Tĩnh Túc ơ.. ơi..
Trong ánh thiếc hôm nay
Như thấy lại Xuân đời
Thấy mùa mận nở hoa
Nắng mới đến xôn xao lòng ta.
Toàn cảnh Mỏ thiếc Tĩnh Túc hiện nay
Rộn ràng theo lời bài hát “Nắng trên Mỏ thiếc” của nhạc sỹ Trần Chung khiến chúng tôi quên hết những mệt mỏi trên quãng đường gần 350 cây số từ Thủ đô Hà Nội lên đến “cội nguồn” của ngành Khoáng sản – Mỏ thiếc Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Có mặt tại Mỏ thiếc, được đặt chân ở nơi mà cách đây tròn 60 năm cán bộ, công nhân Mỏ và nhân dân thị trấn Tĩnh Túc vinh dự đón Bác Hồ về thăm và giờ đây để ghi lại dấu ấn lịch sử đó, Khu di tích lịch sử truyền thống văn hoá Mỏ thiếc Tĩnh Túc uy nghi, linh thiêng giữa núi non hùng vĩ của vùng trời gần biên giới phía Bắc của Tổ quốc khiến những phóng viên báo Ngành chúng tôi bất chợt ùa về biết bao cảm xúc thật khó diễn tả hết…
6 dấu mốc không thể quên
Những ai đã và đang gắn bó với cái tên “Mỏ thiếc Tĩnh Túc” chắc hẳn sẽ dâng trào cảm xúc đầy tự hào khi vùng mỏ thân yêu kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm. Sáu thập kỷ đầy gian khó nhưng cũng rất vinh quang, đủ đầy cả cay đắng, ngọt bùi và những bước thăng trầm mà có lẽ lớp lớp thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên lao động gắn bó với Mỏ thiếc Tĩnh Túc (nay là Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng) từ những ngày đầu tiên sẽ thấm thía hơn ai hết.
Bên ấm trà thơm phức đặc sản của Cao Bằng, chúng tôi được nghe chính những “nhân chứng” sinh động nhất mà cả cuộc đời gắn bó với Mỏ kể về con số “6” đặc biệt – 6 dấu mốc không thể quên của Mỏ thiếc Tĩnh Túc. Thứ nhất là sự kiện thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Mỏ thiếc Tĩnh Túc vào ngày 21/10/1930 tại Đền Ông Búa, đánh dấu giai đoạn mới về sự đoàn kết đấu tranh của công nhân vùng mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thứ hai là lễ khởi công xây dựng lại Mỏ thiếc Tĩnh Túc được tổ chức long trọng vào ngày 25/10/1955 – đây là mốc son lịch sử mãi mãi gắn liền với sự phát triển của Mỏ, truyền thống của Công ty và sau này chính ngày này được chọn là ngày thành lập Mỏ thiếc Tĩnh Túc. Thứ ba đặc biệt là ngày 15/9/1958, Mỏ thiếc Tĩnh Túc rất vinh dự và tự hào được đón Bác Hồ về thăm. Bác động viên và trực tiếp giao nhiệm vụ cho trên 3.000 CBCNV – LĐ phải đoàn kết, hăng say lao động, thi đua yêu nước và sản xuất vượt kế hoạch. Nghe theo lời Bác dạy, Mỏ thiếc đã luôn vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đươc giao. Để ghi nhớ dấu mốc này, kể từ năm 2008 HĐQT TKV đã có quyết định lấy ngày 15/9 là ngày Truyền thống ngành Khoáng sản. Thứ tư là công nhân Mỏ thiếc đã tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Thứ năm là những năm 1990 được coi là giai đoạn khó khăn nhất của Mỏ thiếc Tĩnh Túc khi Nhà nước thực hiện xoá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, chuyển sang kinh tế thị trường. Đã có lúc sản xuất ở Mỏ bị đình trệ, công nhân Mỏ 8 tháng không có lương và có nguy cơ bị phá sản. Và thứ sáu là giai đoạn Mỏ thiếc Tĩnh Túc tự chủ vượt qua khó khăn và vững bước đi lên và qua nhiều lần chuyển đổi với nhiều tên gọi khác nhau, cho đến ngày hôm nay là Công ty CP Khoáng sản Luyện kim Cao Bằng trực thuộc Tổng công ty Khoáng sản TKV – CTCP.
