Trong kỳ trước, Tạp chí TKV đã ghi nhận ý kiến của những người trong cuộc ở Công ty CP than Đèo Nai – đơn vị tiên phong triển khai thí điểm chuyển từ hình thức tự làm sang thuê ngoài dịch vụ nấu ăn. Ở kỳ II này, nhóm phóng viên đã tiếp tục trao đổi để lắng nghe quan điểm của các nhà quản lý từ Tập đoàn đến các đơn vị, từ đó có cái nhìn toàn diện hơn khi thực hiện chủ trương này.
Cần tiếp tục triển khai rộng rãi thuê ngoài dịch vụ cung cấp bữa ăn giữa ca và bồi dưỡng độc hại ở các đơn vị trong Tập đoàn.
Trao đổi với ông Trần Văn Cừ – Trưởng ban Tổ chức Nhân sự (TCNS) Tập đoàn – được biết, ngay khi sau khi khảo sát thực tế kết quả sau hơn 3 tháng triển khai thí điểm thuê ngoài dịch vụ nấu ăn tại Công ty CP than Đèo Nai, Tập đoàn đã có cuộc họp với các đơn vị lộ thiên, sàng tuyển, kho vận và một số đơn vị dịch vụ tại vùng Cẩm Phả về việc thuê ngoài dịch vụ cung cấp bữa ăn giữa ca và bồi dưỡng độc hại. Về cơ bản, các đơn vị đều thống nhất chủ trương xã hội hóa là cần thiết và trước sau cũng phải làm. Tuy nhiên, các đơn vị thẳng thắn bày tỏ còn một số băn khoăn và đã được Ban TCNS giải thích cặn kẽ cũng như nêu quan điểm cụ thể.
Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng, ở một số vị trí phân tán, ít người, đơn vị đang chuyển cơm bằng cách gửi ô tô chở than, đất mang giúp, nếu chuyển sang đơn vị ngoài thì sẽ áp dụng theo hình thức nào? Quan điểm của Ban TCNS là đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ thuê lại chính công ty để kết hợp vận chuyển giúp cơm đến các vị trí sản xuất đặc thù mà các loại xe chở thực phẩm không thể đến tận nơi được, cần thiết sẽ trả thêm chí phí vận chuyển cho lái xe thực hiện nhiệm vụ. Hay có đơn vị thì bày tỏ: Một số vị trí đặc thù làm việc xa trung tâm như khu chuyển tải, ngoài đảo… đề nghị giữ lại đơn vị tự làm? – Ban TCNS lý giải: Với những vị trí đặc thù, đơn vị có thể giữ lại tự làm nhưng phải giao khoán đầy đủ cho bộ phận phục vụ. Một vấn đề đặt ra cũng là rào cản lớn nhất khi triển khai rộng rãi chủ trương này đó là lực lượng lao động phục vụ nấu ăn quá đông, đơn vị cung cấp nhận hết số lao động này sẽ là gánh nặng rất lớn, mặt khác lao động nhiều cũng làm chi phí phục vụ tăng cao. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là phải sắp xếp lao động khi chuyển đổi để giảm chi phí thuê dịch vụ.
“Từ những kết quả đã đạt được khi áp dụng thí điểm tại Đèo Nai, thời gian tới cần tiếp tục triển khai rộng rãi thuê ngoài dịch vụ cung cấp bữa ăn giữa ca và bồi dưỡng độc hại ở các đơn vị trong Tập đoàn, trừ các đơn vị hầm lò”- ông Trần Văn Cừ nhấn mạnh.
“Đối tác phải có sự khảo sát kỹ lưỡng trước khi thực hiện”
Đó là quan điểm thẳng thắn của ông Đặng Đình Sông, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP than Cao Sơn. Cũng là đơn vị khai thác lộ thiên, song, Công ty CP than Cao Sơn lại có những điểm khác biệt. Chia sẻ với phóng viên, Chủ tịch Công đoàn Đặng Đình Sông cho biết, hiện nay tại Than Cao Sơn có 6 nhà ăn với lực lượng công nhân cấp dưỡng là 81 người. Nếu như bình độ địa hình ở Đèo Nai tương đối đồng đều thì ở Cao Sơn lại vừa trải rộng, xuống sâu, vừa đi xa hơn rất nhiều. Cùng với đó, số lượng công nhân của Công ty hiện nay cũng đông đảo hơn Đèo Nai với hơn 2.700 lao động, vận hành số lượng thiết bị là 40 máy xúc cùng gần 20 máy khoan rải rác khắp moong. Công tác phục vụ bữa cơm công nghiệp cũng vì thế mà đòi hỏi đối tác phải đầu tư nhiều hơn cả về nhân lực và vật lực. Than Cao Sơn cũng đã đầu tư hệ thống xe chuyên dụng để chuyển các suất ăn cho anh em công nhân. Chủ tịch Công đoàn Đặng Đình Sông khẳng định, để làm vơi đi “gánh nặng” cho mỗi tấn than, Công ty đồng tình với chủ trương của Tập đoàn và tiếp tục có những quyết sách mạnh mẽ trong việc tái cơ cấu lực lượng phụ trợ. Để chuyên nghiệp hóa đội ngũ phục vụ, nếu đơn vị đối tác đồng ý tiếp nhận và đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động, Công ty sẽ sẵn sàng chuyển giao cơ sở vật chất và nhân lực hiện có, đồng thời, xây dựng các văn bản, quy chế nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động khi chuyển sang đơn vị mới giống như đơn vị tiên phong đã thực hiện.
