Trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, ngành Than – Khoáng sản cũng không tránh khỏi những thách thức, chông gai. Thêm vào đó là sự leo thang của giá cả khiến đời sống của thợ lò ở vùng đất mỏ gặp nhiều gian khó. Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh đó, bản lĩnh vững vàng, hay lam hay làm của những người thợ lò lại sáng hơn bao giờ hết.
Bên cạnh công việc chính ở đội đèn vác búa vào lò, cứ mỗi ngày sau khi rời mỏ về, anh lại tận dụng vị trí mặt tiền khá đẹp của nhà mình, dựng chiếc xe dream trước cửa và treo trước xe cái biển ngắn gọn hai chữ “Xe ôm”. Đơn giản vậy thôi nhưng mỗi ngày vài chuyến là anh đã có ít là vài chục nghìn, nhiều là vài trăm, đủ tiền rau mắm hàng ngày, không phải dùng đến tiền lương. Chưa dừng lại ở đó, anh đầu tư một chiếc máy để rửa xe – xì khô. Mỗi chiếc xe được rửa với giá 15000 đồng. Tranh thủ mà mỗi ngày, anh cũng kiếm thêm được chút ít.
Với sự lao động miệt mài, hăng say như vậy, anh Sáng đã nuôi hai cậu con trai của mình học đại học ở Hà Nội và còn xây được một ngôi nhà hai tầng khang trang, rộng rãi. Anh Sáng dẫn tôi thăm nhà và thật bất ngờ khi anh chia sẻ về nguồn thu nhập tiếp theo của gia đình: “Hai cậu con trai đi học suốt, nhà chỉ có hai vợ chồng nên tôi chỉ ở tầng một còn tầng hai cho người ta thuê làm văn phòng. Mỗi tháng gần 2 triệu cộng với tiền chạy xe, rửa xe lặt vặt, thế là gần đủ tiền sinh hoạt. Có vậy mới yên tâm nuôi hai đứa ăn học và lo công lo việc.”
Khác với anh Sáng, hai vợ chồng chị Nga đều là công nhân của Công ty than Khe Chàm lại chọn con đường buôn bán để kiếm thêm thu nhập trong lúc khó khăn. Hằng ngày, thay ca nhau vào mỏ, anh chị đặt một cái bàn gỗ lớn ra đầu ngõ, lấy thịt lợn từ một lò mổ gần đó bán cho người dân trong khu phố. Bên cạnh đó, anh chị còn bán kèm thêm mì chũ, bánh đa và một số loại rau củ quả khác nữa. Chị Nga cho biết, mỗi ngày chỉ bán nửa buổi nhưng trung bình mỗi tháng chị cũng kiếm được đôi ba triệu đồng. Tiền đó thêm vào cùng tiền lương để nuôi một cô con gái học đại học Sư phạm và cậu con trai đang học cấp ba. Xuất thân từ gia đình thuần nông ở Hải Dương, vợ chồng chị Nga đã tìm đến vùng đất mỏ lập nghiệp và từ đó đến nay đã trải qua gần 20 năm thăng trầm với Công ty. Chính vì vậy, anh chị hiểu rằng, khó khăn chỉ là trước mắt, quan trọng là biết cách vượt qua khó khăn ấy để tiếp tục gắn bó với ngành Than.
Không như anh Sáng và vợ chồng chị Nga, Vân chỉ là một người vợ thợ lò. Tuy không trực tiếp vào mỏ, nhưng hiểu được tình hình chung của Ngành nên Vân cũng đã tìm cách kiếm thêm thu nhập cho gia đình để chồng đỡ vất vả.
Thời gian trước, khi vợ chồng mới từ quê ra đất mỏ, chồng Vân hằng ngày vào lò làm ra vàng đen cho Tổ quốc. Vì chịu khó làm việc, ngành Than khi ấy lại không ngừng phát triển nên mức thu nhập của chồng Vân khá cao,Vân chỉ ở nhà chăm con, dọn dẹp nhà cửa, cơm nước cho chồng. Thế nhưng gần đây, phần vì lương của chồng không ổn định, giá cả lại đắt đỏ, phần vì con đã lớn nên Vân quyết định làm thêm một việc gì đó để phụ giúp chồng lo cho gia đình, con cái.
Ban đầu, Vân xin đi bán hàng thuê ở chợ. Cứ mỗi sáng, Vân đưa con ra mẫu giáo, rồi ra chợ bán hàng cho một cửa hàng tạp hóa nhỏ, tối lại về cơm nước cho con. Mỗi tháng hơn hai triệu, dù không nhiều nhưng cũng giúp gia đình chi tiêu thoải mái hơn.
Tuy nhiên, đi làm thuê mãi cũng không ổn định. Có thời gian, cửa hàng của họ đóng cửa hay chuyển đi nơi khác thì chị lại không có việc làm. Suy đi tính lại, bằng những kinh nghiệm mà học hỏi được khi đi bán thuê, Vân quyết định bỏ vốn lấy hàng tạp hóa, thuê một ki-ốt nhỏ để làm cửa hàng riêng cho mình. Vốn khéo léo lại dễ tính, xởi lởi nên cửa hàng của Vân ngày càng nhiều khách quen. Dần dần, Vân đã thu lại được vốn và cho đến bây giờ mỗi tháng tiền lãi cũng tính đến ba, bốn triệu đồng một tháng. Vợ buôn bán tốt, chồng Vân cũng vui vẻ, hăng say làm việc hơn và anh nhanh chóng được nâng bậc thợ lò.
Cuộc sống của những người thợ lò trong gian khó là vậy đó. Bên cạnh công việc chính là vào mỏ sản xuất than, mỗi người họ đều tính toán, tìm cho mình một công việc phụ tại nhà để góp phần kiếm thêm thu nhập. Dù ngành Than khó khăn nhưng bằng cách đó, họ luôn kề vai sát cánh với ngành trong những lúc thăng trầm nhất.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tho-mo-vuot-kho-4492.htm” button=”Theo vinacomin”]