Năm 2015, một trong những giải pháp điều hành quan trọng của Chính phủ là tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng năng lượng là điện, than, xăng dầu theo lộ trình và mức độ phù hợp, phối hợp với các chính sách liên quan, bảo đảm kiểm soát lạm phát.
Năng lượng có vai trò cực kỳ quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước, nhưng nhiều năm nay năng lượng vẫn chưa được nhà đầu tư từ trong và ngoài nước xem là lĩnh vực hấp dẫn đầu tư. Một thị trường năng lượng cạnh tr
Ngày 25-10-2007 Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 18-NQ/TW “về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050”, theo đó Chính phủ đã đề ra chiến lược phát triển năng lượng từ nay đến năm 2020 tầm nhìn tới năm 2050 với các mục tiêu cụ thể:
Với ngành Than, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao, từ năm 2011 đến 2015, ngành Than phải sản xuất được 55 triệu tấn than sạch/ năm, xây dựng được 28 mỏ mới (công suất một mỏ 2 triệu đến 2,5 triệu tấn/năm) mở rộng 61 mỏ cũ đảm bảo đến năm 2020 ngành Than phải cung cấp được trên 76 triệu tấn than/năm để phục vụ cho ngành điện và các ngành kinh tế khác.
Với ngành Dầu khí, theo Kết luận số 41 của Bộ Chính trị từ nay đến năm 2025 ngành dầu khí phải khai thác được 40 triệu tấn dầu quy đổi/năm, tích cực phát triển các mỏ khí, mỏ dầu ở trong nước cùng với việc liên doanh liên kết với nước ngoài để đảm bảo sản lượng.
Với ngành Điện, từ nay đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050 phải xây dựng rất nhiều nhà máy phát điện (thuỷ điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, thủy điện tích năng, điện hạt nhân và các dự án năng lượng khác như điện gió, mặt trời .v..v); theo quy hoạch điện VII đến năm 2020 cả nước phải đạt được 75.000 MW điện, sản lượng điện 330 tỷ đến 360 tỷ kWh/năm, lúc đó sản lượng điện đầu người tăng lên trên 3.000 kWh/năm mới có thể đạt tiêu chí một nước công nghiệp phát triển.
Ngành năng lượng do vậy rất cần thiết phải nghiên cứu xây dựng các mô hình thị trường, chính sách giá cả và cơ chế quản lý của Nhà nước phù hợp với từng loại sản phẩm năng lượng ở các giai đoạn khác nhau. Tính đến nay, đa số các ngành trong nền kinh tế Việt Nam đã và đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường, riêng ngành năng lượng bao gồm các sản phẩm: dầu khí, than và điện thuộc sự quản lý của ba tập đoàn kinh tế nhà nước: Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than-Khoáng sản và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn còn theo sự chỉ đạo của Nhà nước. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh đối với nước ta là rất mới mẻ và phức tạp, nên đòi hỏi phải nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn vận dụng kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Vấn đề cấp bách
Lâu nay, vấn đề vốn cho đầu tư phát triển các dự án năng lượng, đặc biệt là đối với các dự án điện, khai thác than luôn là bài toán khó đối với ngành Điện, Than. Nhu cầu vốn đầu tư mỗi năm lên tới hơn 100.000 tỷ đồng đối với ngành điện và 26.000 tỷ đồng với ngành Than mà giới chuyên gia đưa ra tại hội thảo khoa học “Phát triển thị trường năng lượng Việt Nam” đã phần nào cho thấy điều đó. Trong khi nhu cầu vốn cho các dự án phát triển hệ thống điện, khai thác than để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của nền kinh tế là rất lớn thì giá điện, giá than lại ở mức khá thấp, không đảm bảo khả năng tích luỹ vốn để tái đầu tư cho ngành Điện và Than. Và đây chính là cái “khó” mà ngành năng lượng đang phải đối diện, thiếu vốn, khó khăn về vốn trong đầu tư, phát triển các dự án năng lượng nhưng lại không được phép để nền kinh tế thiếu điện, thiếu than và thiếu khí. Chính vì vậy, vấn đề định hướng xây dựng chính sách giá năng lượng trong cơ chế thị trường được xem là một trong những nội dung quan trọng bậc nhất, tạo tiền đề phát triển thị trường năng lượng của Việt Nam
GS.TS Nguyễn Minh Duệ – Chủ nhiệm Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho rằng, chính sách giá năng lượng nói chung cần được xây dựng phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội, chiến lược và quy hoạch năng lượng quốc gia. GS.TS Duệ phân tích: Các dạng năng lượng cụ thể như xăng, dầu, khí, than và điện là những sản phẩm hàng hóa đặc biệt được sử dụng rộng rãi trong đời sống và sản xuất, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế – xã hội quốc gia. Vì vậy, chính sách giá năng lượng không thể tách rời chính sách, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn của đất nước. Một khi giá năng lượng được xây dựng có hệ thống, hài hòa thông qua quy hoạch năng lượng tổng thể, hệ thống giá được xây dựng dựa trên biên dài hạn sẽ trở thành công cụ điều hòa các hoạt động ngành năng lượng và nền kinh tế, góp phần thúc đẩy thị trường năng lượng phát triển bền vững.