“Cần tiến hành thận trọng, có lộ trình cụ thể”
Tái cơ cấu là một chủ trương lớn từ Chính phủ đến Tập đoàn và các công ty trực thuộc. Công ty Tuyển than Cửa Ông được ghi nhận là một trong những đơn vị đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện rất nghiêm túc theo chỉ đạo của Tập đoàn, nhất là trong việc tái cơ cấu lực lượng lao động phụ trợ, giữ được lao động tay nghề cao, chống chảy máu chất xám. Xác định rõ “Sức khỏe người lao động là vốn quý của doanh nghiệp”, Tuyển than Cửa Ông đã và đang có nhiều hoạt động nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng bữa ăn từ công nhân phục vụ, nguồn thực phẩm cho đến dụng cụ nhà bếp. Ông Lâm Viết Vương – Phó Giám đốc Công ty – khẳng định, Công ty đã, đang và sẽ triển khai quyết liệt việc tái cơ cấu theo đúng lộ trình đã đăng ký giai đoạn 2017-2020. Nói riêng về vấn đề xã hội hóa bếp ăn tập thể, ông Vương cho rằng, quá trình này cần có một khoảng thời gian nhất định.“ Tuyển than Cửa Ông sẽ tìm hiểu những kết quả áp dụng từ các đơn vị bạn đi trước. Khi mô hình thí điểm này được đánh giá là đem lại hiệu quả tốt, chúng tôi sẽ thiết lập một lộ trình cụ thể và triển khai từng bước một cách thận trọng. Đơn vị đồng ý tiếp nhận 118 công nhân thuộc Phân xưởng Dịch vụ đời sống của chúng tôi nhất định phải đảm bảo cho người lao động việc làm, thu nhập; và quan trọng là, chất lượng bữa ăn công nghiệp vẫn phải đảm bảo về định lượng và chất lượng cho công nhân lao động. Và dù có áp dụng mô hình nào đi chăng nữa, chất lượng bữa ăn và sức khỏe người lao động phải được đặt lên hàng đầu.” – Ông Lâm Viết Vương khẳng định.
“Tích cực triển khai chủ trương xã hội hóa bộ phận dịch vụ, phụ trợ”
Việc thực hiện tái cơ cấu theo chủ trương của Tập đoàn được Công ty CP Giám định rất chú trọng quan tâm. Bước sang thực hiện tái cơ cấu giai đoạn 2, Công ty đã thành lập tổ công tác nhằm xem xét lại cơ cấu lao động, phòng ban của toàn đơn vị; từ 17 phòng giảm xuống còn 14 phòng, số lao động phục vụ, phụ trợ giảm xuống còn 6%, xây dựng cơ chế hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng, nghỉ hưu hoặc nghỉ việc. Công ty cũng thực hiện thuê ngoài lực lượng bảo vệ tại khu vực cảng Làng Khánh và tiến tới sẽ tiếp tục xem xét triển khai thuê dịch vụ bảo vệ và nấu ăn ở một số Trạm theo đúng chủ trương xã hội hóa các khâu dịch vụ, phụ trợ của Tập đoàn. Tuy nhiên, với đặc thù là các Trạm giám định nằm rải rác, có quy mô nhỏ, ít người nên việc tìm các đối tác, doanh nghiệp để triển khai thuê dịch vụ cung cấp bữa ăn công nghiệp cho người lao động tại các Trạm gặp phải nhiều khó khăn. Hiện Công ty vẫn chưa tìm được đối tác nhưng lãnh đạo Công ty vẫn đang nỗ lực và tích cực tìm giải pháp để triển khai theo đúng chủ trương mà Tập đoàn đã đề ra.
