi cuộc sống mưu sinh nhưng từ sâu thẳm các em vẫn ấp ủ cho mình những hy vọng, những ước mơ bình dị, sau này lớn lên được làm giáo viên để dạy học, được làm bác sỹ để chữa bệnh cho bố mẹ… thật bình dị nhưng đáng yêu và đáng quý biết bao.
Bản Hon “không xa xôi”
Đến với Bản Hon, một bản làng xa xôi của Lai Châu nhưng chúng tôi cảm nhận “không xa xôi” chút nào. Dường như những tình cảm ấm áp của người dân, đặc biệt là các thầy cô giáo, các em học sinh nơi đây đã giúp chúng tôi thấy thật gần, vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ, phong tục tập quán.
Một trong những điều chúng tôi rất ấn tượng là các thầy giáo, cô giáo nơi đây chủ yếu ở miền xuôi lên. Người thì ở Hà Tây, Thái Nguyên, người gốc Hà Nội, có cả những thầy cô quê hương tận Nghệ An, Hà Tĩnh. Dân vùng Tây Bắc thường có câu “Nhất biên phòng, nhì giáo viên cắm bản” để khẳng định sự vất vả của những người miền xuôi lên miền núi công tác. Thế mới thấy và càng trân trọng quyết tâm bám trường, bám lớp gieo con chữ của những cô giáo như cô Đỗ Thị Yến là con liệt sỹ nhưng đã hơn 30 năm gắn bó với nhà trường, cô Lò Thị Thu Hạnh đã không ngại khó, ngại khổ, bằng mọi cách vận động các em đi học, chăm lo cho các em học sinh nội trú chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ, mong cho các em học tốt để vượt qua đói nghèo.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/trao-ao-am-tang-tinh-thuong-4493.htm” button=”Theo vinacomin”]