Một thời gắn bó, một đời nhớ thương
Lắng đọng trong chuyến đi về với “cái nôi” của ngành Khoáng sản lần này với chúng tôi còn là những khoảnh khắc và giây phút đáng nhớ khi được gặp và lắng nghe ký ức của hai trong số rất nhiều những con người “đặc biệt” mà trong trái tim họ, Mỏ thiếc Tĩnh Túc chính là “một thời gắn bó, một đời nhớ thương”.
Người vinh dự được Bác Hồ trực tiếp hỏi thăm
Bà Nguyễn Thị Toan dường như còn vẹn nguyên cảm xúc của 60 năm về trước
Dọc theo con đường từ Văn phòng Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng sang khu nhà tập thể công nhân cách chừng khoảng 1 cây số, chúng tôi dừng chân tại căn nhà số 7 – nơi bà Nguyễn Thị Toan – người vinh dự được Bác Hồ trực tiếp hỏi thăm nhân dịp Bác về thăm Mỏ ngày 15/9/1958 đang sinh sống.
Ấn tượng đầu tiên khi gặp bà Toan là sự nhanh nhẹn hiếm có của người đã gần 80 tuổi. Khi được hỏi về cái ngày đáng nhớ được gặp Bác Hồ ấy, bà càng khiến người nghe bị thu hút bởi giọng nói sang sảng, rành rọt từng câu chữ và dường như còn vẹn nguyên cảm xúc của 60 năm về trước. Ngược dòng thời gian, bà bồi hồi kể lại cho chúng tôi nghe về những tháng ngày không thể quên. Bà vào Mỏ làm từ tháng 10/1955, lúc ấy tuổi mới tròn 18, căng tràn sức trẻ và hăng hái mong muốn được cống hiến theo tiếng gọi của Đảng, lên tham gia xây dựng Mỏ Thiếc Tĩnh Túc. Ngày 15/9/1958, lúc ấy bà đang chăm chú làm nhiệm vụ bắt gòng tại Tổ bàn đãi nhà sàng thì Bác Hồ cùng đoàn lãnh đạo khu Mỏ từ trong Nhà máy đi ngang qua. Bác dừng lại và ân cần hỏi:
– Cháu gái, làm công việc này cháu có thấy mệt không?
– Thưa Bác, cháu có mệt ạ.
– Thế hàng ngày cháu bắt gòng 8 tiếng đồng hồ thì tính ra là chạy được mấy cây số?
– Thưa Bác, cháu không biết tính ạ.
– Cháu học văn hóa lớp mấy?
– Thưa Bác, cháu chưa học hết lớp 1 ạ.
Chỉ qua những câu hỏi thăm ngắn gọn nhưng đã cho thấy sự quan tâm của Người lãnh tụ đáng kính. Thấy bà Toan là con gái nhưng rất hăng hái, chăm chỉ, đảm nhận cả công việc đẩy gòng nặng nhọc tưởng chỉ dành cho đàn ông nên Bác đã dành sự quan tâm hỏi han ân cần. Và những câu trả lời của bà cũng thật chân chất, mộc mạc như chính con người bà vậy, chỉ biết làm việc hết sức mình mà không hề suy nghĩ toan tính thiệt hơn.
Thời khắc được gặp Bác Hồ cũng bất ngờ và qua rất nhanh, nhưng sau khi định thần lại bà mới thấy mình thật vinh dự, may mắn khi được Bác ân cần hỏi han như vậy. Đó cũng là một phần động lực để thôi thúc bà tiếp tục cống hiến xây dựng Mỏ. Và bà Toan đã gắn bó trọn cuộc đời mình với Mỏ thiếc Tĩnh Túc, trải qua biết bao công việc khác nhau từ công nhân mỏ, đến Tổ trưởng, rồi Chủ nhiệm Nhà trẻ của Hợp tác xã Mỏ… cho đến khi về hưu bà vẫn chọn mảnh đất này là nơi an dưỡng tuổi già.
