Cơ sở dữ liệu (CSDL) địa chất do Công ty CP Tin học, công nghệ, môi trường – Vinacomin (VITE) đang cập nhật, quản lý và vận hành được ví như một trung tâm về dữ liệu địa chất của Tập đoàn. Bởi thông qua đây có thể tra cứu, truy vấn, trích xuất mọi thông tin mới nhất, tin cậy nhất liên quan đến địa chất như trữ lượng, bản đồ, bản vẽ, lỗ khoan… của các mỏ tuỳ theo nhu cầu của người sử dụng. Từ hiệu quả thiết thực của việc xây dựng thành công cơ sở dữ liệu địa chất than, VITE đang nỗ lực hoàn thi
Công ty VITE được Tập đoàn giao xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) địa chất than từ năm 1997 và các khoáng sản khác ngoài than năm 2007. Trong đó chia thành các giai đoạn: Giai đoạn nghiên cứu (1997 – 2001) thực hiện xây dựng CSDL địa chất cho 8 mỏ gồm Cao Sơn, Cọc Sáu, Đèo Nai, Hà Tu, Núi Béo, Na Dương, Mông Dương, Vàng Danh; giai đoạn sản xuất thử (2002 – 2003) trên cơ sở hiệu quả tích cực đã đạt được, Công ty tiếp tục thực hiện lập CSDL địa chất của 4 mỏ Mạo Khê, Khe Tam, Khánh Hoà và Núi Hồng. Giai đoạn này mang tính thử nghiệm (đề tài nghiên cứu khoa học) với đối tượng chính là các dữ liệu địa chất, cấu tạo vỉa, còn công tác ĐCTV-ĐCCT, khí mỏ… chưa thực hiện, giai đoạn từ 2004 đến nay, đã bổ sung đầy đủ các công tác trên, hiện tại CSDL địa chất than, khoáng sản khác trong toàn Tập đoàn được xây dựng chung theo quy trình thống nhất.
Hiện nay, toàn bộ dữ liệu thăm dò của các mỏ/khoáng sàng than khu vực Quảng Ninh, nội địa và một số mỏ khoáng sản khác do Vinacomin quản lý đã được lưu giữ có hệ thống dưới dạng số các file số. Với hệ thống quản trị dữ liệu địa chất được tích hợp trên nền GIS (hệ thống thông tin địa lý), CSDL địa chất được xây dựng với đầy đủ chức năng phục vụ lưu trữ, phân tích, truy vấn các số liệu với khối lượng lớn dữ liệu địa chất. Khi khai thác, sử dụng CSDL địa chất có thể đáp ứng yêu cầu của nhiều đối tượng theo các chuyên ngành khác nhau; đáp ứng được các cách phân tích và xử lý khác nhau của đối tượng sử dụng cho kết quả nhanh chóng, đáng tin cậy; đảm bảo tính sẵn sàng thông tin dữ liệu nhằm đáp ứng các yêu cầu của người sử dụng theo các phương pháp và nội dung cần thiết phù hợp với từng dự án; lưu giữ toàn bộ thiết đồ công trình thăm dò gốc. Toàn bộ CSDL địa chất than đều được cập nhật theo kết quả thi công của từng giai đoạn thăm dò cụ thể, thuận tiện cho việc lập các phương án, báo cáo trong thời gian nhanh, mang tính thống nhất và tin cậy rất cao.
Từ khi triển khai thực hiện đến nay hệ thống CSDL địa chất than đã cơ bản đáp ứng được những yêu cầu trong việc lưu trữ, quản lý số liệu thăm dò, thông tin địa chất (nội dung của báo cáo CSDL tương tự như báo cáo thăm dò). Tuy nhiên, công tác tính trữ lượng tài nguyên của các mỏ trong CSDL mới được thực hiện theo phương pháp truyền thống, phương pháp mô hình đã được nghiên cứu xây dựng nhưng chỉ ở mức độ tham khảo. Việc khai thác sử dụng hệ thống CSDL địa chất mới được sử dụng ở một số đơn vị tư vấn, các đơn vị khai thác mỏ do nhiều nguyên nhân việc sử dụng còn hạn chế, chưa khai thác được CSDL địa chất trong việc lập kế hoạch sản xuất, tính toán quản trị tài nguyên than: các chỉ tiêu công nghệ cơ bản như độ cứng đất đá, chất lượng than… trong khai thác lộ thiên và hầm lò.
