Tổng quan chung
Trữ lượng than đã xác minh toàn thế giới đến năm 2017 là 1.035.012 triệu tấn, có thể khai thác trong 134 năm với mức sản lượng năm 2017 (7.724 triệu tấn). Trong đó trữ lượng than antraxit và bitum là 718.310 triệu tấn (chiếm 69,4%), than ábitum và than non (lignite) là 316.702 triệu tấn (chiếm 30,6%)[1].
Trong bối cảnh nguồn trữ lượng dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên đã xác minh còn lại trên thế giới có thể khai thác trong hơn 50 năm với mức sản lượng năm 2017 và nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), nhất là mặt trời và gió tuy có tiềm năng lớn nhưng do còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế và công nghệ nên mức độ khai thác, sử dụng còn hết sức hạn chế (năm 2017 NLTT không kể thủy điện chiếm 3,6% tổng năng lượng sơ cấp tiêu thụ và 8,4% sản lượng điện toàn cầu) thì nguồn tài nguyên than vẫn là một trong những nguồn tài nguyên năng lượng chính đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai của nhân loại, chí ít trong nửa đầu thế kỷ 21 trước khi nguồn NLTT được dự báo sẽ giữ vai trò quan trọng trong cán cân năng lượng thế giới [1].
Theo Dự báo của FOCUSECONOMICS (5/2016), sản lượng than thế giới sẽ ngày càng tăng, cụ thể là (triệu TOE): năm 2020: 4.265; năm 2025: 4.394; năm 2030: 4.492 và năm 2035: 4.586; nhu cầu than thế giới tương ứng với các năm là: 4.242; 4.366; 4.455 và 4.564.
Theo Dự báo của JEEI (10/2017) (Kịch bản thông thường):
Tiêu thụ than toàn cầu sẽ tăng từ 3.836 triệu TOE (tấn dầu quy đổi) năm 2015 lên 4.531 triệu TOE vào năm 2050, trong đó: khối OECD tiếp tục giảm tiêu thụ than; Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng nhẹ đến năm 2040 (đạt 2.109 triệu TOE), sau đó giảm nhẹ, đến năm 2050 còn 1.935 triệu toe; Ấn Độ sẽ tăng từ 379 lên 1.143 triệu TOE (gấp hơn 3 lần) và của ASEAN tăng từ 114 lên 398 triệu TOE (gấp gần 3,5 lần).
Sản lượng than toàn cầu sẽ tăng từ 7.727 triệu tấn năm 2015 lên 9.283 triệu tấn vào năm 2050. Than nhiệt tăng từ 5.835 triệu tấn năm 2015 lên 7.710 triệu tấn năm 2050, bằng 1,32 lần, để đáp ứng phần lớn nhu cầu gia tăng cho sản xuất điện. Than cốc giảm từ 1.081 triệu tấn năm 2015 xuống 1.004 triệu tấn vào năm 2050 do sản xuất thép thô giảm và than nâu giảm từ 811 triệu tấn năm 2015 xuống còn 570 triệu tấn vào năm 2050 do nhu cầu về loại than này trong sản xuất điện giảm. Trừ Bắc Mỹ, còn tại các châu lục và khu vực khác trên thế giới sản lượng than đều tăng cao.
Tổng sản lượng than xuất nhập khẩu toàn cầu sẽ tăng từ 1.311 triệu tấn năm 2015 lên 1.716 triệu tấn năm 2050 phù hợp với sự tăng trưởng của nhu cầu. Tiêu thụ than nhiệt tăng từ 1.038 triệu tấn năm 2015 lên 1.405 triệu tấn năm 2050 để đáp ứng nhu cầu than của Ấn Độ và các nước ASEAN. Tiêu thụ than cốc tăng từ 268 triệu tấn năm 2015 lên 308 triệu tấn năm 2050 chủ yếu do tăng nhu cầu của Ấn Độ.
Trong đó, than nhiệt nhập khẩu của Châu Á sẽ tăng từ 320 triệu tấn năm 2015 lên 917 triệu tấn năm 2050. Ấn Độ và 4 nước chính trong ASEAN là Malaixia, Thái Lan, Philippin và Việt Nam là các nước nhập khẩu phần lớn.
Xuất khẩu ròng về than nhiệt sẽ tăng từ các nước Úc, Nga, Colombia và Nam Phi. Indonexia công bố sẽ giảm xuất khẩu để phù hợp với nhu cầu than tăng trưởng trong nước.
