Nhiều năm qua, Than Mạo Khê là điểm sáng của TKV về theo cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo nâng cao chất lượng đời sống, cũng như sức khỏe cho công nhân lao động, đặc biệt là thợ lò…
Để tăng thu nhập, phải hoàn thành nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh
Xác định rõ điều này, nhiều năm qua, mặc dù đối mặt với không ít khó khăn nhưng Than Mạo Khê luôn nỗ lực hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất – kinh doanh. 2 trong số các giải pháp mà Ban lãnh đạo Công ty quyết liệt chỉ đạo là nâng cao chất lượng than nguyên khai và tập trung quản lý chất lượng – điều hành sản xuất tiêu thụ than.
Thợ lò Mạo Khê (Ảnh Tư liệu)
Trong quá trình sản xuất, Than Mạo Khê đã triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng than nguyên khai ở các diện sản xuất có điều kiện địa chất biến động.
Đối với các đường lò có chiều dày vỉa biến động, vỉa mỏng như V.6ĐMR phân xưởng KT4, V.1CB phân xưởng KT5 đã triển khai khai thác chọn lọc, tận thu tối đa tài nguyên. Đối với các diện khai thác có thu hồi than nóc lò nâng cao tỷ lệ thu hồi, trên cơ sở đảm bảo an toàn, hiệu quả, chất lượng, tiết kiệm tài nguyên. Đối với diện khai thác còn than ở nền, có chất lượng than tốt như diện vỉa 9b đông tầng -150/-80 tận thu than nền trên cơ sở đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Theo lãnh đạo Công ty, trong quý II/2018, Than Mạo Khê tập trung công tác sàng tuyển chế biến ra than cám 5a trung bình 1 tháng từ 23.000 – 30.000 tấn than, đáp ứng đủ theo nhu cầu của thị trường, giao hàng đúng tiến độ, đảm bảo sản lượng Công ty đã cam kết. Công ty cũng đang tiến hành phối hợp các đơn vị để tiêu thụ than cám 6a, 6b thông qua chuyển vùng tiêu thụ.
Ngay từ đầu năm, Công ty đã tăng cường xúc chọn lọc, tách đất đá trong quá trình khai thác than lộ thiên, quy hoạch kho bãi để tách lọc được than lộ vỉa có chất lượng tốt; đồng thời giám sát chặt chẽ tỷ lệ thu hồi than nóc của các phân xưởng; tách lọc đất đá tại các gương lò; có phương án tách lọc lấy than qua vùng vỉa mỏng, vỉa thoắt hẹp do phân lớp kẹp để nâng cao chất lượng. Đồng thời tích cực tách than nguyên khai dưới lò theo quang lật thuận tiện cho công tác sàng tuyển.
Thêm một giải pháp để nâng cao chất lượng than, đó là Công ty quản lý chặt chẽ công nghệ sàng tuyển, tăng công suất sàng; giám sát chất lượng than nguyên khai vào sàng hàng ca, chất lượng than sạch sau sàng. Cùng với đó, Công ty đã quy hoạch tốt các kho bãi chứa than đáp ứng cho tiêu thụ.
Thu nhập thợ lò tăng tối thiểu 5% mỗi năm
Ở Mạo Khê, về thu nhập của công nhân hằng năm, dù khó đến đâu cũng tăng, riêng thợ lò bình quân tăng ít nhất 5% như chỉ đạo của Tập đoàn. Đơn cử năm 2016 là 10,8 triệu đồng; năm 2017 là 11,420 triệu đồng.
Để hỗ trợ thợ lò, công nhân tăng thu nhập, Công ty còn khuyến khích tiền lương an toàn và lương ngày công cao. Ví dụ, thợ lò, một tháng làm đủ công kế hoạch, ngoài tiền lương sản phẩm, còn được thưởng lương khuyến khích ngày công cao là 1 triệu đồng/người.
Nếu công nhân đạt ngày công cao và bảo đảm an toàn sẽ được nhận tiền thưởng an toàn các tháng và hằng năm. Tiền lương ngày công cao và tiền lương an toàn được lãnh đạo Công ty và Công đoàn trực tiếp thưởng công khai tại nhà giao ca cắt việc.
Cụ thể, để đạt được các mức khuyến khích tiền lương theo quy định, Công ty đã có quy định trả lương an toàn cho người lao động trên cơ sở: thợ lò không vi phạm công tác an toàn đồng thời phải đạt điểm sản phẩm bình quân/công từ 110%, có ngày công đi làm từ 20 công trở lên trong tháng. Đối với công nhân thuộc dây chuyền công nghệ và phục vụ phụ trợ đạt các mức khuyến khích khi không vi phạm công tác an toàn và đảm bảo ngày công đi làm theo ngày sản xuất của tháng, quý. Với những công nhân đảm bảo các tiêu chí cao nhất ở cả hai mức khuyến khích sẽ được thưởng 2,5 triệu đồng/người/tháng và thấp nhất là 500 nghìn đồng/người/tháng. Đồng thời Công ty cũng quy định khuyến khích tiền lương an toàn năm bằng 12 tháng lương an toàn cho công nhân làm việc trực tiếp trong hầm lò nếu đạt cả 12 tháng, hoặc 4 quý lương an toàn đối với công nhân phục vụ, phụ trợ; và sẽ không được khuyến khích lương an toàn năm nếu có một tháng hay một quý không đạt.
Thợ lò thưởng trà sau tan ca
Là đơn vị đầu tiên trong Tập đoàn xây dựng và sử dụng mô hình nhà nghỉ dưỡng thợ lò sau ca, đến nay Than Mạo Khê đã hoàn toàn chứng minh tính đúng đắn khi đưa vào sử dụng mô hình này.
Thợ lò Mạo Khê nghỉ ngơi, uống trà, ăn hoa quả… sau khi hết ca (Ảnh Tư liệu)
Tại đây, sau mỗi ca làm việc, thợ lò được thư giãn, ăn trái cây, uống nước giải khát, cafe miễn phí. Mục đích của nhà nghỉ dưỡng là giúp thợ lò phục hồi sức khỏe sau mỗi ca làm việc.
Thợ lò Đoàn Văn Hòa, Phân xưởng KT 3, chia sẻ: “Trước kia, sau khi tan ca, chúng tôi chỉ có làm vệ sinh rồi về nhà. Nhưng giờ có công trình nghỉ dưỡng sau ca này, chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi và hào hứng. Tinh thần cùng sức khỏe được nâng cao”.
Năm 2018, dự báo tình hình sản xuất than gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty than Mạo Khê vẫn đặt mục tiêu khai thác trên 1,7 triệu tấn, than tiêu thụ trên 1,5 triệu tấn, đảm bảo việc làm, thu nhập cho hơn 4.000 cán bộ, công nhân lao động. Và đúng như tinh thần của những người đứng đầu Công ty, khi thợ lò vui thì mục tiêu nào cũng hoàn thành.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/thu-nhap-co-tang-tho-lo-moi-vui-201805301123028519.htm” button=”Theo vinacomin”]