Sau lễ khởi công, sau ít ngày chuẩn bị, tại Dự án hầm lò Núi Béo, những người thợ Hầm lò 1 bắt đầu đào giếng phụ, bằng phương pháp khoan, nổ mìn rồi bốc xúc đất đá đưa lên khỏi giếng. Giếng này đào mất khoảng 10m qua đất đá thải thì tới tầng đá gốc, vì thế, ở độ sâu 10m, theo thiết kế, phải đào rộng ra xung quanh khuôn giếng theo hình nón cụt, có chiều dài 2m và chiều cao 2m để làm “đai tỳ” khi đổ bê tông thành giếng, nhằm chống tụt thành giếng. Anh Vũ Hồng Khánh, Quản đốc Phân xưởng 2
Tôi hỏi Quản đốc Vũ Hồng Khánh về nhân lực tại dự án. Anh cho biết, 51 người được chọn làm việc, đều là các thợ lò của Hầm lò 1, đông nhất là của Phân xưởng 26/3 đang đào lò giếng nghiêng ở Than Dương Huy rút sang. “Họ là những người thợ có sức khỏe, có ý thức nghề nghiệp, làm lâu năm có kinh nghiệm, tay nghề. Độ tuổi trung bình từ 25 đến 28 tuổi”. Hỏi về công nghệ đào giếng đứng, anh bảo, đào đến 16m và dự kiến đến độ sâu 40m, công nghệ không có gì mới, cũng như đào bất kỳ lò đá nào khác mà những người thợ các anh đã làm, chỉ khác đây là đào lò đứng, lần đầu tiên làm, nên chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm…”. “51 người các anh có được đi học ở đâu trước khi đào? Có thấy bỡ ngỡ?”. “Chưa. Chuyển trực tiếp từ đào các loại lò khác sang. Không thấy bỡ ngỡ, vì công nghệ đào lò vẫn vậy”. “Nhưng nghe nói các anh có công nhân sang Ucraina học cơ mà?”. “à, số đó là khác, có 60 người đã được Công ty chọn, họ chuẩn bị sang bên đó, học nghe đâu khoảng 1 tháng. Đào đến độ sâu 40m bằng công nghệ đang làm, nghe đâu bên Ucraina họ sẽ đưa công nghệ mới sang. Số thợ lò trên sẽ được bổ sung để làm”. Lại hỏi: “Khi làm, các anh đã gặp khó khăn gì lớn chưa?”. Trả lời: “Chưa, chưa có gì vướng. Có gặp đôi chút khi khoan, bị giắt choòng, nhưng hầu hết đều khắc phục được”. “Giắt, kẹt choòng mà không khắc phục được thì làm thế nào?”. “Thì bỏ mũi khoan đó, khoan bên cạnh một mũi khoan khác”. “Nếu gãy choòng thì sao?”. “Chưa gặp trường hợp đó. Máy khoan cầm tay của Liên Xô tốt lắm. Vất vả nhất thợ khoan, nên chúng tôi chú ý đặc biệt đến họ, nhất là công tác an toàn. Mỗi chu kỳ 2m, phải khoan 100 lỗ khoan, các lỗ khoan cách nhau khoảng 60-70cm, khoan theo vòng tròn”. “Nước ngầm có nhiều không?”. “Theo tài liệu khoan thăm dò địa chất mũi khoan ngay giữa trung tâm lòng giếng, thì ở khu vực này ít nước ngầm. Nếu đúng như thế thì rất may mắn”.
Giếng chính cách giếng phụ khoảng 70m, bắt đầu được cánh thợ đào từ ngày 4/3. Hôm tôi đến (11/4), đã đào sâu xong 16m. Tại đây, họ sẽ đào tiếp một đai tỳ. Chắc vài ngày nữa, sẽ đổ bê tông thành giếng.