Triển vọng giá than trong năm 2018-2019
Giá than nhiệt (than nồi hơi) và giá than cốc vẫn duy trì ở mức cao từ đầu năm 2018 đến nay. Giá giao ngay của giá than nhiệt (theo giá FOB tại cảng Newcastle ở Úc) đã dao động quanh mức 100 USD/tấn kể từ mùa hè năm 2017. Sau khi tăng lên 110 USD/tấn vào tháng 3/2018, giá giảm trở lại mức 93 USD/tấn vào tháng 4/2018 cuối mùa nhu cầu cao. Tuy nhiên, giá đảo ngược tăng lên tới 120 USD/tấn một lần nữa do sự tăng cường nhập khẩu của Trung Quốc chuẩn bị cho nhu cầu mùa hè.
Giá giao ngay của than cốc (giá FOB than cốc cứng cao cấp của Úc) tăng lên 260 USD/tấn trong tháng 1/2018 do nhập khẩu tăng ở Trung Quốc và Ấn Độ. Sau đó giá đã quay trở lại mức 170 USD/tấn vào cuối tháng 4, nhưng đã hồi phục và chạm mức 200 USD/tấn vào đầu tháng 7/2018. Hiện tại, giá đã quay trở lại mức 170 USD/tấn một lần nữa. Một trong những yếu tố chính đằng sau sự gia tăng giá này là sự gia tăng trên thị trường giao ngay tại Trung Quốc.
Nhu cầu than sẽ tăng ở các nước có nền kinh tế mới nổi, chủ yếu ở châu Á (Ấn Độ và ASEAN…), điều đó sẽ thúc đẩy nhập khẩu than gia tăng.
Đáp lại, cung cấp than sẽ có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng do việc khởi động lại các mỏ than tạm dừng sản xuất và kế hoạch mở rộng để vận hành các mỏ than do sự phục hồi của thị trường (giá cao). Ngoài ra, Colombia và Nga, nơi có sự tăng trưởng lớn về xuất khẩu trong năm 2017, đang tìm cách tăng nguồn cung cho các thị trường tăng trưởng trong tương lai ở châu Á.
Với tình hình đó, thị trường than sẽ chứng kiến giá than nhiệt và than cốc giảm trở lại từ mức cao hiện nay, do nguồn cung có thể được dự kiến sẽ vượt xa nhu cầu. Tuy nhiên, cần chú ý đến nguồn cung tạm thời bị suy giảm do thiên tai và tiêu thụ lớn hơn từ thị trường giao ngay và nhu cầu tạm thời tăng ở Trung Quốc và các nước khác.
Giá giao ngay của than nhiệt biến động do những thay đổi theo mùa, nhưng có thể xảy ra sự giảm xuống mức thấp hơn 70 USD/tấn ở mức thấp nhất. Giá trung bình hàng năm được dự báo sẽ tăng lên 101 USD/tấn vào năm 2018, tăng từ mức 89 USD/tấn trong năm 2017 và sau đó giảm xuống 80 USD/tấn vào năm 2019.
Giá giao ngay của than cốc có thể xảy ra mức giảm xuống mức 150 USD/tấn. Giá trung bình hàng năm sẽ tăng từ $ 188/tấn trong năm 2017 lên $ 192/tấn vào năm 2018, nhưng năm 2019 giá dự kiến sẽ giảm xuống còn $ 160/tấn.
Hiện trạng và triển vọng xu hướng cung cầu than đến năm 2020
Ở Trung Quốc, nhu cầu than giảm trong ba năm liên tiếp kể từ năm 2014 do tăng trưởng kinh tế chậm lại và các biện pháp chống ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, trong năm 2017, tiêu dùng than tăng lên, kéo theo cả sản xuất trong nước và nhập khẩu than đều tăng. Chính phủ Trung Quốc đã có chính sách kiểm soát tiêu thụ và sản xuất than một cách cân bằng. Sản lượng điện sản xuất từ nhiệt điện than và sản lượng gang hàng năm tăng lên trong năm 2018, và theo đó thời gian tới nhu cầu than sẽ tăng.
