Phát triển bền vững Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam là một trong những định hướng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ủy Tập đoàn
P.V: Thưa ông, để đảm bảo sự phát triển bền vững của Tập đoàn, Đảng ủy Tập đoàn đã đề ra những định hướng và mục tiêu chiến lược như thế nào?
Đ/c Đ.T.H:
Như chúng ta đều biết, phát triển bền vững Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam là một trong những định hướng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam ngay từ khi mới thành lập (25/5/2007). Đến nay, định hướng chiến lược này vẫn là rường cột, là kim chỉ nam trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của chiến lược là xây dựng Tập đoàn từng bước trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh, giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và một số cân đối lớn về khoáng sản của nền kinh tế, phấn đấu trong giai đoạn 2015 -2020 trở thành Tập đoàn kinh tế tầm cỡ trong khu vực và đến giai đoạn 2020-2030 trở thành Tập đoàn xuyên quốc gia lớn.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát trên, Đảng ủy Tập đoàn đã đề ra tổng thể những định hướng chiến lược và mục tiêu cụ thể phát triển các ngành nghề kinh doanh của Tập đoàn (tập trung vào những lĩnh vực công nghiệp chủ chốt như công nghiệp than, công nghiệp khoáng sản-luyện kim, công nghiệp điện, công nghiệp vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất, công nghiệp cơ khí), định hướng chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đầu tư, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, an toàn lao động, quản trị doanh nghiệp, hợp tác quốc tế, văn hóa doanh nghiệp và truyền thông, định hướng chiến lược phát triển các nguồn lực của Tập đoàn (tài nguyên khoáng sản, nguồn nhân lực, nguồn vốn-tài chính), xây dựng và kiện toàn hệ thống chính trị trong toàn Tập đoàn….
Đồng bộ các giải pháp
P.V: Trên cương vị người điều hành trực tiếp Tập đoàn, Tổng Giám đốc có thể chia sẻ sâu hơn về một số giải pháp để thực hiện được các mục tiêu trên?
Đ/c Đ.T.H: Để thực hiện được các mục tiêu của chiến lược đề ra, Tập đoàn các công ty Than – Khoáng sản Việt Nam đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào các giải pháp chính sau:
– Về phát triển tài nguyên: Đẩy mạnh công tác thăm dò tài nguyên bảo đảm đủ trữ lượng tin cậy cho việc ổn định và tăng năng suất khai thác than, khoáng sản theo kế hoạch dài hạn và các quy hoạch phát triển Ngành đã được phê duyệt. Phát triển các công ty thăm dò địa chất mỏ theo hướng hiện đại, đủ mạnh để thực hiện các hoạt động địa chất trong và ngoài nước.
– Về khoa học công nghệ: Coi khoa học công nghệ là lực lượng hàng đầu đảm bảo tăng năng suất lao động, tăng sản lượng, tiết kiệm chi phí, gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả và nâng cao mức độ an toàn lao động, an toàn môi trường; không ngừng đổi mới và hiện đại hóa công nghệ theo hướng nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa và sản xuất sạch hơn ở các mỏ, các nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động; áp dụng công nghệ hiện đại ngay từ đầu đối với các dự án đầu tư mới, đặc biệt là các dự án quyết định tăng trưởng của Tập đoàn trong các lĩnh vực.
– Về đầu tư: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/ĐU ngày 16/10/2014 về tập trung lãnh đạo thực hiện các dự án đầu tư phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2015 – 2020 với định hướng cho công tác đầu tư là “tập trung – dứt điểm – tránh dàn trải”. Đẩy mạnh tiến độ đầu tư, tập trung thu xếp vốn các dự án trọng điểm trong sản xuất than-khoáng sản và luyện kim phục vụ cho sự phát triển bền vững của TKV.
– Về quản trị doanh nghiệp: Đổi mới quản trị doanh nghiệp, áp dụng phương pháp quản trị hiện đại, đặc biệt là quản trị chi phí (với mục tiêu “chi phí tối thiểu cho lợi ích tối đa”), quản trị tài nguyên, quản lý các chỉ tiêu công nghệ, quản lý vật tư – thiết bị…; nâng cao năng lực, hiệu quả và hiệu lực của hệ thống kiểm soát nội bộ trong Tập đoàn; thường xuyên cập nhật, đổi mới, hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu công nghệ, hệ thống định mức kỹ thuật, kinh tế; áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin và tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm trong sản xuất kinh doanh; duy trì và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp. Trong đó xác định nâng cao sức cạnh tranh của TKV là nhiệm vụ xuyên suốt với tiêu chí “Nâng cao sức cạnh tranh = Tăng năng suất lao động + Đổi mới công nghệ + Nâng cao chất lượng lao động.”
– Về phát triển nguồn nhân lực: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân có chất lượng cao (Công nhân giỏi nghề, có tác phong công nghiệp và ý thức tổ chức kỷ luật cao; Cán bộ có tâm, tận tụy, năng động sáng tạo, thạo việc), đủ về số lượng với cơ cấu hợp lý phù hợp với yêu cầu của các ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh và của các đơn vị thành viên. Trong đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân được xác định theo tiêu chí “Nhân tài = Năng lực + Cam kết + Cống hiến”. Đồng thời có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút, giữ chân người lao động, đặc biệt là đội ngũ thợ lò.
