Trong một lần công tác ở Công ty than Hạ Long, Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty Tô Hoàng đã nói với tôi rằng: “Ở Công ty anh có một đồng chí tiêu biểu mà kể ra là thế nào em cũng thích. Đồng chí ấy không chỉ là Bí thư Chi đoàn tiêu biểu của Công ty mà còn sinh sống trong một gia đình đã hai đời làm nghề thợ lò nữa đấy”. Và đó là cách tôi biết đến Vũ Xuân Kiểm – Một thợ lò tiêu biểu của Phân xưởng khai thác 1, khu vực Hà Ráng.
Thợ lò trẻ và bài học về tinh thần “Kỷ luật – Đồng tâm”
Vũ Xuân Kiểm sinh năm 1989 ở Thái Thụy, Thái Bình. Học xong lớp 12 anh dành 3 năm rèn luyện ở trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh ngày nay, trở thành một cử nhân ngành khai thác mỏ. Thời sinh viên, anh đã từng có thời gian thực tập tại mỏ than Tân Lập. Khi tốt nghiệp và về Than Hạ Long năm 2010, Kiểm được phân công về làm tại Khai thác 1 cho đến nay.
Những ngày đầu vào làm rất vất vả, đã từng có lúc, Kiểm muốn buông xuôi, bởi sự nhọc nhằn mà gian khổ của nghề làm lò. Nhưng với sức trẻ, sự học hỏi không ngừng từ những người đi trước, Kiểm dần dần từng bước đương đầu, khắc phục những khó khăn. Sau một thời gian đã quen việc, thấy thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện, anh luôn động viên bản thân cố gắng vượt qua. Cho đến nay, khi diện khai thác của Phân xưởng được áp dụng công nghệ khấu bằng giá thủy lực di động XDY, thợ lò chỉ cần bỏ ra 50% sức lao động, anh càng nhận thấy sự lựa chọn nghề nghiệp của bản thân là đúng đắn.
Một điều Vũ Xuân Kiểm cảm thấy trân trọng với nghề, đó là trong lò luôn tồn tại một sức mạnh tinh thần đồng đội. Dù đã biết đến tinh thần đoàn kết ấy qua những câu chuyện người cha kể, anh vẫn không khỏi xúc động, bàng hoàng khi tận mắt chứng kiến những khi lò bị tụt, mọi người đã cùng nhau tập trung khắc phục sự cố. Kiểm nhớ mãi kỷ niệm ngày vùng mỏ bất khuất 12-11- 2015, cùng tổ sản xuất trong ca có trường hợp anh Hà Huy Tình bị đá rơi vào chân và trượt chân xuống máy cào, khiến anh vĩnh viễn mất đi phần chân trái. (Đây cũng là trường hợp nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Tình giai cấp của Tạp chí cách đây không lâu). Khi nghe mọi người hô hoán: “Thằng Tình bị tai nạn rồi”, lập tức anh em ngừng sản xuất, tập trung tất cả những người ở các diện khai thác trong phạm vi 500m lại, cứu hộ và sơ cấp cứu cho Tình. Đó là một sự cố không may nhưng cũng là một kỷ niệm, một bài học mà Kiểm và đồng đội không bao giờ quên.
Tiếp bước cha, con là người thợ lò
Cha của Kiểm là ông Vũ Văn Kiệm, hiện cũng đang là bảo vệ tại khai trường Hà Ráng, Công ty than Hạ Long. Ông Kiệm cũng đã có gần 30 năm gắn bó với nghề “xúc bằng tay – quay bằng thúng” trong lò, do tuổi đã cao nên được lãnh đạo Công ty bố trí làm việc trên mặt bằng.
