Trong những ngày Thợ mỏ đang hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống công nhân Vùng Mỏ – Truyền thống ngành Than 12/11 (1936-2016) cũng là lúc công tác tiêu thụ than và nhiều loại khoáng sản, kim loại màu gặp khó khăn. Nhiều người tỏ ra lo lắng, nếu tình trạng kéo dài có thể ảnh hưởng đến công ăn việc làm và thu nhập của người lao động. Nhưng đa phần đều tự tin vào sự điều hành linh hoạt và đầy quyết tâm của lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị. Bởi trên thực tế, từ trước đến nay, đây không phải là lần đầu Thợ mỏ gặp phải khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm.
“Mục sở thị” một vòng trên Vùng mỏ, suốt từ khu vực Uông Bí, Đông Triều đến Hòn Gai, Cẩm Phả thấy những kho than của các đơn vị đầy ắp và hầu như không còn chỗ trống. Ở khu vực Kho vận Đá Bạc, đứng trước những đống than được vun cao, anh Đoàn Văn Bàng – Chánh văn phòng Công ty Kho vận Đá Bạc, người đã mấy chục năm lăn lộn với công tác sản xuất than trên vùng đất này tự tin: Chưa ăn thua gì! Đây là chuyện hoàn toàn bình thường trong điều kiện kinh tế thị trường, nhất là nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới. Trong điều kiện hiện nay, giá dầu thay đổi hàng ngày, thậm chí hàng giờ, có thời điểm ngành Dầu khí cũng đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng, thậm chí phải dừng khai thác một số mỏ dầu, ảnh hưởng đến việc làm và đời sống người lao động. Câu chuyện về than cũng vậy. Lãnh đạo Tập đoàn đang nỗ lực cao nhất trong điều hành để duy trì việc làm cho người lao động như, pha trộn than hợp lý giữa các vùng theo nhu cầu than của thị trường, điều chỉnh sản lượng khai thác hợp lý theo từng loại than… Trong tổ chức sản xuất, các đơn vị cũng bố trí từng khâu, từng vị trí phù hợp để bộ phận nào cũng có việc làm thu nhập… Đó là những giải pháp hoàn toàn phù hợp với xu thế sản xuất kinh doanh hiện nay. Trên thực tế, trải qua nhiều thăng trầm, đây cũng không phải là lần đầu tiên ngành Than gặp khó khăn. Những lần khủng hoảng trước cũng vậy, Thợ mỏ đều vượt qua và sản lượng than khai thác tiếp tục tăng cao hàng năm.
Còn tại Trung tâm Điều hành sản xuất than của Tập đoàn tại Quảng Ninh, kỹ sư Nguyễn Văn Thọ – Ban Điều độ Sản xuất than – cho rằng, đây chỉ là khó khăn tạm thời trong công tác tiêu thụ. Chính trong lúc này, ngành Than vẫn đang tiếp tục xây dựng nhiều mỏ mới và mở rộng sản xuất tại các mỏ hiện tại. Hàng loạt các dự án đang được đẩy nhanh tiến độ để khai thác xuống sâu và gia tăng sản lượng cao hơn, vì nếu theo quy hoạch tổng thể trong ngành năng lượng, cụ thể là quy hoạch Điện VII thì tới đây nhu cầu than trong nước nếu không đẩy nhanh tiến độ xây dựng các mỏ mới kịp thời, rất có thể không những không đáp ứng được mà còn phải nhập khẩu than. Trong khi đó, vấn đề nhập khẩu than không phải là chuyện dễ dàng, bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào biến động của thị trường thế giới.
