Tôi hẹn gặp anh vào một buổi chiều cuối năm. Thật khó để liên lạc cho anh, vì thợ lò không được mang theo điện thoại khi xuống lò. Và chỉ đến khi anh về nhà, cầm điện thoại lên, tôi mới có thể kết nối tới chàng thợ này…
Tôi gặp anh Nguyễn Văn Trìu trong chính khu nhà trọ nhỏ bé nơi anh đang thuê trọ. Với gương mặt hồn hậu và giọng nói chất phác từ miền quê Thái Thụy, Thái Bình, anh tâm sự: Anh sinh năm 1977, hiện là thợ lò bậc 5/6 tại Công trường Khai thác 1 – Công ty Cổ phần than Mông Dương. Học xong 18 tháng ở trường Cao đẳng Nghề mỏ Hữu nghị Việt Xô, năm 2007 anh về làm tại Công trường cho đến nay. Nhắc về đơn vị đang công tác, anh bỗng sôi nổi hẳn. Anh tự cảm thấy mình may mắn khi được làm việc ở Công trường Khai thác 1, nơi mà hơn 140 anh em công nhân lò làm việc ở dưới mức âm 100 trong tinh thần hăng say lao động, chưa từng để xảy ra sự cố gây mất an toàn lao động nào. Dù trong môi trường làm việc, khí gió không ổn định gây nên bụi bặm, nóng nực, anh cùng các đồng nghiệp vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Và ở đó, anh cũng như các đồng nghiệp được các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện để đi làm đầy đủ công lao động nhất. Anh thợ lò bậc 5/6 tin tưởng, với đội ngũ lãnh đạo của công trường tuyệt vời, quan tâm đến đời sống cán bộ công nhân viên cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện của Tập đoàn, đơn vị các anh sẽ sớm được bổ sung máy móc, thiết bị cơ giới hóa nhanh chóng, áp dụng công nghệ mới sao cho năng suất làm việc thêm hiệu quả, tiết kiệm sức lao động người thợ. Thành quả cho những cố gắng, nỗ lực của anh chính là Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Công ty 2015. Anh cũng là một trong hai Thợ lò tiêu biểu của Công ty Cổ phần than Mông Dương được Công đoàn TKV khen thưởng năm 2016 và là một đảng viên xuất sắc được Đảng bộ Công ty ghi nhận trong dịp tổng kết công tác đảng năm vừa qua.
Đang “vào cầu” là thế, khi được hỏi về gia đình, anh bỗng trầm giọng, gương mặt chợt phảng phất nét đượm buồn. Vợ anh – chị Phạm Thị Hằng (1977) cùng hai con trai là Nguyễn Văn Thưởng 17 tuổi và Nguyễn Thành Trung 5 tuổi hiện đều ở quê cả. Đi làm xa, tình cảm vợ chồng cũng vì thế mà chịu ảnh hưởng nhiều. Vợ mong chồng, các con ngóng bố. “Mình cố gắng tranh thủ thời gian chuyển từ ca 1 sang ca 3, một tháng một lần về quê thăm vợ và các cháu. Điều kiện công việc nên phải như thế, mình cũng buồn lắm” – anh chia sẻ. Dường như anh đang nói lên nỗi lòng của những người thợ lò xa quê, chỉ mong ước có điều kiện để đưa vợ con ra ngoài này ở, vừa thật gần gũi gia đình lại gắn bó với công việc hơn. Yêu nghề bao nhiêu, anh Trìu lại càng mong muốn con trai nối nghiệp bấy nhiêu. Anh bảo, với điều kiện của thợ lò như hiện nay và đang ngày một tốt hơn nữa, anh đang định hướng cho con trai khi học xong phổ thông sẽ cố gắng thi vào Đại học Mỏ Địa chất, tiếp nối bước chân người cha theo ánh đèn thợ lò. Một mơ ước thật giản dị mà trân quý biết bao…
Sau mỗi lần đi lò về, anh Trìu lại trở lại căn phòng trọ nhỏ bé đối diện nhà văn hóa phường Mông Dương. Chỉ mong được nghỉ ngơi, cơm nước đủ đầy để 5h sáng mai lại bon bon lên công trường nhận lệnh, mặc đồ bảo hộ và theo ánh đèn trên mũ để bước chân xuống lò. Xóm trọ nhỏ anh ở có đến chín phòng đều là các anh em làm lò sớm tối quây quần bên nhau. Một mùa xuân mới đang về trên đất mỏ. Những người thợ lò đang mang trong mình nhiều niềm tin và hy vọng về một năm sản xuất đầy thành công. Và để có được thành công ấy, cần lắm những dòng máu nóng đầy nhiệt huyết như của anh thợ Nguyễn Văn Trìu.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/trai-tim-hong-duoi-lo-sau-201703071453397869.htm” button=”Theo vinacomin”]