Vũng Đục thuộc vịnh Bái Tử Long (Cẩm Phả – Quảng Ninh), nằm dưới chân núi Bàn Cờ, cách thành phố Hạ Long 45 km về phía Đông Bắc. Ngày nay, nói đến Vũng Đục, nhiều người chỉ biết đây là một khu du lịch; có lẽ ít người biết, theo các tài liệu lịch sử, cách đây 64 năm, tại Vũng Đục, thực dân Pháp tàn sát công nhân mỏ vô cùng man rợ: Chúng nhét những thợ mỏ ưu tú vào bao tải, buộc đá rồi dìm xuống Vũng Đục. Tuy nhiên, các tài liệu chúng tôi sưu tầm được không thống nhất về số liệu những công nhân mỏ
Ngược lại, các tài liệu về vụ thảm sát ở Vũng Đục thật hiếm và “vênh” nhau. Sách “Lịch sử phong trào công nhân và công đoàn tỉnh Quảng Ninh”, do Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh biên soạn, xuất bản tháng 10.1998, tại trang 174, tập 1, viết: “Từ 18.10.1948 đến tháng 1.1949, ở Cẩm Phả, địch bắt của ta 61 người (trong đó 2 ủy viên ban chấp hành công đoàn và 8 đoàn viên công đoàn). Chúng tra tấn dã man giết chết 52 người, trong đó đem dìm xuống Vũng Đục 30 người (8 phụ nữ)”.
Thế nhưng, Báo Quảng Ninh ngày 25.7.1999 lại đăng bài, trong đó nêu rõ: “Năm 1948, trong cuộc đấu tranh chống lại thực dân Pháp, hơn 300 công nhân, những người con ưu tú của vùng mỏ Cẩm Phả đã bị thực dân Pháp bắt bớ, đánh đập, tra tấn dã man. Cuối cùng, chúng đem họ nhốt vào bao tải buộc đá dìm xuống biển tại khu vực cảng Vũng Đục…”.
Chúng tôi đã đến Bảo tàng Quảng Ninh, được ông Hà (Giám đốc) cho người dẫn đi các phòng trưng bày tài liệu, hiện vật, nhưng cũng chỉ thấy treo các bức ảnh liệt sỹ (nữ) hy sinh trong vụ thảm sát này. Hỏi tới các tài liệu liên quan, ông Hà lắc đầu, bảo không có.
Ông Vũ Danh Vượng, công nhân nghỉ hưu tại tổ 63, phường Cẩm Đông (Cẩm Phả) đưa chúng tôi đến gặp em gái Liệt sỹ Phạm Thị Tỵ – người đã hy sinh trong vụ thảm sát nêu trên. Em gái Liệt sỹ Phạm Thị Tỵ nói “Khi chị Tỵ bị bắt, tôi còn nhỏ, chỉ nhớ mang máng chị bị bắt giam ở đồn Tây, sau đó đưa đi thủ tiêu ở Vũng Đục cùng nhiều chị khác”. Trên tường nhà em gái Liệt sỹ Phạm Thị Tỵ gắn Bằng Tổ quốc ghi công. Trong đó ghi, Liệt sỹ Phạm Thị Tỵ hy sinh ngày 23.7.1948, nhưng đến năm 2007 mới được cấp bằng Tổ quốc ghi công. Như vậy, ngày hy sinh của Liệt sỹ Phạm Thị Tỵ cũng không trùng với ngày xảy ra vụ thảm sát nêu trong các tài liệu lịch sử nêu trên (tài liệu lịch sử ghi: “Từ 18.10.1948 đến tháng 1.1949…”