Vùng than Cẩm Phả vẫn là vựa than của cả nước, chiếm quá nửa sản lượng than khai thác và tiêu thụ của toàn ngành Than. Kho than tại Công ty Tuyển than Cửa Ông được giăng bạt che trải dài hàng cây số, nhưng hàng ngày, những chuyến tàu kéo than mỏ vẫn tiếp tục được đưa than ra. Ông Vũ Đức Duy, Bí thư Đảng ủy Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả nhớ lại, dường như cứ theo chu kỳ khoảng một thập kỷ, ngành Than thường gặp khó khăn về tiêu thụ. Thời kỳ năm 1998-1999, mặc dù khi đó sản lượng khai thác và tiêu thụ không cao, chỉ khoảng 11 triệu tấn/năm, nhưng toàn Ngành cũng tồn kho khoảng 4 triệu tấn, chiếm tới gần 1/3 sản lượng tiêu thụ của cả năm. Khó khăn của ngành Than lúc bấy giờ đã khiến các đồng chí lãnh đạo Trung ương phải xuống làm việc trực tiếp với ngành Than để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định việc làm cho người lao động. Khi đó, do tư duy còn chưa tiếp cận nhiều với cơ chế thị trường nên đâu đó còn có nhiều luồng tư tưởng khác nhau, hiểu lầm về những điều hành của ngành cũng như cơ quan chức trách. Năm 2008-2009 cũng vậy, cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực khiến than tồn kho lớn đe dọa công ăn việc làm của hàng vạn người lao động tại Vùng mỏ. Đặc biệt là, đối với khối khoáng sản, các loại khoáng sản kim loại màu không bán được, Tập đoàn phải rót vốn mua lại để duy trì công ăn việc làm cho công nhân tại các đơn vị vùng cao… Tuy nhiên, khó khăn cũng nhanh chóng qua đi khi thị trường thế giới ổn định trở lại chỉ sau một thời gian.
Có một điều đặc biệt là, dù trải qua nhiều khó khăn, thách thức tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng Thợ mỏ, từ lãnh đạo đến công nhân luôn đoàn kết, bình tĩnh, linh hoạt tìm giải pháp khắc phục. Trong những năm tháng khó khăn như thế, nhưng Thợ mỏ vẫn luôn lạc quan chuẩn bị thế tiến cho mình. Khi tiêu thụ ổn định trở lại, sản lượng than khai thác tiếp tục tăng cao. Đỉnh điểm là năm 2011, sản lượng than khai thác và tiêu thụ lên đến trên 44 triệu tấn. Sản lượng này tăng gấp 4 lần chỉ sau chưa đầy 10 năm vừa khai thác vừa xây dựng và mở rộng sản xuất. Khối khai thác khoáng sản cũng không ngừng tiếp tục mở rộng ra nhiều loại sản phẩm có giá trị khác như đồng, chì, kẽm, alumin…
Vâng! Thợ mỏ thời nào cũng vậy, luôn đoàn kết, bình tĩnh vươn lên cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Những năm đất nước còn chìm trong bóng tối của nô lệ, cuộc sống Thợ mỏ khi đó còn được gọi là “phu mỏ”, lầm than và khổ cực. Nhưng chính trong bóng tối ấy, những người Thợ mỏ đã nhìn thấy cho mình một đường hầm dẫn tới ánh sáng tương lai. Vừa lao động duy trì cuộc sống, Thợ mỏ vừa tìm ra giải pháp đấu tranh đòi quyền lợi cho mình và đấu tranh giải phóng dân tộc. Các cuộc bãi công, đình công đã diễn ra hàng ngày trên khắp các khai trường Vùng mỏ, mà đỉnh điểm là cuộc tổng bãi công của trên 30 ngàn Thợ mỏ diễn ra tại Cẩm Phả ngày 12/11/1936 khiến cho Thực dân Pháp phải nhượng bộ. Đây là lần tập dượt quan trọng có tổ chức của giai cấp công nhân mỏ nói chung và những chiến sỹ cách mạng nằm trong lòng những người Thợ mỏ nói riêng để tiến tới cuộc cách mạng giải phóng dân tộc năm 1945 thành công.
Những khó khăn, thách thức hiện tại của ngành Than đã được lãnh đạo Tập đoàn xác định rõ. Đó là những chuyển dịch mạnh mẽ của cơ chế thị trường khiến Thợ mỏ cần định vị lại mình: Hạ giá thành sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường là những mấu chốt mà Thợ mỏ đang gắng sức vượt qua. Thêm vào đó, trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, sự biến đổi khí hậu bất thường luôn là những nỗi lo thường trực. Làm thế nào để thích ứng với biến đổi khí hậu là những bài toán mà Thợ mỏ đang tiếp tục tìm lời giải cho mình và cộng đồng. Tất cả những khó khăn, thách thức đã được Thợ mỏ chuẩn bị cho mình một tâm thế để sẵn sàng vượt qua. Điều đó như một minh chứng thêm một lần nữa: Thợ mỏ sẽ đi qua khó khăn!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tho-mo-se-di-qua-kho-khan-201609051040224356.htm” button=”Theo vinacomin”]