“Chưa phù hợp để áp dụng đối với các đơn vị hầm lò thời điểm này”
Đối với một đơn vị khai thác hầm lò lớn như Công ty CP than Vàng Danh, việc chăm lo bữa ăn công nghiệp cho người lao động, nhất là đối tượng thợ lò được đặc biệt chú trọng. Hiện Công ty đang duy trì hình thức ăn tự chọn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, phong phú về thực đơn và tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty Vũ Đình Việt, chủ trương xã hội hóa dịch vụ nấu ăn là đúng và phù hợp với việc đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu lực lượng phụ trợ, phục vụ của Tập đoàn. Tuy nhiên, việc áp dụng chủ trương này đối với đơn vị hầm lò như Than Vàng Danh có thể có những điểm chưa phù hợp. Trước tiên, số lao động của bộ phận chế biến và phục vụ ăn công nghiệp của Công ty chủ yếu là chị em, trong đó phần lớn đối tượng là vợ thợ lò và trong diện chính sách. Công ty đã ưu tiên tạo điều kiện việc làm cho vợ thợ lò, coi đây như là một chính sách để thợ lò an tâm gắn bó với đơn vị hoặc bố trí cho vợ thợ lò bị tai nạn lao động được làm việc tại các bếp ăn như một sự hỗ trợ, thể hiện tinh thần trách nhiệm của đơn vị đối với người thân của những người thợ lò đã hy sinh vì sự phát triển chung của Than Vàng Danh. Do vậy, việc xã hội hóa dịch vụ nấu ăn sẽ phần nào gây khó khăn trong việc đảm bảo bố trí đủ việc làm cho lực lượng lao động của bộ phận này. Thêm vào đó, việc lựa chọn doanh nghiệp cung cấp bữa ăn công nghiệp đảm bảo chất lượng và tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm cho hơn 5.700 cán bộ, công nhân và người lao động Than Vàng Danh – một con số không hề nhỏ, cũng phải được xem xét rất nghiêm túc và kỹ càng trước khi thực hiện. Vì vậy, để thực hiện chủ trương này, lãnh đạo Than Vàng Danh sẽ còn cần có thời gian để nghiên cứu, xem xét cách thức triển khai như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị mà vẫn đạt được hiệu quả trong thời gian tới.
Để việc triển khai rộng rãi thuê ngoài dịch vụ cung cấp bữa ăn giữa ca và bồi dưỡng độc hại đảm bảo thành công, Ban TCNS Tập đoàn đề nghị các đơn vị cần lưu ý một số điểm khi thực hiện như sau:
(1) Đẩy mạnh truyền thông về kết quả thực hiện thí điểm tại Công ty CP than Đèo Nai. Không những chỉ tuyên truyền về chủ trương này đối với đối tượng lao động nấu ăn, cấp dưỡng mà còn phải tích cực tuyên truyền đến đối tượng là người lao động của Công ty (người được phục vụ) để hiểu rõ bản chất của việc thuê ngoài cung ứng dịch vụ cung cấp suất ăn.
Ngoài ra cũng cần tuyên truyền để người lao động hiểu rõ chế độ ăn giữa ca là chế độ hỗ trợ thêm của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp cân đối được chi phí chứ không phải là chế độ bắt buộc của Nhà nước quy định. Hiểu rõ bản chất của chế độ này thì người lao động mới cảm thông, chia sẻ những khó khăn, vất vả của công ty và của những người phục vụ.
(2) Xây dựng cơ chế khoán đặc thù đối với các phân xưởng phục vụ đời sống để người lao động tiếp cận dần với việc xã hội hóa công đoạn này, cụ thể:
– Giao toàn quyền sử dụng lao động cho Quản đốc phân xưởng được chủ động bố trí công việc cho người lao động và được đề nghị chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động không hoàn thành nhiệm vụ;
– Tổ chức khoán chi phí tổng hợp cung cấp suất ăn cho các phân xưởng chế biến; tính đúng, tính đủ chi phí như Đèo Nai đã thuê dịch vụ ngoài từ đó các Phân xưởng chế biến tự thu tự chi, Công ty không bù lỗ cũng như không lấy lãi, toàn bộ chi phí tiết kiệm được bổ sung tiền lương; Công ty sẽ không bổ sung bất cứ khoản chi phí nào khác ngoài chi phí khoán;
– Xây dựng cơ chế trả lương gắn với hiệu quả công việc; việc trả lương giao toàn quyền cho quản đốc phân xưởng (có thể triển khai chấm điểm theo KPIs).
(3) Nghiên cứu xã hội hóa dịch vụ cung cấp bữa ăn giữa ca và bồi dưỡng độc hại theo các hướng: Triển khai thuê ngoài đơn vị cung cấp dịch vụ như Than Đèo Nai đã làm (đây là hướng ưu tiên số một). Đối với các bộ phận nấu ăn nhỏ lẻ, số lượng người được phục vụ ít dẫn đến không thuê dịch vụ được thì xây dựng cơ chế khoán tổng hợp cho bộ phận nấu ăn tự thu tự chi hoặc người lao động ở bộ phận nấu ăn chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp, tự đứng ra thành lập doanh nghiệp và nhận khoán với công ty.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/thi-diem-thue-ngoai-dich-vu-nau-an-tai-than-deo-nai-ky-ii-nha-quan-ly-noi-gi-201710201759454428.htm” button=”Theo vinacomin”]