CSDL Dải Đồng Lào Cai – thành công bước đầu
Hiệu quả mà CSDL địa chất than mang lại là tiền đề quan trọng để VITE tiếp tục hoàn thiện và phát triển hệ thống cơ sở này, trong đó đã mở rộng phạm vi xây dựng đối với các mỏ khoáng sản khác ngoài than do Vinacomin quản lý. Từ năm 2007 sau khi được Tập đoàn giao nhiệm vụ, Công ty chủ yếu thực hiện công tác chuẩn bị và chính thức triển khai sâu rộng trong một hai năm trở lại đây. Theo khảo sát mới nhất năm 2011, hiện Tổng Công ty Khoáng sản-Vinacomin đang quản lý 22 mỏ khoáng sản theo các giấy phép khác nhau. Xuất phát từ thực tế các khoáng sản khác ngoài than có nhiều loại hình mỏ khác nhau trong khi các tài liệu địa chất của các mỏ khoáng sản này cơ bản còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa được quản lý cơ bản nên việc xây dựng hệ thống CSDL địa chất các khoáng sản khác ngoài than có ý nghĩa rất quan trọng.
Theo Phó Giám đốc Công ty Phạm Tuấn Anh, hệ thống CSDL địa chất của các mỏ khoáng sản ngoài than sẽ được xây dựng tuân theo các nguyên tắc, quy trình chung giống như than. Tuy nhiên do những đặc thù riêng nên CSDL địa chất các mỏ khoáng sản sẽ được xây dựng theo từng dải, từng cụm và từng loại hình để các cơ quan quản lý có một bức tranh tổng thể về nguồn nguyên liệu quặng khi xem xét nghiên cứu lập các dự án khai thác, chế biến tương ứng với tiềm năng khoáng sản của mỗi vùng. Một trong những thành công bước đầu đáng ghi nhận là mới đây VITE đã xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu của dải Đồng Lào Cai. Đặc biệt trong quá trình triển khai cập nhật còn nhận thấy Đồng Sin Quyền có khác so với tài liệu trước đây. Nếu trước, chỉ tiêu hàm lượng biên được phê duyệt là 0,30%, trong khi khu Vi Kẽm (Phía Tây Bắc Sin Quyền) mới được phê duyệt chỉ tiêu 0,20%. Vì vậy Công ty đã tính toán theo cả hai phương án áp dụng tại khu trung tâm. Theo đó nếu tính theo chỉ tiêu hàm lượng biên 0,20% thì tài nguyên sẽ tăng thêm khoảng 10 triệu tấn quặng tương đương 36.000 tấn tinh quặng đồng mà tài liệu trước đây không đưa vào trữ lượng trong cân đối. Qua đây có thể khẳng định CSDL địa chất không chỉ như một “thư viện sống” mà còn là công cụ hữu ích, tin cậy trong việc kiểm soát trữ lượng tài nguyên của Tập đoàn.
Với thành công bước đầu đó, VITE đang lập đề án, báo cáo cụ thể trình lãnh đạo Tập đoàn phê duyệt. Dự kiến trong năm 2012 sẽ hoàn thành CSDL địa chất của 12 mỏ khoáng sản và lộ trình sẽ cố gắng kết thúc vào năm 2013 với các mỏ khoáng sản do Vinacomin quản lý. Đây cũng là giải pháp quan trọng trong công tác quản trị tài nguyên phục vụ cho phát triển sản xuất cũng như phát triển tài nguyên của các Công ty, Tập đoàn.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/thu-vien-dia-chat-2032.htm” button=”Theo vinacomin”]