Nhà thơ Trần Tâm, người sinh ra, lớn lên và làm việc lâu năm ở Mỏ than Đèo Nai, hiện nghỉ hưu tại Cẩm Bình (Cẩm Phả); bố mẹ ông làm công nhân mỏ từ thời Pháp thuộc; gia đình ông được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm, nhưng ông cũng không biết nhiều thông tin về vụ thảm sát Vũng Đục. Ông kể với tôi: “Tôi cũng thường để tâm đến vấn đề này. Theo lời kể lại từ gia đình và một số tư liệu ghi chép được của các cụ trong Hội “Những người kháng chiến chống Pháp ở Cẩm Phả”, Vũng Đục không có vụ tàn sát tập thể. Năm 1948-1949, hàng trăm quần chúng cách mạng bị bắt, bị đánh đập tại lô cốt đồn Tây. Số người chết do bị đánh, do lao khổ và số bị bắt quy là ngoan cố…bị chúng trùm bao tải đưa ra thả xuống dòng nước từ bên ngoài phía cầu Trắng ra đến bến tàu (lúc đó còn là dòng sâu, thuyền cập vào đưa hàng hóa lên chợ Cũ). Nước biển kéo lôi xác họ vào vũng. Vũng ấy, dân thường bắt cá đục nên gọi là Vũng Đục. Số người chết không thể chính xác. Đó là con số ang áng những người bị bắt trừ đi số bị giải sang Hòn Gai, số người được thả và số người chết mà gia đình họ lấy được xác từ Lô Cốt ra. Có tài liệu ghi 157 người”.
Ông Lê Điệp, công nhân mỏ nghỉ hưu, hiện sống tại Mông Dương, cho hay: “Bố vợ tôi khi còn sống cũng có kể về chuyện này. Cụ nói chúng đã mang đi dìm chết rất nhiều người cùng bị bắt và giam chung với ông ở đồn Tây. Còn một số người chúng giải đi cầm tù ở Hòn Gai và Hoả lò Hà Nội, trong đó có ông cụ nhà tôi”.
…Rõ ràng, các tài liệu lịch sử về vụ thảm sát ở Vũng Đục thật hiếm và không thống nhất; số nhân chứng thì nhớ mang máng, mơ hồ. Được biết, thị xã Cẩm Phả đã lập hồ sơ xếp hạng di tích Vũng Đục là di tích lịch sử và danh thắng cấp tỉnh, đồng thời cho phép Công ty TNHH Đức Ngọc xây dựng Đền thờ các liệt sỹ Vũng Đục. Ngôi đền được xây trên diện tích hơn 2 nghìn m2 với tổng kinh phí ước tính hơn 20 tỷ đồng, chủ yếu do Công ty TNHH Đức Ngọc đầu tư và một phần của các doanh nghiệp, nhân dân cung tiến. Tại Vũng Đục cũng được dựng một bức phù điêu, khắc họa hình tượng những người nữ công nhân vùng Mỏ đã anh dũng hi sinh tại Vũng Đục.
Tuy nhiên, như trên đã nêu, sự kiện thực dân Pháp tàn sát công nhân mỏ ở Vũng Đục hiện chưa chính xác, cần nghiên cứu đánh giá, xếp hạng lại. Chúng tôi cho rằng, nếu sự kiện đúng như sách “Lịch sử phong trào công nhân mỏ Quảng Ninh”(đã dẫn ở trên) thì tầm vóc của Vũng Đục lớn hơn nhiều so với một số di tích lịch sử cách mạng khác. Vì đây không chỉ là nơi tố cáo tội ác của thực dân Pháp mà hơn thế, là nơi ghi nhận sự dũng cảm của những công nhân mỏ ưu tú, đã chịu đựng những đòn tra tấn dã man và chấp nhận cái chết để bảo vệ tổ chức công đoàn, tổ chức đảng, bảo vệ phong trào cách mạng.
Chúng tôi mong các nhân chứng, thân nhân các liệt sỹ trong vụ thảm sát này góp ý, cung cấp tư liệu hiện vật liên quan để các cơ quan chức năng đánh giá đúng về vụ thảm sát ở Vũng Đục.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tieng-goi-tu-vung-duc-3295.htm” button=”Theo vinacomin”]