Sự cống hiến của bất kỳ “thủ lĩnh” nào cũng đều có những giá trị in bóng vào thời của họ. Nhưng có lẽ, với cựu Tổng Giám đốc – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam – Đoàn Văn Kiển, những nền tảng mà ông đã để lại cho Ngành, cho thợ mỏ khó ai có thể phủ nhận được. Nhắc đến ông, những người làm việc trong Ngành và cả những ai đã từng quen biết với ông đều đánh giá ông là người có tư duy sắc bén, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và hơn hết, ông là người sống có tình, luôn hết lòng với thợ mỏ, với ngành Than.
Sinh năm 1949, ông xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 18 tuổi (1967), ông sang Ba Lan học đại học ngành mỏ. Ngày tiễn ông ra nước ngoài học tập, bố ông đã dặn “Con sang bên ấy học trong lúc ở nhà đang có chiến tranh đó là một sự ưu tiên của Đảng và Chính phủ với gia đình ta. Con hãy học lấy một nghề sao cho thật giỏi để sau này về phục vụ đất nước”. Chính những lời dặn ấy đã định hướng cho hành động của ông trong quá trình học tập và lao động sau này. Ba Lan đã dạy cho ông vốn kiến thức dày dặn trong nghề mỏ. Điều đó cộng với ý thức của ông khi chọn những nơi thực tập khó khăn, “cơ bản” nhất, như ở hệ thống thông gió mỏ. Hay nghiền ngẫm những môn hóc búa nhất: “khí nổ, bụi nổ và vật liệu nổ” và hết sức thông thuộc những kiến thức thạch học, địa chất, cơ học đất đá, thủy cơ v.v. Từ những nỗ lực, ông là một trong 2 người Việt Nam duy nhất thi đạt “bằng xanh” – Bằng ưu của Ba Lan về khai thác mỏ.
Trở về nước năm 1974, sự nghiệp của ông bắt đầu tại mỏ than Mông Dương. Cũng từ đây, nhờ sự dìu dắt, học tập từ các bậc đàn anh trong môi trường lao động nặng nhọc, cộng thêm tố chất thông minh, lại thạo nhiều ngoại ngữ nên từ một kỹ sư trẻ tập sự, chỉ sau hơn một năm, ông được cấp trên nhìn nhận năng lực rồi đề bạt lên chức Phó quản đốc Phân xưởng Đào lò, một vị trí mà lúc đó không phải ai cũng nhanh chóng được cất nhắc.
Suốt 35 năm cống hiến cho ngành Than, ông cứ thế trưởng thành dần lên, từ một kỹ sư trẻ tập sự, đến Phó quản đốc phân xưởng, Trưởng phòng Kỹ thuật, Phó giám đốc, Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương, Giám đốc Công ty Than III (TCT Công nghiệp mỏ Việt Bắc), rồi Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Trong vị trí người chỉ huy chiến lược của một Tập đoàn công nghiệp giàu truyền thống, ông đã dẫn dắt đoàn quân của mình vượt qua muôn vàn chông gai, thử thách, làm nên những kỳ tích chưa từng có trong lịch sử phát triển của ngành mỏ. Trong vòng 10 năm, từ 1995 – 2005, sản lượng than Việt Nam đã tăng 8 lần từ 10 triệu tấn lên 20 triệu tấn, 30 triệu tấn, 45 triệu tấn, bỏ xa dự kiến và kỷ lục của những năm đầu Tổng Công ty Than Việt Nam vừa ra đời.
Còn nhớ, thời kỳ Tổng Công ty mới được thành lập, nạn “than thổ phỉ” tại Quảng Ninh hoành hành khắp nơi, mọi việc gần như công khai, cả tỉnh lúc đó tồn tại trên 1.500 lò than trái phép. Thời kỳ này, núi rừng tỉnh Quảng Ninh tưởng như bị tàn phá sạch sẽ bởi hàng ngàn lò than “thổ phỉ” và phong trào “nhà nhà làm than, người người làm than”… Để dẹp nạn làm than “thổ phỉ”, bên cạnh những biện pháp cứng rắn, ông cũng khéo chọn những biện pháp mềm, ấy là không sử dụng vũ lực đánh mìn sập các lò như trước, ông cho các mỏ “chiếm” luôn lò than, kêu gọi đám thợ kia về ngành công tác, tạo công ăn việc làm đàng hoàng, rồi thuyết phục họ từ bỏ việc làm than thổ phỉ. Bằng sự quyết tâm cao, sự gắn kết cùng địa phương và nhiều cách làm hợp tình, hợp lý đến cuối năm 1995 nạn đào than trái phép ở Quảng Ninh đã giảm mạnh. Hay như năm 1999, ngành Than rơi vào cảnh điêu đứng do khủng hoảng kinh tế, lượng than tồn đọng lên tới 4 triệu tấn, dư nợ vay ngắn hạn lên đến 1.700 tỷ đồng. Trước tình hình cấp bách này, tại Đại hội CNVC, ông đã công khai nhận trách nhiệm và xin lỗi người lao động, đồng thời đưa vấn đề giãn sản xuất ra bàn bạc và quyết định cho giãn sản xuất trong 3 tháng mùa mưa, từ tháng 6 đến hết tháng 8. Công ăn việc làm của công nhân ít nhiều bị ảnh hưởng. Dư luận lúc bấy giờ không hiểu hết bản chất vấn đề tháo gỡ nút thắt, chưa thích ứng với quy luật thị trường, báo chí được dịp phóng bút hè nhau vào “đánh” ông tơi bời. Tuy nhiên, điều này lại nhận được sự ủng hộ của các Bộ, Ngành, sự “đoàn kết và đồng tâm” của tất cả CB-CN trong Ngành, vì họ hiểu nội tình và chiến lược tháo gỡ khó khăn ở đận đó. Đến cuối năm 1999 mọi việc đã sáng tỏ, lúc này dư luận mới thấy ông Kiển đã quyết định đúng khi cho giãn sản xuất. Lượng than tồn chỉ còn trên 1 triệu tấn, công nhân trở lại nhịp sản xuất bình thường.
