Sau khi vùng mỏ giải phóng, ngày 15/5/1955 Xí nghiệp quốc doanh than Hòn Gai ra đời. Đây là đơn vị tiền thân của Công ty than Hòn Gai – Vinacomin ngày nay. Xí nghiệp quản lý toàn bộ các mỏ than, các nhà máy vùng Hòn Gai, Cẩm Phả. Từ chỗ, tiếp quản toàn bộ cơ sở vật chất nghèo nàn và đã bị tàn phá do công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ để lại, trải qua 58 năm, với nhiều thay đổi về tổ chức, Công ty than Hòn Gai không ngừng lớn mạnh, giữ vững thương hiệu “Than Hòn Gai” đã đi vào lịch sử, được bạn bè quốc
Khi mới tiếp quản, than Hòn Gai gặp nhiều khó khăn do máy móc thiết bị tốt bị địch di chuyển đi, số còn lại không đáng kể, lại hư hỏng nhiều. Không những thế địch còn cài cắm “chân tay” ở lại tiếp tục phá hoại, như tên Phan Năm đã bị ta xử tử hình. Đời sống người lao động khó khăn, nhiều gia đình thợ mỏ chỉ có một bữa cháo loãng hoặc bữa rau thay cơm. Lực lượng kỹ thuật không có, hoặc có cũng không là bao. Sang năm 1956 Xí nghiệp mở lớp đào tạo đốc công đầu tiên được 20 người. Mặc dù khó khăn như vậy, với tinh thần “làm chủ nhân công”, công nhân mỏ đã hăng hái bắt tay vào khôi phục sản xuất. Sau 3 năm khôi phục (1955 – 1957), Xí nghiệp quốc doanh than Hòn Gai đã khai thác được 2.854.320 tấn than nguyên khai và đã có 287 chiến sỹ thi đua, 108 tổ lao động tiên tiến được tuyên dương.
Những năm 1961 – 1965, công nhân cán bộ đơn vị ra sức thi đua thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, mỏ dần được khôi phục nhưng vẫn còn dang dở, lại vấp phải đợt đế quốc Mỹ đánh phá ra Miền Bắc, hủy diệt vùng mỏ. Công nhân, cán bộ phải chuyển hướng – vừa sản xuất vừa chiến đấu “tay búa tay súng”. Kết thúc chiến tranh, các công trường, phân xưởng bị tàn phá, hủy diệt nặng nề, lại trong thời kỳ quản lý, hành chính bao cấp, nên hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Năm 1986 bắt đầu công cuộc đổi mới theo nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986. Cũng năm này, Liên hiệp than Hòn Gai tách ra thành 3 công ty: Công ty than Hòn Gai, Công ty than Cẩm Phả và Công ty cơ khí mỏ. Công ty than Hòn Gai bao gồm: Các mỏ Hà Tu, Hà Lầm, Tân Lập, Xí nghiệp tuyển than Hòn Gai, Nhà máy cơ khí Hòn Gai, Xí nghiệp xây lắp mỏ Hòn Gai, Xí nghiệp phục vụ đời sống, Trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Trường lái xe, Ban quản lý công trình III, Bệnh viện than Hòn Gai, Nhà điều dưỡng công ty.
Đến năm 1994, có 15 đơn vị sản xuất kinh doanh tách khỏi công ty trực thuộc Tổng công ty than Việt Nam. Công ty than Hòn Gai chỉ còn lại 8 đơn vị nhỏ là mỏ Tân Lập, mỏ Cao Thắng, mỏ Hà Trung, mỏ Hà Khánh, mỏ Cao Xanh, mỏ Cái Đá, Xí nghiệp than 917 và Xí nghiệp vận tải than Hòn Gai. Thời điểm này Công ty than Hòn Gai vô cùng khó khăn, diện khai thác co hẹp, sản lượng chủ yếu là khai thác từ vỉa nhỏ, bòn nhặt, tận thu. Đến năm 1998, Công ty than Hòn Gai lại hoạt động dưới một mô hình mới. Hai mỏ Tân Lập và Cao Thắng hạch toán thuộc Công ty than Hòn Gai, 5 mỏ còn lại chuyển thành cấp công trường trực thuộc Công ty gồm Công trường than Hà Trung, Hà Khánh, Cái Đá 917, thành lập công trường chế biến tiêu thụ than và độ xe 2 chở người. Mô hình này chỉ tồn tại 9 tháng, song đã gây cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Công ty gặp rất nhiều khó khăn, phiền toái, hiệu quả thấp. Đến đầu 1999 các công trường được sắp xếp lại và nâng cấp lên thành các mỏ, Xí nghiệp. Hiện nay, Tập đoàn sắp xếp lại một số công ty theo không gian khoáng sàng, theo đó Công ty than Hòn Gai tập trung khai thác tại khu vực Hòn Gai.
Xây dựng đẳng cấp
Trải qua 58 năm, các thế hệ thợ mỏ Than Hòn Gai đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua bao khó khăn, thử thách, giữ vững sản xuất và không ngừng phát triển, sản xuất khoảng gần 100 triệu tấn than cho Tổ quốc. Qua đó, hơn 1000 tập thể, cá nhân được tặng danh hiệu “Kiện tướng ngành Than”; hơn 500 lượt cán bộ công nhân được tặng danh hiệu Chiến sỹ Thi đua Ngành, Bộ và Chiến sỹ Thi đua Toàn quốc; 71 lượt đơn vị, xí nghiệp, mỏ được nhận Cờ thưởng luân lưu Khá Nhất của Bác Hồ. Công ty được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Những năm gần đây, Than Hòn Gai trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu khối sản xuất than trong Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam về thu nhập. Đời sống của thợ mỏ Than Hòn Gai không ngừng được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Trao đổi với chúng tôi nhân dịp này, ông Phạm Hồng Long, Giám đốc Công ty cho biết, phát huy truyền thống của đơn vị, Công ty đang nỗ lực tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp và nhân văn trong cán bộ, công nhân Công ty. Làm sao để từng cá nhân có điều kiện phát huy tối đa năng lực của mình, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, Công ty cũng như cộng đồng xã hội… để cùng phát triển. Than Hòn Gai làm được nhiều việc như, sản xuất tăng trưởng gần 4 lần trong 4 năm trở lại đây. Công ty xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, làm tốt công tác an toàn, tổ chức phong trào thi đua sản xuất và văn hóa thể thao sôi nổi trong cán bộ, công nhân viên và người lao động. Trong quản lý, Công ty xây dựng đường lối phát triển cụ thể, triển khai nhiều biện pháp điều hành hiệu quả, xây dựng các quy chế phù hợp tạo ra môi trường làm việc tốt nhằm phát huy năng lực của công nhân, cán bộ góp sức xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh, giữ vững thương hiệu và tạo ra đẳng cấp than Hòn Gai.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/thuong-hieu-than-hon-gai-5035.htm” button=”Theo vinacomin”]