Cầm trên tay tấm ảnh chụp kỷ niệm với những người cùng làm từ những năm 1958, bà Toan bùi ngùi xúc động khi người còn, người mất, trong số ấy đa phần đều đã rời xa vùng Mỏ Tĩnh Túc để tìm cho mình những con đường lập nghiệp khác. Chỉ có bà là vẫn vẹn nguyên tình cảm dành cho mảnh đất này – nơi bà có những giây phút vinh dự không thể nào quên khi được gặp Bác Hồ và cũng là nơi bà dành trọn vẹn tuổi thanh xuân, tâm huyết để gắn bó như máu thịt…
Người có “tuổi đời gắn với tuổi mỏ”
Nguyên Giám đốc Công ty Đàm Trung Kỳ cùng lãnh đạo Công ty đương nhiệm thăm lại Mỏ
Một người cũng rất đặc biệt mà chúng tôi được gặp trong chuyến đi này là ông Đàm Trung Kỳ – Nguyên Giám đốc Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng, người đã dành trọn cuộc đời, tâm huyết và gắn bó với những thăng trầm của Mỏ trong suốt 60 năm qua – người có “tuổi đời gắn với tuổi mỏ”.
Lắng lòng với ăm ắp cảm xúc ùa về, ông Kỳ chia sẻ, sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề mỏ, ông luôn tự hào khi là con em của Mỏ, được đất mỏ nuôi lớn và trưởng thành. Trong ký ức tuổi thơ của ông luôn ghi nhớ hình ảnh miệt mài, cần mẫn lên Mỏ bất kể ngày nắng hay đêm mưa phùn gió bấc của bố ông và biết bao thế hệ công nhân vùng mỏ – những người không quản ngại gian khổ góp phần dựng xây nên một khu mỏ khai thác khoáng sản lớn mạnh từ những ngày đầu thành lập ấy. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, ông quyết tâm trở về mảnh đất Tĩnh Túc với mong muốn đóng góp sức mình, tiếp nối truyền thống hào hùng của cha anh đi trước.
Bắt đầu vào làm ở Mỏ từ năm 1989, ông Kỳ cũng là người được chứng kiến những giai đoạn thăng trầm của Mỏ. Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, ông từng trực tiếp làm lãnh đạo cao nhất của Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng từ năm 2011 cho đến khi về hưu. Trong suốt khoảng thời gian gắn bó ấy, điều ông cảm thấy tự hào nhất đó là đã cùng với tập thể CBCNV – LĐ Công ty luôn nỗ lực hoàn thành vượt mức kế hoạch SXKD được giao, đóng góp vào sự lớn mạnh không ngừng của Mỏ.
Trước thời khắc kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Mỏ thiếc Tĩnh Túc, ông Kỳ với tư cách là một người con đất mỏ, người đã luôn dành trọn tâm huyết cho nơi đây, chỉ có lời gửi gắm chân thành cho thế hệ CBCNV – LĐ Công ty hôm nay rằng, “dù phía trước là những khó khăn, thử thách không nhỏ nhưng hơn bao giờ hết, CBCNV – LĐ Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng cần đoàn kết trong gian khó để tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, xứng đáng là nơi Bác Hồ về thăm, là nơi khởi nguồn cho ngành công nghiệp khai khoáng kim loại màu của cả nước”.
“Tuy hai mà một”
Chủ tịch UBND thị trấn Tĩnh Túc Triệu Thị Kim Dung
Có thể thấy rằng, với sự trưởng thành, lớn mạnh của Mỏ thiếc Tĩnh Túc trước đây và nay là Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng luôn gắn liền với sự đổi thay không ngừng của Thị trấn Tĩnh Túc – nơi đơn vị đứng chân. Bởi Thị trấn này được hình thành từ khi Mỏ thiếc Tĩnh Túc được khai thác, nhân dân Thị trấn đa số là CBCNV – LĐ của Mỏ. Cũng vì vậy mà mối quan hệ giữa Thị trấn với Mỏ luôn song hành mật thiết, “tuy hai mà một”.
