Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa thuộc khuôn khổ EVFTA, gần như toàn bộ 100% biểu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm).
Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào EU, mặt hàng dệt may trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu, 22,7% kim ngạch còn lại cũng sẽ được EU xóa bỏ thuế quan sau 7 năm.
Cam kết này của EU được đưa ra phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) của ngành dệt may Việt Nam (để được hưởng thuế quan ưu đãi theo Hiệp định EVFTA, hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ từ Việt Nam). Ngoài ra, EU cũng chấp nhận linh hoạt với quy tắc này như cộng gộp xuất xứ từ Hàn Quốc để sản xuất một số hàng dệt may xuất khẩu sang EU.
Đối với các sản phẩm giày dép, EU cam kết giảm thuế xuống 0% đối với 42,1% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 3 năm và 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tỷ lệ này sẽ lần lượt tăng lên tương ứng 73,2% và 100%.
Chia sẻ những những cơ hội cũng như thách thức của ngành dệt may trước cánh cửa EVFTA, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) hy vọng, Hiệp định EVFTA sẽ đem lại cơ hội bứt phá cho các ngành, trong đó có dệt may, bởi hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dệt may Việt Nam đang ở vào thời điểm hết sức khó khăn.
“Tháng 5/2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm 36% so với tháng 5/2019. Trong 5 tháng đầu năm, dệt may chỉ xuất khẩu được 12,37 tỷ USD, giảm hơn 15,5% so với cùng kỳ trong đó tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm.. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị của ngành cần rất chu đáo, tỉ mỉ để đón đầu các lợi ích ngay khi Hiệp định EVFTA được thông qua và có hiệu lực”, ông Cẩm chỉ rõ.
Cũng theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đối với tiêu chuẩn chất lượng hàng của hàng dệt may Việt Nam để đáp ứng thị trường EU không đáng ngại, bởi từ nhiều năm nay các sản phẩm dệt may đã chinh phục được thị trường châu Âu. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với dệt may trong EVFTA lại và là vấn đề quy tắc xuất xứ của sản phẩm xuất khẩu.
Đồng quan điểm với Phó Chủ tịch VITAS, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty CP May 10 cũng cho rằng, nút thắt lớn nhất của doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam khi vào EVFTA là vấn đề quy tắc xuất xứ nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, đại diện May 10 hy vọng thời gian tới sẽ có Hội thảo kết nối giữa DN “đầu vào” và “đầu ra” để gỡ dần nút thắt này, tìm lối ra cho vấn đề quy tắc xuất xứ của sản phẩm dệt may.
Là một trong những DN đang mong chờ Hiệp định EVFTA, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam (LEFASO) chia sẻ, các DN ngành da giày cũng đang rất trông đợi những lợi ích Hiệp định EVFTA mang lại, vì hiện nay hầu như các DN da giày đang “đói” đơn hàng.
“Khi EVFTA có hiệu lực sẽ giúp các DN vừa giải phóng lượng hàng còn tồn trước đó, vừa mở ra cơ hội với các đơn hàng mới, khôi phục lại thị trường sản xuất. Liên quan đến vấn đề thực thi Hiệp định, thời gian trước các DN trong ngành cũng được tập huấn nhưng các quy định đến nay có nhiều thay đổi. Vì thế Hiệp hội hi vọng các Bộ, ngành tiếp tục có hướng dẫn cụ thể cho các DN để khi bước vào thực tế để có thể tận dụng cơ hội một cách hiệu quả nhất”, bà Xuân chia sẻ.
Có một thực trạng chung hiện nay, việc phải phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng là một điểm yếu đang “ngáng chân” các DN bước vào EVFTA. Theo đại diện một DN xuất khẩu thủ công mỹ nghệ tại TP HCM, kim ngạch xuất khẩu các ngành mũi nhọn như dệt may, da giày… hàng năm rất lớn, song giá trị xuất khẩu không cao bởi tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa đóng góp vào kim ngạch này rất khiêm tốn.
Chính điều này đã dẫn đến câu chuyện đáng buồn, khi thế giới có biến cố như dịch Covid-19 vừa qua, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng đã khiến cho các DN gần như ngưng trệ sản xuất, phải hủy hàng loạt các hợp đồng xuất khẩu, thiệt hại là không hề nhỏ. Bởi vậy, xu hướng tới đây cần phải đẩy mạnh sản xuất nội địa để không phải phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu, tránh những nguy cơ khi thị trường thế giới gặp những rủi ro…
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc thực thi EVFTA là một chiến lược dài hạn nhằm giúp DN Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh. Hiện nay, đã có một số DN xuất khẩu Việt Nam trong lĩnh vực dệt may, da giày, đồ nội thất, thủy sản có quy mô lớn và kinh doanh có bài bản tại thị trường EU.
Tuy nhiên, ông Hải cũng cho hay, rất nhiều DN đang xuất khẩu vào EU là các DN vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa có sự đầu tư thích đáng cho R&D, chưa khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ, thương hiệu… thiếu nhân lực có ngoại ngữ và kỹ năng đàm phán xúc tiến thương mại chuyên nghiệp, để thực hiện hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU.
Vì vậy, trong thời gian tới, một trong những việc các DN Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Các DN cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.