Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải nhấn mạnh, công tác an toàn luôn là nhiệm vụ hàng đầu. Tuy Tập đoàn và các đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Do vậy, trong năm 2017, cần phải được đổi mới cách làm theo phương châm: “Tổng thể – đồng bộ – cụ thể”.
Về “Tổng thể”, các Ban Tập đoàn phải tham mưu cho Đảng uỷ Tập đoàn và Đảng uỷ Than Quảng Ninh ra Nghị quyết riêng về công tác an toàn lao động trong đó cần phân cấp quản lý, phân rõ trách nhiệm từng cấp, từng tập thể, từng cá nhân, quán triệt trong toàn hệ thống chính trị để thực hiện. Công tác an toàn phải được coi là nhiệm vụ và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Đây là nhiệm vụ cấp bách nên phải triển khai ngay. Trước đây chúng ta cũng đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị nhưng vẫn chưa chỉ rõ trách nhiệm khi các sự cố, tai nạn xảy ra.
Về “Đồng bộ”, trong công tác điều hành, Tổng Giám đốc chỉ đạo, mặc dù Ban An toàn được giao nhiệm vụ chủ trì về công tác giám sát và đảm bảo an toàn trong sản xuất, nhưng các Ban khác cũng phải được giao nhiệm vụ cụ thể về công tác an toàn trong lĩnh vực của mình. Đây là vấn đề mà từ trước tới nay, dường như các Ban khác còn chưa thực sự vào cuộc với trách nhiệm theo nhiệm vụ được giao. Theo phương châm này, ngoài việc Ban An toàn chủ trì công tác an toàn lao động, các Ban khác theo lĩnh vực quản lý của mình cũng phải được giao nhiệm vụ về công tác an toàn từ khâu xây dựng kế hoạch ngắn và dài hạn, cho đến công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, khi để xảy ra sự cố, tai nạn thuộc lĩnh vực của mình, các ban phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Tập đoàn.
Về “Cụ thể”, Tổng Giám đốc cho rằng, chúng ta đã nỗ lực cố gắng trong công tác an toàn nhưng vẫn còn để xảy ra sự cố, mất an toàn, thậm chí lặp lại. Rõ ràng đâu đó vẫn còn lỗ hổng. Do vậy, cách làm cần phải đổi mới và khác đi. Đây là cuộc chiến “đầy cam go” nên phải từng bước, chắc chắn. Năm 2017 sẽ áp dụng giải pháp “loại trừ”. Phải loại trừ những vụ việc đã từng xảy ra, loại trừ những khu vực đã xảy ra mất an toàn, những nguy cơ bằng những giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, phải loại trừ không để xảy ra tai nạn do ngạt khí. Điều đó có nghĩa là tất cả các đơn vị phải rà soát lại hệ thống thông gió. Những đường lò đã bỏ cần được đảm bảo chắc chắn không ai vào được, nếu cần thiết có thể xây kín. Người lao động có nhu cầu cất giữ dụng cụ lao động trong lò thì phải làm kho dụng cụ ngay tại trong lò. Người lao động có nhu cầu vệ sinh trong lò thì phải làm khu vệ sinh trong lò… Tất cả phải bắt đầu từ những nhu cầu của người lao động về cải thiện điều kiện lao động. Nếu đáp ứng được những yêu cầu đó thì sẽ loại trừ được những nguy cơ mất an toàn về lĩnh vực ngạt khí.
Thứ hai, loại trừ tai nạn do nổ mìn gây ra. Cần phải kiểm tra lại chất lượng kíp nổ ngay từ khâu sản xuất. Tiếp đó, trước khi nổ mìn, kỹ thuật viên nổ mìn phải được kiểm tra từng kíp. Tương tự, về chất lượng thuốc mìn cũng vậy. Phải đảm bảo chắc chắn không có hiện tượng mìn sót, mìn câm lỗi từ chất lượng thuốc, kíp. Do vậy, phải loại trừ được việc ăn cắp quy trình dù là nhỏ nhất.
Thứ ba, loại trừ sự cố bục nước tại các khu vực Công ty than Hòn Gai, Khánh Hoà, Mạo Khê, Thống Nhất, Núi Béo… Đây là các khu vực nhạy cảm và đã từng xảy ra bục nước. Do vậy, trong sản xuất nhất thiết phải áp dụng các quy trình thăm dò trước gương nghiêm túc để loại trừ.
Và thứ tư là loại trừ các tai nạn do vận tải gây ra. Đây là khâu nan giải vì hiện nay chúng ta có quá nhiều công nghệ vận tải. Nhưng hãy áp dụng giải pháp loại trừ cho từng loại hình vận tải cụ thể…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tong-the-dong-bo-cu-the-20170307165946411.htm” button=”Theo vinacomin”]