Chủ tịch UBND Thị trấn Triệu Thị Kim Dung khẳng định, từ trước đến nay, mối quan hệ của địa phương và Công ty là mối quan hệ song hành, phối kết hợp rất nhịp nhàng trên nhiều mặt hoạt động. Chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện để hỗ trợ, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong hoạt động SXKD của Công ty. Song song đó, dù trong bối cảnh hoạt động thuận lợi hay có những thăng trầm khó khăn, lãnh đạo Công ty luôn sẵn sàng chung tay cùng chính quyền địa phương Thị trấn trong hầu hết các hoạt động: từ tích cực đóng góp kinh phí xây dựng đường liên thôn, liên xóm, nhà văn hóa, trường học, bệnh viện; hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho công nhân, xây dựng nhà tình nghĩa; đến phối hợp cùng nhau trong các chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần của công nhân và nhân dân vùng Mỏ…
Điển hình là dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Mỏ lần này, chính quyền Thị trấn và lãnh đạo Công ty có sự phối hợp nhịp nhàng để cùng nhau thực hiện một khối lượng công việc lớn trong công tác chuẩn bị. Không có sự phân biệt nhiệm vụ của bên nào bởi đây không chỉ là ngày kỷ niệm quan trọng của riêng Công ty mà còn là một sự kiện trọng đại của toàn thể nhân dân Thị trấn Tĩnh Túc. Sự kiện này là dịp ôn lại truyền thống tốt đẹp của vùng mỏ trước đây, đồng thời tạo sự phấn khởi cho nhân dân cũng như CBCNV – LĐ Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng.
Cháy hết mình vì Mỏ thiếc thân yêu
Vậy là 6 thập kỷ qua đã ghi dấu ấn biết bao đổi thay của Mỏ, của Thị trấn Tĩnh Túc và của những con người luôn cháy hết mình vì Mỏ thiếc thân yêu.
Trong cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Minh Tâm – Giám đốc Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng, chúng tôi cảm nhận rõ được niềm tự hào về những năm tháng vẻ vang của vùng mỏ giàu truyền thống, nhưng cũng có không ít những trăn trở làm sao để kế thừa và phát huy được những thành quả ấy.
Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng hôm nay vẫn đã và đang là một trong những đơn vị khó khăn hàng đầu của Tổng công ty Khoáng sản khi tài nguyên ở các mỏ Công ty quản lý có nhiều biến động và suy giảm đáng kể, quy mô sản xuất bị thu hẹp… Dẫu vậy, không nản lòng, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Tổng công ty, đơn vị sẽ quyết liệt tập trung vào nhiều giải pháp như: đẩy mạnh đầu tư công nghệ, đổi mới công tác quản lý, sắp xếp tinh gọn lại bộ máy, có kế hoạch dài hạn cho công tác phát triển tài nguyên… từ đó quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ SXKD năm 2018 và những năm tiếp theo.
Đọng lại nụ cười sơn cước
Chắc chắn sẽ là không đầy đủ nếu không nhắc đến một nét văn hoá đặc trưng riêng ở Mỏ thiếc Tĩnh Túc – đó là cứ đến ngày 15/9 và ngày 25/10 hàng năm, Hội đồng hương Mỏ thiếc Tĩnh Túc trên khắp mọi miền đất nước lại tụ họp về vùng mỏ, coi đây như là ngày hội của Mỏ, là dịp ôn lại kỷ niệm hào hùng của những năm tháng gắn bó với Mỏ. Đây bao giờ cũng là cuộc hội ngộ của cảm xúc với chan chứa những tình cảm thiêng liêng mà dù đi đâu, họ vẫn luôn nhớ về mảnh đất ấy:
Quê Mỏ ơi ! Đây thung lũng hẹp / Nhưng lòng người rộng, đẹp như hoa
Tình đồng hương thật bao la / Nẻo xưa chốn cũ mong ta trở về
(Bài thơ “Mong ngày về Mỏ”)
Quả thực, rời đất mỏ của những con người đáng mến, đọng lại trong chúng tôi sâu sắc nhất có lẽ chính là hình ảnh nụ cười thanh thản, vô tư, bình yên đến lạ lùng của những người thợ ở miền sơn cước – nơi Mỏ thiếc Tĩnh Túc thân yêu!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tinh-tuc-oi-201809071000534628.htm” button=”Theo vinacomin”]