Ông Giám đốc Xí nghiệp Than T. đề nghị Nhân văn không đưa chuyện này lên Tạp chí Vinacomin. Nhưng Nhân văn thấy rằng, đây là cách làm mới, cần đưa lên Tạp chí để nhiều người tham khảo. Tuy nhiên, vì lý lo tế nhị, Nhân văn xin được giấu địa chỉ và tên nhân vật.
Tôi hỏi ông Giám đốc mục đích về việc làm này. Ông Giám đốc giải thích, trước hết là để các bậc phụ huynh yên tâm khi biết con em mình làm việc trong điều kiện cơ giới đang dần thay thế sức người; các thiết bị bảo vệ an toàn cho công nhân được trang bị đầy đủ; chế độ chính sách đối với thợ lò được ưu tiên hàng đầu v.v. Rồi ông kể, trong số thợ lò của Xí nghiệp, cá biệt, có anh “dính” vào nạn đề đóm, lười lao động, thu nhập thấp, sinh nợ nần rồi về quê kêu than với bố mẹ rằng, công việc khổ cực quá, thu nhập thấp quá, phải xin tiền bố mẹ ra trả nợ. Thậm chí, có ông bố phải mang tiền ra tận vùng Mỏ trả nợ cho con.
Sau khi gửi thư về hậu phương, lãnh đạo Xí nghiệp đã nhận được hơn 100 lá thư và trên 300 cuộc điện thoại, tin nhắn của phụ huynh thợ lò (tính đến cuối tháng 9 vừa rồi). Trong chồng thư gửi về Xí nghiệp mà Nhân văn được ông Giám đốc cho xem, ngoài bì thư đóng dấu bưu điện từ nhiều địa phương trong cả nước. Nội dung các bức thư đều bày tỏ sự vui mừng khi nhận được các thông tin trên và yên tâm tin tưởng vào Xí nghiệp, tin tưởng vào sự phấn đấu rèn luyện của con em mình. Cá biệt, có bức thư còn giãi bày tâm tư tình cảm, cung cấp cho lãnh đạo Xí nghiệp những cá tính của con mình để Xí nghiệp cùng gia đình động viên, giáo dục con em.
Nhân văn chọn lá thư của ông Nguyễn Văn S. là bố của anh Nguyễn Xuân K., thợ lò của Xí nghiệp. Thư gửi từ Bình Dương, ngày 16/5/2012 (Nhân văn xin được giấu tên). Thư ông Nguyễn Văn S. có đoạn viết (nguyên văn):
“Gia đình tôi đã nhận được thông tin (thư – NV) của ông Giám đốc Xí nghiệp thông tin cho gia đình biết sự phát triển trưởng thành của Xí nghiệp. Sự chăm lo cho người lao động của lãnh đạo Xí nghiệp, gia đình tôi vô cùng an tâm, tin tưởng, phấn khởi.
… Về phần em K: Vợ chồng tôi nay đã ngoài 70 tuổi, sống bằng đồng trợ cấp xã hội. Ở vùng nông nghiệp thuần túy, không lo được việc làm cho con cái, đời sống khó khăn nên gia đình cho em K ra ngoài đó làm việc, cải thiện đời sống.
Em K. học hành có hạn, tính tình nông nổi, đi ra ngoài làm ăn xa sự quản lý giáo dục của gia đình, tự lập cuộc sống lại đem theo vợ và con, tự thuê nhà trọ, việc quản lý giáo dục của Xí nghiệp cũng không thuận lợi, đời sống sinh hoạt của của vợ chồng em K. gặp nhiều khó khăn. Em K. vai rộng sức dài, lại là lao động của Mỏ, ngày công lao động thấp, như tháng 1, tháng 2 làm sao có thu nhập mà cải thiện cuộc sống?
Em K. đã xa gia đình hàng chục năm. Đời sống kinh tế, chính trị …của em K. gia đình đều tin tưởng gửi gắm trông cậy vào sự quản lý, giáo dục, phân công lao động của đơn vị (NV cắt bỏ một đoạn). Gia đình tôi tha thiết kính mong sự quan tâm quản lý giáo dục giúp đỡ của Xí nghiệp đối với em K., để em K. sửa chữa khuyết điểm, hăng say lao động, hòa chung với sự phát triển của Xí nghiệp…”.
Trước khi kể chuyện này trên Tạp chí, Nhân văn đã thăm dò một số người xem họ đánh giá nhận xét về việc làm trên của Xí nghiệp T. ra sao? Có ý kiến cho rằng, cách làm của Xí nghiệp T. là can thiệp hơi sâu vào đời sống riêng tư của công nhân. Nhưng Nhân văn lại nghĩ khác, rằng, lực lượng công nhân hầm lò bây giờ rất đông đảo. Đây là lực lượng nòng cốt lập những chiến công xuất sắc của ngành Than trong các thời kỳ của cách mạng và quyết định sự nghiệp phát triển của Tập đoàn trong những năm tới. Tuy nhiên, trong đội ngũ hùng hậu ấy, hiện nhiều người tư tưởng lập trường chưa ổn định, hiểu biết về cuộc sống, về xã hội còn hạn chế, rất cần được tiếp tục giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện để nâng cao những phẩm chất của người thợ mỏ Than – Khoáng sản Việt Nam với tinh thần “Kỷ luật – Đồng tâm”. Trách nhiệm này không những của cả hệ thống chính trị trong các đơn vị, mà cần thiết còn phối hợp với gia đình như cách làm của Xi nghiệp T.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/thu-hau-phuong-3310.htm” button=”Theo vinacomin”]