Tại Ấn Độ, nhập khẩu than đã giảm nhẹ trong hai năm sau khi đạt đỉnh vào năm 2015 do chính sách gia tăng sản xuất trong nước, tuy nhiên nhập khẩu than đều tăng so với cùng kỳ kể từ mùa thu năm 2017 và tiếp tục tăng ngay sau đầu năm 2018. Nhập khẩu than nhiệt sẽ tăng do ưu thế về chất lượng và chi phí và sự đưa vào hoạt động các nhà máy nhiệt điện than nhập khẩu. Nhập khẩu than cốc sẽ tăng theo sự gia tăng sản xuất gang vì Ấn Độ có ít trữ lượng than cốc cao cấp.
Tại Hoa Kỳ, nhu cầu than giảm mạnh do sự cắt giảm các nhà máy nhiệt điện đốt than bởi các biện pháp chống ô nhiễm môi trường và sự thay thế bằng nhiệt điện khí đốt có giá thấp hơn. Tổng thống Trump đã ra lệnh rà soát các quy định về các nhà máy nhiệt điện mới và hiện hành và Kế hoạch điện sạch (CPP). Điều này có thể đóng vai trò như một van điều tiết giảm nhu cầu than ở một mức độ nào đó. Mặt khác, xuất khẩu than tăng trong năm 2017 chủ yếu là ở châu Á (tăng 34 triệu tấn so với năm 2016). Sự gia tăng xuất khẩu than của Hoa Kỳ với giá FOB cao hơn là do sự phục hồi thị trường nước ngoài (giá cao). Hoa Kỳ có khả năng cung cấp dư thừa, nên mức xuất khẩu than sẽ phụ thuộc tực tiếp vào giá thị trường than quốc tế.
Xuất khẩu than của Indonesia giảm trong ba năm liên tiếp từ năm 2014, nhưng năm 2017 tăng lên. Đầu năm 2015 Chính phủ Indonesia đã công bố chính sách điều chỉnh sản xuất theo quan điểm bảo vệ tài nguyên than và sử dụng hiệu quả (giảm nhẹ sản lượng từ 425 triệu tấn năm 2015 xuống còn 400 triệu tấn vào năm 2019). Tuy nhiên, trên thực tế sản lượng năm 2017 tăng lên đến 460 triệu tấn, và mục tiêu sản xuất năm 2018 là 485 triệu tấn. Điều đó cho thấy xuất khẩu than của Indonesia sẽ không giảm trong thời gian tới.
Xuất khẩu than của Úc về cơ bản không thay đổi do sự tăng trưởng kém về khối lượng than thương mại toàn cầu. Xuất khẩu than cốc của Úc giảm trong năm 2017 sau thiệt hại nặng nề đối với một tuyến đường sắt chở than gây ra bởi cơn lốc xoáy đã tấn công Bang Queensland vào cuối tháng 3/2017.
Tái cơ cấu ngành than đang diễn ra do mức giá yếu từ năm 2011 đến đầu năm 2016. Nhìn vào tình hình tại Úc, Rio Tinto rời khỏi ngành than, Glencore tăng kinh doanh than nhiệt chủ yếu ở New South Wales, BHP Billiton tăng cường kinh doanh than cốc ở Queensland và Anglo American có kế hoạch rời khỏi lĩnh vực kinh doanh than. Trong khi đó, Yancoal, White Haven và những hãng khác đã mua lại quyền khai thác các mỏ và đang tìm cách mở rộng sản xuất. Như đã nêu ở trên, tuy việc xử lý tài sản mỏ đã được thực hiện, nhưng tổng thể năng lực sản xuất than của Úc vẫn duy trì ở mức hiện có. Do vậy, việc tăng sản lượng chủ yếu trông chờ vào các công ty đang tìm cách khởi động lại các mỏ than dừng sản xuất hoặc sản lượng sản xuất tăng phụ thuộc vào nhu cầu than.
Tóm lại, tuy xu thế giá than và cung cầu than trên thị trường thế giới hiện đang trong thế giằng co của lực kéo xuống và lực kéo lên song thiên về hướng đi lên trong lâu dài.
Tài liệu tham khảo:
- BP Statistical Review of World Energy 2017 &2018.
- Atsuo Sagawa: Outlook for the International Coal Market – 429th Forum on Research Works on July 26, 2018. IEEJ: September 2018
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tong-quan-trien-vong-thi-truong-than-the-gioi-201811011421083583.htm” button=”Theo vinacomin”]