Dấu ấn từ cái cổng vòm kiên cố và trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (SFCT) bên dòng Cửa Lục đến những ngôi biệt thự của người Pháp ở đất Hòn Gai xưa…
Ai đã từng gắn bó với vùng mỏ Hòn Gai, mỗi khi đi theo con đường duy nhất ra bến phà Bãi Cháy thì đều biết có một cái cổng kiểu vòm cuốn cổ kính cạnh gốc cây quéo già đã trải qua hơn trăm năm rồi.
Cái cổng đó đã chứng kiến cảnh những tên chủ mỏ Pháp cuối cùng rời khỏi Việt Nam sau hạn 300 ngày khi chúng ta giải phóng miền Bắc tháng 5/1954. Cái cổng đó đã trở thành cổng trụ sở đầu tiên của Xí nghiệp Than quốc doanh Hòn Gai năm 1955 – tiền thân của ngành Than ngày nay – là chứng nhân của niềm vui chiến thắng, của dân tộc thoát khỏi ách nô lệ 80 năm của thực dân Pháp… Cái cổng đó như chứng nhân của lịch sử ngành khai thác than ở vùng mỏ Quảng Ninh. Dấu vết của người Pháp để lại như những trang lịch sử cho ngày hôm nay, minh chứng về những thăng trầm của vùng đất, con người nơi đây.
Cái cổng ấy từng là nỗi khiếp sợ của những người culi mỏ đầu thế kỷ XX khi phía sau cái cổng đó là những ông “chủ mỏ” với đòn roi và hình phạt, với bóc lột và là một xã hội xa hoa của chủ mỏ thu nhỏ, xa vời với đời sống đen tối của người phu mỏ thời ấy. Theo các cụ cao niên còn sống ở khu vực này thì tòa nhà hai tầng làm Trụ sở Công ty Pháp mỏ Bắc Kỳ (gọi tắt từ tiếng Pháp là SFCT) thời ấy là một dãy nhà bất khả xâm phạm đối với dân thường, chả ai dám bén mảng tới.
Phần vì nó là nơi làm việc của các chủ mỏ, phần khác, nó còn là “phòng nhì” của mật thám Pháp khi bắt được những cán bộ Việt Minh chống lại chính sách bóc lột hà khắc của chúng. Phía sau dãy nhà dài hai tầng mênh mông ấy, trên con đường ven núi dẫn ra phía bến phà có một nhà của Phòng nhì Pháp được thông với đường hầm để sau khi tra khảo cán bộ Việt Minh, bọn mật thám sẽ đưa những cán bộ cộng sản đó tụt xuống đường hầm rồi đưa xuống nhà giam ngay phía dưới chân núi. Di tích Nhà giam của thực dân Pháp nay chỉ còn là một tấm biển nhỏ trên tường đá rêu phong cuối con đường Lê Thánh Tông gần ra bến phà cũ, cái cửa nhà giam vẫn còn ghi lại chứng tích một thời đau thương của vùng mỏ. Con phố mới đẹp, nhiều người lướt xe đi qua, nhưng chắc ít ai biết có những con người đã bị đày đọa ở đây đã từng đấu tranh kiên cường vì nghĩa lớn trong những năm tháng đen tối dưới ách đô hộ của thực dân Pháp ngày đó.
Xung quanh khu nhà hai tầng của chủ mỏ ngày xưa, hiện nay vẫn là nơi làm việc của cán bộ nhân viên Trung tâm điều hành sản xuất than tại Quảng Ninh, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Theo một số nhân chứng thì Trụ sở của SFCT được người Pháp xây dựng khá rộng rãi và kiên cố, cả khoảng sân rộng chỉ trồng cỏ và lối đi vào là những con đường rải sỏi. Phía sau dãy nhà hai tầng đó được bao quanh bởi bức tường trình bằng xỉ than chắc chắn và họ trồng lên đó loại cây găng gai. Gỗ găng gai thơm, thân quấn chặt vào nhau, tạo thành bờ rào kiên cố và chắc chắn. Phía trước dãy nhà hai tầng nhìn ra biển được kết nối bằng các cột trụ hình côn, được níu bằng những dây xích sắt to, chắc chắn. Cái cổng vòm ngày xưa có hai cánh cổng sắt khép kín, bên phải cổng có làm bậc cho đám lính “com măng đô” lên nóc cổng để quan sát tứ phương, làm nhiệm vụ bảo vệ trụ sở SFCT.
Nếu chỉ tính từ khi Công ty Pháp mỏ Bắc Kỳ ra đời năm 1888 thì cái cổng ấy cũng đã qua hơn một thế kỷ. Cái cổng và ngôi nhà hai tầng giờ vẫn hoạt động tốt, chúng là những Di sản vật thể vô cùng quý giá của Hòn Gai xưa và Hạ Long nay.
Xung quanh khu nhà hai tầng của chủ mỏ Pháp thì phía sau và phía ra bến phà Bãi Cháy còn có nhiều biệt thự của các chủ mỏ khác, các cán bộ chủ chốt của Công ty Pháp mỏ Bắc Kỳ. Người Pháp còn xây một nhà thờ nhỏ gọi là nhà thờ Con Gà phục vụ cho mục đích tín ngưỡng của đám dân da trắng theo đạo Thiên chúa làm việc và sinh sống tại đây. Hiện tại, nhà thờ Con Gà đã biến mất chỉ còn trong ký ức của những người Hòn Gai xưa. Một số biệt thự của chủ mỏ Pháp hiện còn ở phía sau Trung tâm điều hành sản xuất than của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam tại Quảng Ninh. Hầu hết số này đã xuống cấp nghiêm trọng, chỉ còn lại tòa nhà mà cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh hiện đang làm việc còn khá tốt, được xây dựng năm 1896, đến nay cũng đã tròn 100 năm.
Khoan hãy nói đến những so đo được thua, cao thấp, mà ở góc độ của những người đi tìm những dấu ấn, những di sản của dân tộc, tôi thấy những cái biệt thự đó là một nét đẹp văn hóa từ phương Tây mang đến, là điểm nhấn cho phố mỏ Hòn Gai xưa. Nếu không vì những lý do chiến tranh, thiên nhiên hủy hoại, thì số biệt thự đó cũng là điểm nhấn giá trị của thành phố này. Và thiết nghĩ chúng ta cần phải góp phần gìn giữ những Di sản vật thể, phi vật thể của một vùng đất đã ghi dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc và để lại cho thế hệ sau những giá trị sống vô cùng quý giá…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tim-trong-di-san-201608221747328012.htm” button=”Theo vinacomin”]