Với sự có mặt của lãnh đạo Hội tự động hoá Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn và đông đảo các chuyên gia, các kỹ sư thuộc các đơn vị, công ty trực thuộc Tập đoàn, Hội nghị triển khai chương trình hành động về tập trung đẩy mạnh ứng dụng tin học hóa, tự động hóa vào sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2017-2020 đã diễn ra sôi nổi. Nhiều ý kiến bàn luận đều đưa ra các giải pháp cụ thể để triển khai chương trình được hiệu quả như: cần xây dựng cơ chế hỗ trợ hợp lý để đảm bảo vừa khuyến khích, vừa bắt buộc các mỏ đầu tư phát triển khoa học và công nghệ; đồng thời các công ty tư vấn đầu tư phát huy vai trò tư vấn, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và cung ứng vật tư phục vụ cho mục đích phát triển tin học hóa, tự động hóa; đẩy mạnh chương trình tin học hóa, tự động hóa tập trung vào một số các dự án tiêu biểu trong từng lĩnh vực theo hướng chuyển giao công nghệ, nhập khẩu các hệ thống, các thiết bị kỹ thuật hiện đại đi cùng với nghiên cứu chế tạo, nội địa hóa các sản phẩm thiết bị phù hợp với điều kiện môi trường làm việc của ngành Than; tăng cường đào tạo, tuyển dụng và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin và tự động hóa v.v…
Dưới đây là lược ghi một số ý kiến và đề xuất các giải pháp của một số đại biểu.
Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải:
“Triển khai chương trình hành động về tập trung đẩy mạnh ứng dụng tin học hóa, tự động hóa vào sản xuất và quản lý trong Tập đoàn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2017-2020 là một phần trong nhiệm vụ được Thủ tướng giao trong lộ trình phát triển kinh tế theo định hướng của nền công nghiệp 4.0. Đây là con đường nhanh nhất để chúng ta cạnh tranh, tồn tại và phát triển. Và chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa, phải thể hiện quyết tâm bằng cách chỉ bàn để làm như thế nào, không bàn có làm được hay không. Đây cũng là thể hiện tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của giai cấp công nhân mỏ và nhất định thành công”.
Đồng chí Lê Tuấn Minh, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Tập đoàn:
Đây là bước cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn trong chiến lược phát triển kỹ thuật công nghệ của Tập đoàn đến năm 2030 nhằm từng bước hiện đại hóa khai thác than, khoáng sản, hạ giá thành sản phẩm, cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Chương trình cũng thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo và công nhân, cán bộ Tập đoàn trong việc từng bước hiện đại hóa công tác điều hành khai thác, chế biến than, khoáng sản…
Đồng chí Phạm Văn Mật, Thành viên HĐTV:
Tôi thiết nghĩ, hạ tầng là yếu tố quan trọng nhất, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp khắc phục, nâng cấp, đầu tư dần để đạt được yêu cầu. Trong quy hoạch, thiết kế, chúng ta phải đầu tư hạ tầng và đưa ra các mục tiêu tự động hoá ở mức cao nhất để tránh bị tụt hậu. Bởi trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ như ngày nay, chỉ một vài năm nhìn lại, công nghệ tự động hoá đã tiến xa mà các nước tiên tiến sẽ sớm thay đổi.
Đồng chí Vũ Thành Lâm, Thành viên HĐTV Tập đoàn:
Tôi lưu ý các đồng chí một số vấn đề: Thứ nhất, muốn có nền sản xuất tự động hoá thì trước hết phải có con người tự động hoá. Tức là phải đào tạo nhân lực có văn hoá về tin học hoá, tự động hoá, có kỹ năng và nhất thiết phải có chuyên gia. Thứ hai, trong quá trình triển khai thực hiện, tin học hoá và tự động hoá mặc dù là hai lĩnh vực khoa học khác nhau nhưng không thể tách rời. Do vậy, từng đơn vị phải hết sức chủ động khảo sát để triển khai, đưa vào kế hoạch đầu tư hàng năm, xây dựng chiến lược gắn với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp. Mặt khác, về việc hoạch định cần xác định quy mô, mức độ đặt ra cho từng giai đoạn và phải được gắn với cả các vấn đề hiệu quả kinh tế, xã hội…
TS Trần Tú Ba, Viện trưởng Viện KHCN Mỏ – Vinacomin:
Tôi rất đồng tình với chương trình hành động ứng dụng tin học hoá, tự động hoá vào sản xuất của TKV. Tôi mong muốn Tập đoàn và các đơn vị cùng đẩy mạnh mở rộng hợp tác nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tin học hoá, tự động hoá. Một mặt chúng ta tăng cường nghiên cứu ứng dụng trong nước, nhưng một mặt cũng phải đẩy mạnh hợp tác với các nước tiên tiến để theo kịp xu hướng của thế giới.
Đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Giám đốc Công ty CP than Vàng Danh:
Hiện nay, có hai cái khó khăn chúng ta cần khắc phục để triển khai chương trình đạt hiệu quả. Thứ nhất là cơ sở hạ tầng, thiết bị có quá nhiều chủng loại, thiếu đồng bộ. Do vậy, cần phải có giải pháp liên kết hạ tầng và các loại thiết bị với nhau, đồng thời các dự án mới cần được tư vấn thiết kế theo định hướng tự động hoá ngay từ khi đầu tư. Thứ hai, về trình độ đội ngũ để thực hiện tự động hoá, tin học hoá của chúng ta còn yếu, phải tăng cường đào tạo, tuyển dụng và có chính sách phù hợp vì đây là những lao động có trình độ cao.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tin-hoc-hoa-tu-dong-hoa-ban-cach-lam-nhu-the-nao-201708021926234768.htm” button=”Theo vinacomin”]