“23 năm, 9 tháng, 3 ngày mặc áo bảo hộ đôi khi khuy đơm bằng dây mìn chính là quãng thời gian khó quên nhất trong đời tôi, cái thời kỳ nghèo vật chất mà ấm tinh thần, anh em thợ lò thương nhau như ruột thịt trong nhà”
Người thợ lò “tim thép” sẵn sàng lăn xả bất cứ chỗ nào trong sản xuất giờ đã là một người đàn ông cận kề tuổi 60 tóc pha sợi bạc. Ông là Vũ Hồng Đức, sinh năm 1960, quê gốc Thái Bình. Năm 1977, cùng với lứa thanh niên trẻ tuổi giàu quyết tâm trên hành trình thoát ly lập nghiệp, ông ra khu mỏ Quảng Ninh và theo học tại trường Công nhân kỹ thuật Hầm lò cơ sở Uông Bí. Hai năm sau, ông được cử về Ban Chuẩn bị sản xuất Mỏ than Mông Dương với nhân công hơn 100 người. Thời điểm đó, đơn vị này chủ yếu đảm nhiệm các công tác tiến hành thủ công, bao gồm: Chuẩn bị vật tư, cơ sở, trang thiết bị, chèn lò, trụ chống… đảm bảo các điều kiện cần thiết cho giai đoạn sản xuất chính thức.
Năm 1980, Ban Chuẩn bị sản xuất điều ông Đức về Mỏ than Hà Lầm thực tập ở công trường -16, khối khai thác hầm lò. Nhiệm vụ thường nhật của ông là phụ thìu, phụ cũi lợn, bước đầu tiếp cận với những quy trình khai thác lò chợ cơ bản. Đến năm 1982, trải qua quá trình thực tập nhiều nỗ lực, ông Đức được phân về Mỏ than Mông Dương – Khe Chàm làm việc tại công trường KT1. Trong suốt những năm tháng tuổi nghề, ông đã nỗ lực rất nhiều để trụ nghề và tự nâng cao năng lực cá nhân. Năm 1995, ông thi thợ giỏi cấp Công ty và được chứng nhận bậc thợ cao nhất 6/6. Ông từng được bổ nhiệm làm Tổ trưởng Tổ sản xuất rồi đến Lò trưởng đơn vị, kiêm chức danh Chủ tịch Công đoàn. Ở vai trò nào, ông Đức cũng thể hiện là một cán bộ gương mẫu, mẫn cán và quan tâm đến đời sống công nhân. Ông luôn phân công nhân lực phù hợp, đốc thúc tiến độ công việc và nhắc nhở thực hiện quy định chung. Là người thạo chuyên môn và đã tiếp cận sâu với thực tế, ông dùng kinh nghiệm của mình để hướng dẫn cho thợ trẻ, luôn nhắc nhở đặt nhiệm vụ ATLĐ làm trọng tâm. Bên cạnh đó, ông thường xuyên thăm hỏi, lắng nghe nguyện vọng của anh em thợ lò. Về Mông Dương nhắc tên ông Đức, hầu hết công nhân mỏ đều quen mặt và yêu quý.
Trong câu chuyện về những năm tháng làm thợ “lên thìu, dóc cột”, bằng hồi tưởng pha chút xúc động, ông Đức kể về bối cảnh sinh hoạt của người thợ thời kỳ đầu thành lập mỏ, tuy khó khăn nhưng đầy ắp niềm vui. Ngày ấy, anh em thợ lò đoàn kết và hết sức tương trợ lẫn nhau. Các khu tập thể công nhân luôn rộn rã tiếng cười tiếng nói. Ngoài thời giờ lao động sản xuất, các chương trình sinh hoạt CLB Tổ trưởng và thợ lò bậc cao được tổ chức đều đặn vào mỗi dịp cuối tuần, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của anh em thợ lò. Sâu sát hơn, Ban Chủ nhiệm CLB liên tục mời đội ngũ chuyên gia Liên Xô tham dự để cố vấn chuyên môn, giảng giải về kỹ thuật, nâng cao kiến thức và tay nghề cho thợ lò. Các tổ trưởng đơn vị, trong đó có ông Đức, thực sự trân quý những buổi giao lưu thiết thực như vậy. Họ hăng say tìm hiểu, trau dồi thêm kỹ năng một cách nhiệt thành và nghiêm túc. Sau phần trao đổi chuyên môn, các thành viên trong CLB còn được dạy khiêu vũ, âm nhạc, cùng nhau giao lưu văn nghệ một cách cởi mở, thân tình, không khí tràn ngập niềm phấn khởi, tiếp thêm động lực cho người thợ để họ quên đi vất vả, nhọc nhằn, hứng khởi bắt tay vào những nhiệm vụ mới.
Thợ lò Vũ Hồng Đức hay biết bao con người đã đổ mồ hôi để gương than lấp lánh trên mảnh đất này không nhận riêng công lao về mình. Họ gọi đó là tình yêu và cũng là lẽ sống. Ta trân trọng ở họ những điều đã qua để tạo đà cho tương lai tốt đẹp, nơi các thế hệ thợ mỏ thay nhau giữ lửa, phát huy truyền thống, hướng tới những thắng lợi to lớn hơn nữa.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tinh-yeu-le-song-201704011656301001.htm” button=”Theo vinacomin”]