Từ thời điểm Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) giai đoạn 2017 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2017 đến nay, TKV đang tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ để tái cấu trúc Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc nhằm khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, định hướng phát triển Tập đoàn theo hướng hiện đại.
Tại Công ty CP Than Thống Nhất, thời gian qua, đơn vị này đã tập trung cho việc lập Đề án tái cơ cấu riêng với chương trình hành động triển khai cụ thể. Cuối tháng 3 vừa qua, Đề án tái cơ cấu Công ty Than Thống Nhất – TKV giao đoạn 2017 – 2020 đã được Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam ra quyết định phê duyệt. Trên cơ sở đó, Than Thống Nhất đã tập trung sắp xếp các phòng ban chuyên môn, phân xưởng sản xuất trực thuộc Công ty theo hướng gọn nhẹ, giảm tối đa đầu mối, chuyên môn hóa bộ máy quản lý để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty có hiệu quả.
Nhiều phòng ban chuyên môn đã được hợp nhất như: Phòng Thanh tra – Pháp chế – Kiểm toán nội bộ và Phòng Bảo vệ Quân sự hợp nhất lại; sáp nhập Phòng Thoát nước và thông gió mỏ vào Phòng Kỹ thuật công nghệ mỏ; sáp nhập Ban quản lý dự án vào Phòng Đầu tư, môi trường; tổ chức sắp xếp lại Phòng Vật tư theo hướng chuyển chức năng nhiệm vụ về các phòng chuyên môn khác phù hợp; đồng thời kiện toàn, sắp xếp các phân xưởng trực thuộc.
Với việc tái cơ cấu này, Than Thống Nhất sẽ có số lượng phòng chuyên môn chỉ còn tối đa là 12 phòng và 01 trạm Y tế. Số lượng phân xưởng trực thuộc sau khi tái cơ cấu tối đa là 20 phân xưởng.
Các đơn vị trực thuộc TKV đang tập trung cho vấn đề cốt lõi là tái cấu trúc quản trị nội bộ và tái cơ cấu lực lượng lao động. (Ảnh Tư liệu Công ty than Hà Lầm)
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Cao Việt Phương – Phó giám đốc Công ty CP than Hà Lầm cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, Than Hà Lầm tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ tái cơ cấu theo chỉ đạo của TKV. Trong đó, công ty cũng tiến hành sắp xếp lại bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả tại các phòng, ban nhằm đạt được chất lượng quản lý. Còn tại các công trường, phân xưởng thì huy động nguồn lực xã hội hóa, giảm bớt lao động phụ trợ để đảm bảo bộ máy gọn nhẹ mà hoạt động có hiệu quả. “Chẳng hạn như với bộ phận bảo vệ, ở những vị trí trung tâm, chúng tôi có người của công ty, còn lại sẽ thuê ngoài. Hay như bộ phận phục vụ cũng có thể thuê ngoài với giá thành hợp lý và giảm bớt chi phí thêm cho lao động… Không chỉ vậy, cồng ty xác định quản lý lao động là vấn đề then chốt, có chính sách thu hút các lao động, nhất là thợ mỏ có tay nghề cao…” – Ông Phương cho biết thêm.
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, các đơn vị trực thuộc TKV đang tập trung cho vấn đề cốt lõi là tái cấu trúc quản trị nội bộ. Từ Tập đoàn đến các đơn vị sản xuất kinh doanh than trực thuộc đang triển khai các biện pháp đồng bộ về quản trị nội bộ, kiện toàn mô hình quản lý, áp dụng cơ giới hóa trong khai thác mỏ, hoàn thiện cơ chế quản lý nhằm tăng năng suất, giảm giá thành, đổi mới và tái cơ cấu chất lượng lao động. Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên cũng tập trung tái cơ cấu lực lượng lao động, thu hút lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao; tổ chức lại sản xuất và sắp xếp lại lao động, tinh giản bộ máy lao động gián tiếp.
Cùng với đó, TKV cũng tiến hành sắp xếp lại doanh nghiệp, loại bỏ dần các công ty “cháu”, chuyển đổi 10 công ty TNHH một thành viên sản xuất than thành chi nhánh trực thuộc công ty “mẹ” – TKV; sáp nhập, hợp nhất, giải thể, sắp xếp, tổ chức lại 6 công ty và 4 ban quản lý. TKV cũng tiếp tục thực hiện việc thoái vốn tại 7 công ty con, công ty liên kết; tăng tỷ lệ sở hữu đạt tỷ lệ tối thiểu 65% tại 6 công ty sản xuất than…
Cụ thể, ngay từ đầu năm 2018, 2 công ty xây dựng mỏ (hầm lò 1 và hầm lò 2) được sáp nhập thành Công ty Xây lắp mỏ – TKV; Công ty Than Hồng Thái sáp nhập vào Công ty Than Uông Bí. Công ty Kho vận Hòn Gai cũng được nhập vào Công ty Tuyển than Hòn Gai; chuyển Ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng về trực thuộc Viện Khoa học công nghệ mỏ.
Tại công ty Than Uông Bí, giám đốc công ty cho hay, sau thời gian sáp nhập, công tác tổ chức, sắp xếp, bố trí lao động đã dần đi vào ổn định. Sản xuất của các phân xưởng vẫn diễn ra bình thường. Công tác bảo vệ tài nguyên, ranh giới mỏ cũng được giữ vững. Cái được sau sáp nhập Công ty Than Hồng Thái về Than Uông Bí là giảm đầu mối, nâng trữ lượng tài nguyên, tiết kiệm tối đa quản lý nhân lực và giúp giảm các chi phí về quản lý, chi phí thuế tài nguyên, chi phí phục vụ phụ trợ…
Tuy nhiên, sau sáp nhập, các đơn vị này cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc. Do đó, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV của TKV yêu cầu: “Các đơn vị, nhất là người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo vấn đề tái cơ cấu và nhất thiết phải nhận thức xuyên suốt, tư tưởng phải thông, việc thực hiện tái cơ cấu vì sự nghiệp phát triển bền vững ngành than khoáng sản Việt Nam”. Với các đơn vị sau sát nhập như Than Uông Bí phải tiếp tục rà soát, kiện toàn mô hình từ bộ máy điều hành đến phân xưởng tổ đội theo mô hình một cấp một cách khách quan, công khai dân chủ; căn cứ theo nhu cầu thị trường để có kế hoạch khai thác từng năm và phân bổ số lượng lao động hợp lý; tăng cường quản trị doanh nghiệp và quản trị chi phí nhằm giảm giá thành than, tăng hiệu quả SXKD và lợi nhuận…
Được biết, từ năm 2012 đến nay, lực lượng lao động của TKV đã giảm được xấp xỉ 20.000 lao động (trong 5 năm qua đã giảm 16% tổng số lao động của toàn Tập đoàn). Tính đến hết năm 2017, số lao động toàn Tập đoàn giảm xuống dưới 106.000 người, riêng năm 2017 tổng số lao động giảm khoảng 5.500 người, trong đó số lao động quản lý và phục vụ, phụ trợ giảm tuyệt đối là 3.315 người.
Từ năm 2018, TKV xác định phải tập trung cho tái cơ cấu không chỉ là giảm số lượng lao động mà để đạt mục tiêu tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng TKV trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh có trình độ công nghệ, mô hình quản trị theo hướng hiện đại và chuyên môn hóa cao; cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, hợp lý…/.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc/tkv-tai-co-cau-de-nang-cao-chat-luong-quan-ly-201805161555486761.htm” button=”Theo vinacomin”]