Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa (CPH) đến hết năm 2020. Theo đó có 93 doanh nghiệp thực hiện CPH đến hết năm 2020. Trong số đó, TKV là một trong bốn doanh nghiệp Nhà nước sẽ nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên.
Vậy, tiến trình thực hiện CPH tại TKV hiện ra sao? TKV gặp những thuận lợi, khó khăn gì trong việc thực hiện CPH? Ông Trần Văn Cừ – Trưởng ban Tổ chức Nhân sự Tập đoàn – đã trả lời phỏng vấn về một số vấn đề liên quan đến vấn đề trên. Nội dung phỏng vấn như sau:
Câu hỏi 1: Xin Ông cho biết tiến trình thực hiện CPH tại TKV hiện giờ ra sao? TKV đang đứng ở vị trí nào trên bản đồ thực hiện CPH các doanh nghiệp tại Việt Nam?
Trả lời:
Theo quy định hiện hành của Nhà nước, quy trình CPH bước đầu tiên là phải lập phương án xử lý nhà đất và phương án sử dụng đất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bước thứ 2 là tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp. Bước thứ 3 là lập phương án cổ phần hoá, trong đó có phương án xử lý tài chính, xử lý lao động, cơ cấu bán cổ phần lần đầu, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, kế hoạch kinh doanh sau cổ phần hoá. Bước thứ 4 là tổ chức bán cổ phần ra công chúng. Bước cuối cùng là tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu để thành lập công ty cổ phần, sau đó bàn giao và quyết toán cổ phần hoá.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TKV đã tích cực triển khai các bước chuẩn bị CPH ngay từ đầu năm 2018. Đến nay, chúng ta đã lập xong phương án xử lý nhà đất và đã báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu để xem xét phê duyệt. Hiện nay đang trong quá trình thẩm định phương án.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 phê duyệt danh mục doanh nghiệp CPH đến hết năm 2020. Theo đó, TKV được điều chỉnh tiến độ CPH từ năm 2019 sang năm 2020.
Trong số các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, TKV thuộc đối tượng Nhà nước sẽ nắm giữ cổ phần chi phối ở mức tuyệt đối là trên 65%. Có 3 tập đoàn sẽ vẫn duy trì là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đó là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông Quân đội. Một số tập đoàn khác Nhà nước chỉ nắm giữ trên 51% vốn điều lệ, như Tập đoàn Hoá chất Việt Nam…
Câu hỏi 2: Trong thực hiện CPH, TKV gặp phải những thuận lợi và khó khăn như thế nào, thưa Ông?
Trả lời:
Thuận lợi lớn nhất đó là sự quyết tâm cao độ của Lãnh đạo Tập đoàn trong việc triển khai CPH TKV đúng tiến độ để Tập đoàn có thể áp dụng những cơ chế quản trị doanh nghiệp thông thoáng hơn, hiện đại hơn.
Tuy nhiên, khó khăn cũng rất nhiều. Về mặt chủ quan, chúng ta phải xử lý những tồn tại về tài chính qua nhiều năm hoạt động, nhất là những tồn tại về tài chính trong quá trình CPH các công ty con trước đây được chuyển về Công ty mẹ – Tập đoàn để xử lý. Mặt khác, do sử dụng rất nhiều đất đai, nhà xưởng phục vụ sản xuất (17,37 triệu m2 đất và 1,6 triệu m2 nhà ở 33 tỉnh, thành phố) nên việc lập phương án xử lý nhà đất và quá trình thẩm định, phê duyệt đã bị kéo dài do số lượng công việc quá lớn. Ngoài ra, do quy mô lao động của Công ty mẹ trên 50 ngàn người nên việc tính toán số năm công tác của người lao động để mua cổ phần ưu đãi cũng là một công việc có khối lượng rất nhiều và mất thời gian. Về mặt khách quan, việc thẩm định, phê duyệt phương án xử lý nhà đất của cấp có thẩm quyền bị chậm cho nên có thể phải hết năm 2019 chúng ta mới có thể chuyển sang bước xác định giá trị doanh nghiệp. Một vấn đề cũng rất lớn đó là quy định phải tính giá trị lịch sử, văn hoá của doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp – trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể cách xác định như thế nào cũng sẽ là một khó khăn rất lớn làm ảnh hưởng đến tiến độ CPH TKV.
Câu hỏi 3: Như vậy, TKV sẽ giải quyết các khó khăn đó thế nào, đặc biệt trong việc thẩm định phương án xử lý nhà, đất, thưa Ông?
Trả lời:
Những khó khăn về mặt chủ quan thì chúng ta phải tự khắc phục bằng cách tập trung nhân lực và xử lý từng việc, từng bước dứt điểm. Tập đoàn đã phân công một đồng chí Phó Tổng Giám đốc đặc trách công tác tái cơ cấu trong đó có công tác CPH TKV. Đối với những khó khăn khách quan, TKV đã kiên trì, thận trọng báo cáo Cơ quan đại diện chủ sở hữu và các Bộ, Ngành để cho ý kiến xử lý.
Riêng với việc thẩm định phương án xử lý nhà đất, cần thực hiện theo đúng quy định, đúng trình tự để không xảy ra rủi ro trong quá trình thực hiện.
Câu hỏi 4: Sau khi hoàn thành CPH, cá nhân Ông có nhận định thế nào về triển vọng của ngành Than – Khoáng sản Việt Nam?
Trả lời:
CPH sẽ làm cho doanh nghiệp đổi mới cơ cấu vốn chủ sở hữu, thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp tốt hơn, từ đó hoạt động hiệu quả hơn, có khả năng cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, triển vọng của ngành còn phụ thuộc phần lớn vào yếu tố khách quan đó là thị trường, môi trường hoạt động và cơ chế, chính sách quản lý năng lượng của Nhà nước.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, TKV sẽ tiếp tục ổn định và phát triển, bởi vì chúng ta hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, mà năng lượng thì luôn cần cho phát triển kinh tế.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TKV đã tích cực triển khai các bước chuẩn bị CPH ngay từ đầu năm 2018. Đến nay, chúng ta đã lập xong phương án xử lý nhà đất và đã báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu để xem xét phê duyệt. Hiện nay đang trong quá trình thẩm định phương án.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tkv-truoc-them-co-phan-hoa-2020-201910221621408769.htm” button=”Theo vinacomin”]