Thoạt nghe, tưởng phi lý. Nhưng tìm hiểu mới biết đó là một trong những cách làm hợp lý để tiết giảm chi phí của Tổng Công ty Khoáng sản.
Nhận thức rõ mục tiêu cốt lõi đặt ra trong tiết giảm các chi phí là nhằm nâng cao năng lực quản lý, tăng cường khả năng cạnh tranh, là bước khởi đầu tất yếu để tiến tới thực hiện quá trình tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổng Công ty Khoáng sản (VIMICO) đã từng bước thực hiện triệt để các biện pháp nhằm tiết giảm chi phí.
Trên cơ sở kế hoạch đã được Tập đoàn giao, căn cứ vào điều kiện thực tế của từng đơn vị, ngay từ đầu năm, Tổng Công ty đã xây dựng và ban hành giá giao khoán cho 5 công ty con, công ty trực thuộc (Công ty Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Công ty Luyện đồng Lào Cai, Công ty TNHH MTV KLM Thái Nguyên, Công ty CP Khoáng sản – Luyện kim Cao Bằng, Công ty CP KLM Nghệ Tĩnh). Công tác giao khoán được thực hiện chi tiết cho từng công đoạn sản xuất, mỗi công đoạn đều căn cứ theo định mức kinh tế kỹ thuật đã ban hành và khối lượng kế hoạch năm. Với một số công đoạn chưa đủ căn cứ để giao đơn giá chi tiết, Tổng Công ty tạm thời giao đơn giá tổng hợp. Trong năm thường xuyên cập nhật, theo dõi tổng hợp tình hình sản xuất của các đơn vị từng tháng, quý để kịp thời điều chỉnh công tác khoán.
Song song đó, Tổng Công ty cũng tập trung quản lý các chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ, năng suất, quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý khối lượng công việc phát sinh so với kế hoạch. Năm 2011, VIMICO đã phối hợp với Viện KHCN Mỏ xây dựng, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật trong công tác khai thác, tuyển khoáng, cơ điện, luyện kim và được Tập đoàn phê duyệt, làm cơ sở thực hiện xây dựng giá giao khoán nội bộ. Bên cạnh đó, Tổng Công ty cũng ban hành bổ sung các quy định liên quan tới quản lý chất lượng sản phẩm, tăng cường chỉ đạo, giám sát thực hiện, điều chỉnh công nghệ phù hợp… nên các sản phẩm như: Đồng kim loại, thiếc, kẽm hoàn thành kế hoạch sản lượng, chất lượng ổn định.
Xác định việc quản lý vật tư là yếu tố tiên quyết trong lộ trình tiết giảm chi phí, VIMICO đã thành lập Hội đồng đánh giá để kiểm định chất lượng vật tư; xây dựng định mức tồn kho vật tư hợp lý giúp tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Việc quản lý vật tư tồn kho cuối kỳ của các đơn vị được coi là một trong những chỉ tiêu kinh tế để đánh giá kết quả quản lý, điều hành SXKD của giám đốc đơn vị. Những vật tư đã cấp nhưng không sử dụng đều phải nhập lại kho. Tổng Công ty cũng tăng cường phục hồi, tái chế sử dụng một số phụ tùng vật tư thay thế có giá trị lớn để giảm chi phí, hạ giá thành; tăng cường sử dụng các vật tư, dịch vụ trong nội bộ như bi nghiền, sản phẩm đúc, dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị.
Ngoài ra, thời gian qua, VIMICO đặc biệt tập trung tới công tác đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác và chế biến khoáng sản nhằm nâng cao năng suất lao động, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường góp phần nâng cao hiệu quả công tác khoán quản trị chi phí. Tổng Công ty đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn như: Viện KHCN mỏ luyện kim, Viện mỏ luyện kim… triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nổ mìn tiên tiến trong khai thác; cơ giới hóa khâu xúc bốc, vận tải trong khai thác hầm lò; áp dụng kiểm toán và cải tạo hệ thống thông gió… thuộc các mỏ hầm lò kẽm chì Chợ Điền, Làng Hích; thực hiện ”Chương trình đổi mới công nghệ tuyển khoáng” tại các mỏ thiếc, mỏ chì kẽm, mỏ sắt đảm bảo nâng cao năng suất, các chỉ tiêu công nghệ tại các xưởng tuyển… Trong công tác luyện kim đã xây dựng phương án, các giải pháp kỹ thuật sản xuất cho các nhà máy luyện kim phù hợp đảm bảo nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm luyện kim, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ. Nghiên cứu công nghệ và đưa vào sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm mới như Fero silic mác 75%Si để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tiết giảm chi phí bằng tăng lương: Tại sao không?
Thoạt tiên, khi bàn đến việc tiết giảm chi phí nhưng lại tăng lương nghe khá phi lý, nhưng khi tìm hiểu sâu hơn lại hoàn toàn hợp lý. Và điều này càng đúng đắn hơn khi yếu tố nhân lực luôn được Ban lãnh đạo VIMICO xác định là một trong nhưng nhân tố tiên quyết cho sự phát triển vững bền của đơn vị. Một vị lãnh đạo VIMICO cho biết, sự cạnh tranh giữa một doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp bên ngoài rất quyết liệt và nguy cơ “chảy máu chất xám” là có thật. Theo ông, trong điều kiện trình độ công nghệ giữa các công ty hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản hầu như không có khác biệt, hiệu quả công việc của các cán bộ quản lý có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính vì thế, ngoài chính sách lương theo hệ số chất lượng và tiêu hao vật tư cho từng bộ phận, VIMICO còn trả lương cao cho những người ở vị trí chủ chốt để vừa tránh bị “chảy máu chất xám” vừa khuyến khích họ làm việc. Hơn nữa, với những CBCNV tận tâm, yêu nghề, gắn bó lâu năm và có nhiều đóng góp với đơn vị thì không có lí gì mà không có những đãi ngộ hợp lý theo điều kiện cho phép. “Đặc biệt ở VIMICO không có chuyện cắt giảm lương của người lao động cho tiết giảm chi phí” – vị lãnh đạo này khẳng định.
Chủ trương tiết giảm chi phí quản lý, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của các tập đoàn, tổng công ty trong giai đoạn này là hết sức cần thiết và là yêu cầu của thực tế. Chỉ có điều hiểu đúng về vấn đề này ra sao, không thực hiện một cách quá máy móc để chủ trương đem lại hiệu quả một cách cao nhất. Với những việc làm cụ thể của mình, VIMICO đã chọn cho mình một lối đi đúng hướng.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tong-cong-ty-khoang-san-tiet-giam-chi-phi-bang-cach-tang-luong-1624.htm” button=”Theo vinacomin”]