– Dạ, đã được khoảng 4 tháng.
– Thế trước ở đâu?
– Dạ, thuê trọ ở ngoài.
– Thế sao đang thuê ngoài lại xin vào đây?
– Dạ, chả là, một anh cùng thuê, anh ấy không thuê nữa, anh ấy đi lấy vợ, còn lại một mình, thấy buồn, em xin vào đây. Vả lại, thấy nhà to đẹp, đàng hoàng quá nên em thích.
– Xin vào có khó không?
– Em làm đơn, gửi cho Quản đốc, Quản đốc chứng thực vào đó, sau đó mang lên Phòng quản trị, chú Cự xem xét và nhận.
– Có lâu không?
– Tất cả mất hai ngày.
Trên đây là mẩu đối thoại của tôi với Hồng Xuân Huy, thợ lò, người Hải Dương, đang ở khu tập thể công nhân mỏ Hà Lầm.
“Chú Cự”, người mà Huy nhắc tới là Đoàn Xuân Cự, Trưởng phòng quản trị-đời sống của mỏ, quản lý khu tập thể. Anh Cự cho biết, xin vào ở khu tập thể không khó, nếu còn chỗ, chỉ có một tiêu chuẩn bắt buộc, người đó được Quản đốc phụ trách anh ta chứng nhận luôn đi làm đảm bảo ngày công, nhân thân tốt. “Đảm bảo ngày công là một minh chứng đầu tiên chứng thực người đó làm ăn chăm chỉ, đủ điều kiện để vào ở”.
Huy đang ở cùng với 2 người nữa, một làm lao động tiền lương, người kia cũng là thợ lò, tại một công trường khác.
– Vào ở đây thấy thế nào? – Tôi hỏi Huy.
– Em thấy hay hơn ở trọ ngoài. Chỗ ở tốt, sạch sẽ, yên tĩnh. Ăn ở nhà ăn ngon, không đắt, luôn đảm bảo cơm nóng, canh ngọt, “như tự chọn”. An ninh trật tự tốt. Đi lại ca kíp, giờ giấc không gò bó. Nhất là có chỗ gửi xe máy đảm bảo.
Anh Cự:
– Tiền thuê nhà tháng 150 ngàn/người. Tiền điện, nước tự trả, tiết kiệm tháng chỉ khoảng 50 ngàn. Tiền gửi xe 15 ngàn/tháng. Ăn 25 ngàn/suất, mỏ bao cấp phần lớn, người ăn chỉ đóng thêm 10 ngàn/bữa. Đi lại, ở đây chỉ có nội quy nghiêm ngặt với người nơi khác đến chơi phải khai báo qua thường trực bảo vệ; hạn chế ở lại qua đêm, nếu phải ở lại, báo quản trị để sắp xếp chỗ nghỉ ở nhà khách; đêm, chỉ chơi đến 10h30.
Phòng của Huy có hai chiếc máy tính để bàn, trong đó có một cái của Huy. “Em đang theo học nghề điện ở Trường Hồng Cẩm. Nó có ích cho việc học”.
– Khu tập thể có mạng internet nối tới mỗi phòng. Có thư viện với hơn 1.000 đầu sách. Phòng thư viện có thể tổ chức sinh nhật, hát karaoke – anh Cự cho biết thêm.
Chúng tôi còn đến thăm một phòng nữa, phòng của Nguyễn Xuân Lĩnh, thợ điện. Cũng như phòng của Huy, vào phòng Lĩnh phải bỏ dép ở cửa. Phòng sạch như lau như ly. Lĩnh đang ở cùng với một người nữa, làm ở phòng KCS, họ ở đây từ khi ngôi nhà đưa vào sử dụng. Họ tổ chức phòng ở như nhà của mình. Có điều hòa nhiệt độ. Nằm giường đôi, có đệm. Có bể cá cảnh. Có mấy lồng chim, nuôi lâu, dạn người, hót líu lo. Có máy giặt. Tắm nóng lạnh, vòi hoa sen. Bàn tiếp khách. Ti vi. Dụng cụ tập thể dục…
Chúng tôi có cảm giác chung, sống ở các khu tập thể cao tầng, giữa phố, như ở mỏ than Hà Lầm, đầy đủ tiện nghi, người thợ lò biết thu xếp cho cuộc sống của mình một cách thật chỉn chu, không hề tạm bợ. ở như họ, thợ lò có thể ở cả đời, trừ khi họ có gia đình và phải chuyển ra ngoài ở riêng. Mô hình này đã được một số đơn vị triển khai, nó đã khẳng định được sự nỗ lực của nhiều đơn vị trong việc cố gắng thu xếp nơi ăn chốn ở tốt nhất cho thợ mỏ. Mong sao mô hình này ngày càng được nhân rộng.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tho-mo-ha-lam-tam-biet-thoi-an-o-tam-bo-447.htm” button=”Theo vinacomin”]