Ông cũng là người lãnh đạo đầu tiên đã lựa chọn chính xác các hướng đột phá chiến lược về mở rộng thị trường ra khu vực và thế giới cũng như thiết lập mối quan hệ hỗ trợ với nhiều tổ chức tài chính quốc tế, tạo cơ hội thuận lợi cho ngành Than đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa trên quy mô lớn và trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của đất nước. Ông cũng chính là người đã làm nên sự thay đổi sâu xa cả đời sống vật chất, tinh thần và diện mạo của cộng đồng thợ mỏ, những người mà ông gọi là “anh em ruột thịt”. Hơn nữa, ông luôn luôn đau đáu, trăn trở về người công nhân ngành Than mà ông gọi là “chiến sĩ”. Có lẽ chính vì vậy mà khi ông còn đương nhiệm, mỗi khi xảy ra sự cố hầm lò, dù nhỏ hay lớn, dù ngày hay đêm, ông bao giờ cũng có mặt và trực tiếp chỉ huy cứu nạn. Nước mắt ông nhiều lần rơi trên khuôn mặt những người thợ lò…
Kể từ khi rời cương vị Chủ tịch HĐQT, công việc hàng ngày của ông là đều đặn ngày hai buổi ngồi thiền để rèn luyện thể chất và tinh thần để giữ cho mình một tâm sáng, lòng trong. Bên cạnh đó, ông còn chăm chỉ đọc báo, viết sách, thu thập thông tin, bám sát mọi mặt phát triển của Ngành, của đất nước. Khi được hỏi về cuộc sống hiện tại của mình, ông tâm sự: “Về hưu sướng cái là thích làm gì thì làm, thích đi đâu thì đi, nhẹ gánh và hết vướng bận”. 35 năm công tác, dù đã rất cố gắng sắp xếp nhưng dường như lượng công việc quá nhiều đã khiến ông không còn đủ thời gian dành cho gia đình, bạn bè. Bởi vậy mà khi về hưu, ông rất vui vẻ khi được “làm chủ” cuộc sống và thời gian của mình, có thể thoải mái chăm sóc gia đình, vui vầy cùng con cháu, tham gia hoạt động ở một số câu lạc bộ, hay đi giao lưu, thăm thú bạn bè khắp nơi. Về hưu, ông cũng có nhiều thời gian cho việc đọc sách báo, viết sách và học chữ Trung Quốc. Khi còn đương chức ông đọc sách đã nhiều, lúc về hưu có nhiều thì giờ nên ông đọc nhiều hơn. Thời gian gần đây, ông đã hoàn thành và cho ra mắt hai cuốn sách “Thợ lò cũng là chiến sĩ” và “Tình yêu ở lại” được đông đảo bạn đọc đón nhận; hoàn thiện việc biên tập cuốn “Ngành Than Việt Nam 1837 – 2008” do kỹ sư mỏ Nguyễn Tường Hưng đang thực hiện dang dở… Đặc biệt cuốn “Thợ lò cũng là Chiến sỹ” đã trở thành sách gối đầu giường của thợ lò ở nhiều đơn vị. Ông cũng cho biết, từ khi nghỉ hưu có nhiều đơn vị ngỏ lời mời ông về làm việc trên cương vị lãnh đạo hay cố vấn với mức lương rất cao, tuy nhiên ông đã từ chối tất cả. Có một việc ông nhận làm đó là thỉnh thoảng đứng lớp thảo luận với các cán bộ dự bị hay cán bộ đương chức của Tập đoàn các công ty Than – Khoáng sản Việt Nam về một số chuyên đề theo đề nghị của Trường Quản trị kinh doanh, hay lời mời của giám đốc các công ty.
Thời gian đã lùi xa, mọi khó khăn, gian khổ, sức ép đã ở lại phía sau. Tất cả những buồn vui trong quá khứ đều được ông gói ghém lại. Ông ví, con người ở tuổi nghỉ hưu cũng như mùa thu trong năm, và khi mọi giông bão qua đi, sẽ chỉ còn tình yêu ở lại. Tình yêu ấy chính là tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi, tình yêu gia đình, bạn bè và những người thợ mỏ. Giờ đây, mỗi lần gặp lại các đồng nghiệp đã nghỉ hưu hay đang công tác, những người đã quen hay mới gặp lần đầu cả cán bộ lẫn công nhân, ông đều cảm nhận được sức hút của nghề, của Ngành thật mãnh liệt; cảm nhận được một cách sâu sắc niềm tin, tình yêu thương của thợ mỏ dành cho nhau, cho nghề, cho Ngành và cho tương lai. Cái niềm tin ấy, tình yêu thương ấy tạo nên sức hút thần kỳ kết nối các thế hệ thợ mỏ từ năm này qua năm khác thành một khối “Kỷ luật và Đồng tâm” vô cùng vững chắc đủ sức đương đầu, vượt qua mọi thách thức để luôn tỏa sáng. Đó là chính là “di sản”, là niềm tự hào của Thợ mỏ ngành Than – Khoáng sản Việt Nam trong đó có cá nhân ông.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tinh-yeu-o-lai-201611121913201436.htm” button=”Theo vinacomin”]