Đến Công ty than Hồng Thái, chả mấy người là không biết tiếng hát chèo của anh Lê Hưng. Mặc dù chỉ là giọng hát nghiệp dư, hát chơi cho vui, hát theo sở thích của mình, thế nhưng điệu chèo luyến láy, vang, rền, nền nảy của anh không thua kém những giọng chèo chuyên nghiệp…
Anh kể, quê anh ở vùng lúa thuộc xã Đồng Thanh, Kim Động, Hưng Yên. Ngày nhỏ, anh thường theo chúng bạn trong làng đi xem hát chèo trong những đêm hội làng. Thế rồi các làn điệu chèo ngấm vào anh lúc nào không hay! Những lúc rỗi, anh lại bắt chước những làn điệu chèo đã nằm lòng rồi tự mình hát, tự mình diễn xướng cho các bạn cùng làng thưởng thức. Ngày ấy anh mê chèo lắm. Anh cũng từng ước ao trở thành diễn viên hát chèo, nhưng do hoàn cảnh gia đình nên đành phải gác lại. Dù vậy, hình ảnh các diễn viên trong những chiếu chèo cùng những làn điệu chèo cổ ấy thì cứ theo anh mãi. Các làn điệu chèo từng ngày theo anh lên công trường khai thác và gắn bó với anh đến tận bây giờ, khi anh chuyển sang làm công tác Văn phòng của Công ty.
Làn điệu chèo có giai điệu, tiết tấu khác hẳn với những thể loại dân ca khác như tuồng, cải lương, quan họ… lại càng khác biệt với các thể loại tân nhạc. Chèo cứ ngân í ì i, cứ lý lơi, lả lướt hay đấy, nhưng không phải ai cũng hát được! Nhất là trong thời buổi toàn nhạc hiện đại thì hát chèo có vẻ trở nên lạc lõng. Nhưng với anh, chèo như ngấm vào máu, anh vẫn cứ hát đúng với từng làn điệu bằng niềm đam mê của mình.
Anh bảo, chèo không chỉ mang lối hát rất chặt chẽ về làn điệu mà ca từ cũng rất chau chuốt, tinh tế với lối ẩn dụ, ví von và yêu cầu khắt khe về niêm luật, nhưng lại rất mượt mà và có ý nghĩa với đời sống hàng ngày. Hát chèo không dễ, nhưng một khi đã biết luật, biết làn điệu rồi thì lại không khó hát. Những làn điệu chèo trầm bổng, réo rắt, ngân nga lúc bồng bềnh như mây trôi, lúc dồn dập như thác đổ, lại có lúc rộn ràng, tưng bừng như mở hội làm cho người hát cứ thoải mái mà lấy hơi, nhả lời.
Chính vì cái hay, cái tinh túy của chèo như thế, nên sau mỗi ca lao động, anh lại hát chèo. Hát một cách say sưa theo những làn điệu chèo cổ có sẵn rồi tự mình đặt lời mới vào cho đúng với hoàn cảnh thực tại hoặc tâm trạng vui buồn của mình. Mỗi khi hát lên, là bao nhiêu mệt nhọc cũng theo đó mà tan biến cả, chỉ còn đọng lại những vui tươi, những niềm tin vào công việc phía trước.
Từ mê chèo, say chèo, “kết duyên” với chèo, anh đã tìm được những người cùng chung niềm đam mê. Đó là các anh, các chị trong Câu lạc bộ chèo ở Hà Nội. Những ngày nghỉ cuối tuần, anh lại lặn lội lên tận Thủ đô tham gia sinh hoạt để học hỏi thêm các anh các chị diễn viên, các nghệ nhân chèo đồng thời cũng là để chia sẻ cùng nhau những đam mê trong từng câu hát và rồi lại trở về với công việc thân thuộc của người thợ mỏ vùng Than thân yêu!
“Anh đưa em về vùng Than yêu dấu
Có màu xanh áo anh công nhân giữa mùa Than!
Biển xanh í…ơi … i ì xanh
Có í í ii màu xanh thân thương iii của những người thợ lò iii … yêu thương!”
Điệu chèo “Đường trường bắn thước” anh hát tặng tôi về vùng Mỏ đã xua tan cái nóng giữa mùa hạ nắng. Chúc giọng chèo của anh Lê Hưng mãi vút ngân trên đất mỏ quê hương!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tieng-cheo-giua-vung-than-20160705142532384.htm” button=”Theo vinacomin”]