– Về an toàn lao động và môi trường: Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị cùng thực hiện đồng bộ các giải pháp (kỹ thuật, kinh tế, chính sách, tổ chức, quản lý) theo hướng đảm bảo thực sự khắc phục được một cách triệt để các rủi ro, nguy cơ, nguyên nhân nhằm giảm thiểu tai nạn lao động một cách cơ bản, vững chắc. Phương châm lâu dài là kiên trì thực hiện mục tiêu “Tai nạn bằng không”. Tăng cường đầu tư nguồn lực (nhân lực và vật chất) cho công tác hoàn nguyên, bảo vệ môi trường trong và sau quá trình khai thác. Mục tiêu hướng đến là “Mỏ xanh, Mỏ sạch, Mỏ ít người”, đồng thời tích cực, chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.
– Về hợp tác quốc tế: Hội nhập và hợp tác sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tham gia vào chuỗi các giá trị toàn cầu, đẩy mạnh phát triển thị trường xuất nhập khẩu sản phẩm và đa dạng hóa thị trường cung cấp vật tư thiết bị.
– Về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 50-KL/TW ngày 29/10/2012 của TW Đảng (khóa XI) về “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”; Tiếp tục xây dựng đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2016 – 2020 theo hướng sắp xếp, hoàn thiện bộ máy tổ chức, điều hành từ Công ty mẹ – Tập đoàn đến các đơn vị. Xác lập mô hình công ty mẹ – công ty con trong đó quy định rõ về vai trò, nhiệm vụ của công ty mẹ – công ty con và các công ty liên kết. Đồng thời kiện toàn mô hình tổ chức Đảng trong toàn Tập đoàn để tạo sự thống nhất trong lãnh chỉ đạo nhiệm vụ chung của Tập đoàn; triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 18 – NQ/ĐU ngày 2/3/2017 của Đảng ủy Tập đoàn về nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ và cấp ủy chi bộ giai đoạn 2017 – 2020; phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên và các tổ chức đoàn thể khác, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong Tập đoàn.
– Về xây dựng văn hóa doanh nghiệp và truyền thông: Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trên nền tảng truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của giai cấp công nhân mỏ, sự trung thành, tin cậy, sáng tạo và tư duy kinh doanh đổi mới phù hợp với điều kiện và tình hình mới. Phát huy cao độ và chuyển khẩu hiệu đấu tranh của công nhân mỏ năm 1936 “Kỷ luật và Đồng tâm chúng ta nhất định thắng” thành sức mạnh vật chất thời kỳ hội nhập. Phát triển công tác truyền thông gắn liền với mọi hoạt động của Tập đoàn và các công ty thành viên theo tinh thần chủ động tuyên truyền, phản ánh, giải thích kịp thời, đúng đắn chủ trương, mục tiêu, quá trình thực hiện và kết quả hoạt động kinh doanh.
“THỢ MỎ – nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Tập đoàn và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”
P.V: Trong việc triển khai thực hiện các giải pháp nêu trên, thì nhân tố nào đang và sẽ đóng vai trò quan trọng quyết định đến sự phát triển bền vững của Tập đoàn thưa Tổng Giám đốc?Đ/c Đ.T.H: Như chúng ta đã biết, ngành Than là một trong những ngành công nghiệp có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời nhất và giai cấp công nhân mỏ cũng được hình thành sớm nhất trong giai cấp công nhân cả nước. Chính điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nhiều rủi ro… tất cả đã nhào nặn nên bản lĩnh gai góc như những người lính xung trận, và ý chí can trường sẵn sàng đối mặt, vượt qua khó khăn, thử thách của người thợ mỏ – người chiến sỹ trên mặt trận sản xuất than, nhất là trong tương lai gần công nghệ khai thác than của Ngành sẽ chủ yếu bằng công nghệ khai thác hầm lò. Vì vậy, cùng với công tác chuẩn bị nguồn tài nguyên, công tác chuẩn bị nguồn nhân lực là nhiệm vụ đặc biệt của TKV, bởi đây là 2 yếu tố chính của phương châm phát triển “Từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh” của Tập đoàn, và Thợ mỏ – là nhân tố hết sức quan trọng, không chỉ quyết định sự phát triển bền vững của Tập đoàn mà còn là nhân tố quan trọng quyết định sự nghiệp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập đang tiếp tục đặt ra cho ngành Than – Khoáng sản Việt Nam nhiệm vụ vinh quang nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nói “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”. Do vậy mỗi người thợ lò cũng phải là “chiến sỹ” trên mặt trận sản xuất than. Với ý chí, nghị lực,truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” và tình giai cấp của công nhân mỏ, cùng với sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ ngành Trung ương, các địa phương nhất định Tập đoàn sẽ vượt qua được những khó khăn thách thức và thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn; hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ 2, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, xứng đáng với tấm Huân chương Sao vàng, Huân chương Độc lập và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới mà Đảng, Nhà nước đã phong tặng.
P.V: Trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc!
[odex-source url=”http://www.vangdanhcoal.com.vn/index.php/tin-tuc-su-kien/item/242-taaang-giaam-aaac-aaang-thanh-haaai-aaathaaa-maaa-nhaan-taaa-quan-traaang-quyaaat-aaanh-saaa-phaat-triaaan-baaan-vaaang-caaaa-taaap-oaan-vaa-aaam-baaao-an-ninh-n-ng-l-aaang-quaaac-giaaaa” button=”Theo Than Vàng Danh”]