Thời gian gần đây, Tạp chí Vinacomin nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả của tổ hợp dàn chống 2ANSH áp dụng ở Công ty than Hồng Thái. Đây là công nghệ hiện đại, tổng mức đầu tư lớn (gần 70 tỷ đồng) nhưng năng suất thấp và chỉ đạt khoảng 25 % so với lò chợ áp dụng bằng cột chống thủy lực đơn mà Công ty này đang áp dụng…
Công nghệ mới, áp dụng thử nghiệm
Trước hết, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng, đối với những vỉa than mỏng, dốc đứng, từ trước đến nay, ở nước ta, chưa có công nghệ khai thác nào mang lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác triệt để tài nguyên, đảm bảo an toàn lao động. Bởi vậy, việc nghiên cứu áp dụng thử nghiệm công nghệ cơ giới hóa khai thác bằng tổ hợp dàn chống 2 ANSH cho các vỉa mỏng, dốc đứng ở Than Hồng Thái (và Mạo Khê) nhằm nâng cao năng suất, khai thác triệt để tài nguyên và đảm bảo an toàn là rất cần thiết; nếu không nghiên cứu áp dụng thử nghiệm nó (công nghệ 2 ANSH) thì hiện chưa có công nghệ nào khả thi hơn. Và vì thế, không thể lấy sản lượng của công nghệ này so sánh với sản lượng của lò chợ cột chống thủy lực đơn được!
Với mục đích đó, từ năm 2007, Viện KHCN mỏ phối hợp với Công ty than Hồng Thái đã lập Dự án: “áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác bằng tổ hợp dàn chống cho các vỉa mỏng tại khu vực Tràng Khê”. Từ tháng 10/2008, dàn chống 2 ANSH bắt đầu đi vào hoạt động thử nghiệm. Đây là công nghệ mới, lần đầu áp dụng ở Việt Nam.
Vì sao năng suất thấp?
Qua số liệu thống kê của Viện KHCN Mỏ – đơn vị tư vấn chuyển giao công nghệ thấy rằng, sản lượng bình quân đạt được trong thời gian khai thác (không kể thời gian lắp đặt và làm quen công nghệ) là 3.997 T/tháng; tháng cao nhất đạt 13.086 tấn, tháng thấp nhất đạt 802 tấn; có thời điểm, mỗi ngày đạt 400 500 tấn. Nếu tính cả năm, công suất lò suất lò chợ thực tế từ khi khấu bằng công nghệ này đến nay chỉ đạt 47.969 tấn. Như vậy, công suất của ông nghệ này chỉ đạt khoảng 50 % công suất thiết kế và đạt khoảng 25 % so sánh với cột chống thủy lực đơn mà Công ty này đang áp dụng (cột chống thủy lực đơn ở đây đạt trên 200 nghìn tấn/năm).
Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện KHCN Mỏ và ông Nguyễn Quế Thanh, Giám đốc Công ty than Hồng Thái thì nguyên nhân nhân chính dẫn đến công suất lò chợ còn thấp do các yếu tố sau:
Thứ nhất, lò chợ bám vách và trụ vỉa, chiều cao khấu gương toàn lò chợ trong khoảng 2,2 – 2,0 m. Phần than sát vách vỉa có chiều dày 0,5 – 1,0 m là loại than mềm. Đá vách trực tiếp vỉa than là sét than, sét kết phân mỏng,chiều dày khoảng 1,5m, dễ tách lớp và sụt lở khi lộ gương nên lò chợ thường xuyên bị rỗng nóc gây khó khăn cho công tác di chuyển vì chống. Mặt khác, trong thời gian mùa mưa, lò chợ khai thác gần địa hình nên ảnh hưởng trực tiếp từ mặt trước. Nước chảy qua lò chợ nhiều làm tụt nóc lở gương, hạn chế công tác khai thác và tải than. Trong thời gian này, phần lớn các công tác lò chợ là củng cố và tháo tách nước nên ảnh hưởng rất lớn tới công suất khai thác.
Nguyên nhân thứ 2 là các chỉ tiêu sản lượng và năng suất lao động v.v. trong thiết kế đã xây dựng quá cao, công nhân khó mà thực hiện được. Hiện tại, chỉ tiêu năng suất lao động đặt ra là 20 tấn/ công, nhưng thực tế chỉ đạt 2,5 tấn/công. Do vậy, thu nhập của công nhân ở đây thấp, khiến một số người sinh ra chán nản. Đến nỗi, ông Phạm Minh Tiến, Quản đốc Phân xưởng – người có nhiều kinh nghiệm áp dụng công nghệ này đã có ý định xin chấm dứt hợp đồng, chuyển về Đại học Công nghiệp Quảng Ninh. Các ý kiến đều cho rằng, chỉ tiêu này có thể đạt được trong các điều kiện kỹ thuật mỏ thuận lợi.
Dù công suất chưa đạt như mong muốn
Trong điều kiện vỉa mỏng, dốc đứng; điều kiện địa chất biến động, nhiều nước, dễ tụt lở nên công suất chưa đạt như thiết kế là việc bình thường. Dù công suất hiện tại còn thấp nhưng hiệu quả của tổ hợp dàn 2 ANSH mang lại, ngoài đảm bảo an toàn, còn giảm tổn thất tài nguyên và giảm lượng gỗ chi phí trong quá trình khai thác. Đây là 2 yếu tố quan trọng trong việc đánh giá công nghệ. Hiện tại, lò chợ vỉa 12 khu Tràng Khê đã tiến hành khấu xong hai cột và đang chuẩn bị và khai thác cột thứ 3. Theo thiết kế, tỷ lệ tổn thất theo công nghệ là 25,4 %, nhưng thực tế áp dụng, tỷ lệ tổn thất tài nguyên chỉ có 14 %. Phần trữ lượng than tổn thất chủ yếu nằm trong trụ than tiếp giáp với lò dọc vỉa vận tải khi kết thúc cột khấu và tổn thất do mở lò thượng khởi điểm không kê theo chiều dọc vỉa, còn tổn thất trong quá trình khai thác ở cột khấu là không đáng kể.
Cũng theo thiết kế, chi phí gỗ cho 1000 tấn than là 33,7 m3, nhưng thực tế áp dụng chỉ có 25,4 m3. Nếu chỉ xét về giá trị kinh tế, lợi ích từ tiết kiệm tài nguyên và tiết kiệm gỗ do công nghệ này mang lại là rất lớn.
Hiện, Viện KHCN Mỏ và Công ty than Hồng Thái đang tiếp tục nghiên cứu áp dụng nhiều biện pháp để hoàn thiện công nghệ.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/to-hop-dan-chong-2ansh-o-than-hong-thai-du-nang-suat-chua-dat-nhu-mong-muon-2196.htm” button=”Theo vinacomin”]