Đặc biệt, chính sách giá năng lượng cũng cần được xem như là đòn bẩy của sản xuất, là công cụ quan trọng quản lý nhu cầu bảo tồn năng lượng và bảo vệ môi trường. Bởi sử dụng và bảo tồn năng lượng một cách hợp lý, hài hòa, minh bạch sẽ thúc đẩy tiết kiệm tài nguyên năng lượng, thực hiện phát triển xanh, phát triển bền vững năng lượng. Theo phân tích của các chuyên gia, chính sách giá năng lượng cũng phải được xây dựng trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa thị trường trong nước với thị trường thế giới. Nguyên nhân là do nước ta hiện đã có quan hệ xuất – nhập khẩu năng lượng với khá nhiều nước trên thế giới, nên giá năng lượng sẽ chịu tác động lớn của sự lên/xuống theo giá thế giới.
TS Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khi đề cập tới câu chuyện này đã đưa quan điểm: Đặc trưng của ngành năng lượng đòi hỏi rất nhiều tiền. Việt Nam đang là nước nghèo, nhưng luôn phải đặt vấn đề an ninh năng lượng lên hàng đầu. Đây cũng là vấn đề lớn liên quan đến chiến lược. Ngành năng lượng không chỉ đơn thuần là điện, xăng dầu… Trước cứ cho rằng, năng lượng không thể xuất nhập khẩu được, nhưng hiện nay chúng ta đang bắt đầu nhìn ra khu vực và thế giới. Và thực tế, khu vực ASEAN đang hình thành cơ chế mua bán lẫn nhau và Việt Nam cũng đang tham gia thị trường này.
Nói như vậy để thấy rằng, giá năng lượng cần phải được điều chỉnh một cách hợp lý, tiến tới giá thị trường. Và dù có khá nhiều quan điểm khác nhau để cụ thể hoá mục tiêu này nhưng phải khẳng định rằng, dù chính sách giá năng lượng được xây dựng theo cơ chế thị trường, nhưng vai trò của nhà nước vẫn phải được đề cao trong việc xác lập, kiểm tra và kiểm soát việc thực hiện chính sách giá năng lượng nói chung. Nguyên tắc này có thể xem là “mấu chốt” quan trọng nhằm đảm bảo ổn định vĩ mô, hài hòa lợi ích và sự phát triển cung – cầu hợp lý, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu của sự phát triển kinh tế thị trường như ở nước ta hiện nay, không thể thiếu vai trò nhà nước đối với chính sách giá năng lượng dài hạn, ở tầm vĩ mô. Khi thị trường năng lượng đã hình thành và phát triển ổn định, vai trò quản lý nhà nước sẽ từng bước chuyển dần sang gián tiếp để phù hợp với xu thế phát triển chung.
Năm đề xuất cho thị trường hóa năng lượng
Theo ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch hiệp hội năng lượng VN, để thị trường năng lượng Việt Nam phát triển được bền vững, hiệu quả thì phải “thiết kế” lại luật chơi, cách chơi và người chơi. Năm đề xuất dưới đây là những giải pháp quan trọng đóng góp vào tiến trình này.
Một là, với cải cách kinh tế thị trường thì việc cải cách bộ máy Nhà nước cũng hết sức quan trọng. Rõ ràng là thị trường không dung nạp được cơ chế xin cho, muốn dẹp bỏ được cơ chế này thì trước hết phải cải cách vai trò của Nhà nước. Việc tập trung vào cải cách doanh nghiệp Nhà nước minh bạch và xóa bỏ độc quyền sẽ là một động lực tự nhiên góp phần thúc đẩy bộ máy Nhà nước; chẳng hạn tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu, tách chức năng làm chính sách với chức năng giám sát thị trường nếu làm được như vậy thì việc cải cách và phát triển thị trường năng lượng Việt Nam sẽ được thúc đẩy một cách mạnh mẽ.
Hai là, công khai các dự án đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng.
Ba là, tăng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho các dự án năng lượng nông thôn, miền núi, hải đảo góp phần phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo cho các khu vực này.
Sớm thành lập quỹ phát triển năng lượng để hỗ trợ đầu tư cho phát triển năng lượng mới và tái tạo, thực hiện các dự án công ích. Ưu tiên bố trí nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ quỹ phát triển ODA, các nguồn vốn vay song phương khác của nước ngoài cho việc xây dựng phát triển thăm dò khai thác các nguồn năng lượng điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo…
Bốn là, tập trung đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ quản lý, kỹ thuật, công nghệ lành nghề, đào tạo bổ sung đón đầu cho những ngành còn yếu, còn thiếu nhất là các ngành năng lượng mới, năng lượng sinh học, lọc hoá dầu, điện hạt nhân… Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới theo hướng tập trung và chuyên sâu, phát triển đồng bộ tiềm lực khoa học – công nghệ ứng dụng cải tiến công nghệ nước ngoài, tiến tới sáng tạo công nghệ mới trong ngành năng lượng Việt Nam.
Năm là, về chính sách giá năng lượng: Ngành năng lượng là một hệ thống nhất, nhưng thời gian qua chúng ta thực hiện riêng lẻ các quy hoạch phân ngành, xây dựng giá các loại năng lượng độc lập, dẫn tới giá thiếu hài hòa, hợp lý. Cần xem chính sách giá năng lượng là một trong những đột phá mới, tiến tới xoá bỏ độc quyền, bao cấp trong sản xuất và tiêu dùng năng lượng.
Giá xăng dầu, điện, than dứt khoát phải theo thị trường nhưng phải minh bạch” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ của Chính Phủ tháng 2/2015 vừa qua.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/thi-truong-nang-luong-canh-tranh-bai-toan-co-che-gia-de-hai-hoa-loi-ich-10310.htm” button=”Theo vinacomin”]