Trân trọng và nhớ nghề bao nhiêu, ông luôn động viên con bấy nhiêu. Khi Kiểm mới làm quen với nghề, ông luôn bảo ban, truyền dạy con từng chút một. Từ cách xem vỉa vách như nào, vỉa đứng, vỉa nằm ra sao, khi con ngồi cửa lò là con phải xem chèn có nứt không, vách có lở không… Dù biết nghề lò nay có nhiều cải tiến hiện đại, ông vẫn không chủ quan, đem kinh nghiệm từng trải dạy lại cho con. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng, trong gia đình Vũ Xuân Kiểm, bác ruột Kiểm (đã nghỉ hưu), chú ruột của anh và cả người em họ con bác, em con cô đều đang là thợ lò của Than Hạ Long. Thấy tôi bất ngờ vì gia đình có nhiều người gắn bó với ngành Than, ông Kiệm bèn nói vui: “Nhà có nhiều thợ lò nên có chế độ gì cả nhà đều được hưởng hết chị ạ”.
Gắn bó với tay choòng, tay thúng từ những ngày mỏ Hà Ráng mới hình thành, ông Kiệm đến giờ dù sắp về hưu nhưng vẫn rất thích vào lò. Lò bây giờ không phải phá hỏa như xưa, đi đến đâu có vì chống đến đó. Ông bảo: “Trong lò cái tình người mà chẳng đâu có được. Chỉ cần nghe tiếng có tai nạn, có sự cố là tất cả vất gỗ đi chạy lại tập trung cứu giúp. Thợ lò hay cùn cáu, cộc cằn nhưng lại sống thật và tình cảm”. Thậm chí, ông bà thông gia bên vợ Kiểm không muốn cho con rể làm nghề lò, ông vẫn thuyết phục bằng được để con nối nghiệp cha. Tự hào gia đình hai thế hệ sống bằng nghề, ông Kiệm đang đau đáu lo cho người con trai thứ hai được làm thợ lò như Vũ Xuân Kiểm để cả nhà thực sự được quy tụ về với mỏ.
Đời sống cải thiện – Gia đình yên tâm
Cho đến hôm nay, anh thợ lò trẻ Vũ Xuân Kiểm đã không còn những lo toan như hồi đầu đến với nghề. Điều kiện làm việc đã được cải thiện. Mỗi năm các anh được cấp bảo hộ mới ba đến bốn lần, quần áo có rách bục quá thì được đăng ký mới. Những năm trở lại đây, Công ty còn thường xuyên trang cấp khẩu trang chống bụi mỏ. Chế độ ăn có “tốn” hơn mặt bằng một chút: Suất ăn giá 65 nghìn thì một bữa trong lò ăn 15 nghìn, còn lại là ăn chính. Mới đây, Công ty đã thay đổi suất ăn giữa ca từ cơm sang bánh với sữa, một người có thể lấy phần ăn cho cả tổ.
Kiểm tươi cười chia sẻ: “Giờ chịu khó làm thì lương em cũng đc 14-15 triệu mỗi tháng. Lên khỏi lò, tắm rửa xong thì nhắn tin về cho gia đình yên tâm”. Kiểm còn hồ hởi khoe: “Ngày em xây được ngôi nhà này, cả Chủ tịch Công đoàn và Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty đến chúc mừng. Công đoàn Công ty đã tặng cho gia đình 20 triệu đồng làm quà nữa. Giờ đây chẳng mong gì hơn ngoài sức khỏe đi làm nuôi vợ con. Mong sao Công ty ổn định và phát triển hơn nữa, áp dụng các công nghệ hiện đại hơn, thu nhập cao hơn là chúng em mừng lắm”.
Nói rồi, Kiểm vui vẻ khoác vai cha mình như những người đồng chí. Phía sau lưng hai cha con là thấp thoáng những bằng khen Kiểm giành được: Công nhân xuất sắc, An toàn viên xuất sắc của Công ty than Hạ Long, Đảng viên trẻ tiêu biểu xuất sắc của ngành Than do Đoàn Than Quảng Ninh tuyên dương…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tiep-buoc-cha-con-la-nguoi-tho-lo-201707211053072703.htm” button=”Theo vinacomin”]