Còn bên giếng phụ, đã đổ bê tông thành giếng từ độ sâu 14m lên mặt đất; đã đổ xong 10m, còn 4m phía trên cùng, cánh thợ đang tiến hành buộc cốt thép và làm công tác đầm xỉ quanh thành giếng. “Đã đào xuống 16m, sao lại chỉ đổ bê tông từ mét thứ 14 lên?” – tôi hỏi Khánh. “Khoan, bắn mìn đã đến 16m, nhưng chúng tôi chưa xúc dọn đất đá đoạn từ 14 xuống 16m, mà tiến hành đổ bê tông từ mét thứ 14 lên, nhằm để thăm dò độ lún, tụt của thành giếng đã đổ. Đây chính là một ví dụ về việc vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm của người thợ Việt Nam khi bắt tay vào làm một công việc mới, lần đầu tiên làm”. Anh Khánh bảo, vừa rồi các chuyên gia Ucraina đến nghiệm thu, đánh giá làm đảm bảo về kỹ thuật và chất lượng.
Tôi hỏi Vũ Hồng Khánh về việc đi lại, ăn ở, sinh hoạt của anh em. Khánh cho biết, Công ty có xe ca 50 chỗ đưa đón anh em từ Cẩm Phả sang làm việc (họ hầu hết đang ở Cẩm Phả). Hết ca, anh em tắm rửa nóng lạnh ngay tại nhà lắp ghép cạnh công trường. Thay quần áo bảo hộ, nhận trả đèn lò cũng ở đó. Ăn uống nhờ tại bếp ăn của một công trường của mỏ Núi Béo kề cận. Bữa ăn phụ giữa ca dưới lò bằng bánh mỳ kèm giò, sữa.
Tôi leo lên giếng phụ, nơi các thợ lò đang buộc cốt thép và dùng các thanh ray nặng chèn chắc cốp pha để chống bùng khi đổ bê tông. Hỏi các anh về công việc, về so sánh đào lò giếng đứng ở đây với công việc trước các anh đang đào lò đá giếng nghiêng ở Dương Huy. Các anh bảo công việc cũng vậy, không có gì khác biệt lớn. “Tiền làm ở đây có nhiều hơn không?”. “Cũng xêm xêm nhau”. Anh Khánh cho biết, thợ lò hai tháng vừa rồi, mỗi tháng được khoảng 18 đến 20 triệu đồng, thợ cơ điện khoảng 10 đến 12 triệu.
Trong phòng làm việc của Quản đốc Khánh, một ngôi nhà cấp 4 cũ của Núi Béo, dù mới dọn đến, thấy rõ người Quản đốc này tính ưa ngăn nắp và sạch sẽ. Một bộ bàn ghế uống nước, tiếp khách, ghế theo kiểu tràng kỷ, rộng, đệm ghế êm ái, nhiều màu sắc, có thể ngủ được ở đó. Và đặc biệt, dù là tạm, song Quản đốc vẫn rất ý thức trân trọng, nâng niu các thành tích mà Phân xưởng 26/3 của anh đã đạt được. Đó là đầy 4 bức tường treo la liệt những giấy khen, bằng khen, thư khen của các cấp tặng. Trong đó có Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc những năm 2001-2003.
Rõ ràng, họ đang là đội quân thiện chiến, đã giành nhiều thành tích trong công tác đào lò. Nhân thế mới hỏi Khánh, sắp tới ở Cẩm Phả sẽ có những mỏ hầm lò đào giếng đứng, nếu Công ty Hầm lò 1 của anh tiếp tục được giao, liệu các anh có làm được không. Anh Khánh: Làm được. Chúng tôi có thuận lợi là nằm ngay trên địa bàn Cẩm Phả. Việc tổ chức ăn ở, đi lại sẽ thuận tiện hơn rất nhiều các đơn vị khác. Còn đội ngũ thợ lành nghề, thì như anh thấy, Công ty chúng tôi đủ khả năng đáp ứng.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tho-ham-lo-1-dao-gieng-dung-1654.htm” button=”Theo vinacomin”]