Vừa qua, TKV và Công ty TNHH Khoáng sản Đầu tư Hưng Thịnh đã cùng nhau ký thỏa thuận thăm dò, khai thác, chế biến các sản phẩm titan tại Dự án Lương Sơn III. Đây là một bước tiến mới trong một ngành công nghiệp đầy mới mẻ tại Việt Nam sau việc hoàn thành công tác thăm dò Dự án Lương Sơn I vào cuối năm 2015.
Vị thế titan Việt Nam
Titan Việt Nam có vị thế nhất định trong ngành titan thế giới với tư cách là nhà cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn, công ty lớn như Dupont (Mỹ); Sumitomo, Sakai, Tayka (Nhật Bản); Cosmo (Hàn Quốc)…
Titan là kim loại quý, hiếm ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, trong sản xuất máy bay, tàu vũ trụ, sơn, mỹ phẩm, giấy, nhựa cao cấp, chất chống mài mòn…
Theo Tổng cục Khoáng sản – Địa chất (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tổng trữ lượng dự báo quặng titan – zircon ở Việt Nam là 664 triệu tấn quặng tinh, gần bằng nửa trữ lượng toàn thế giới (1.400 triệu tấn). Sa khoáng titan chủ yếu phát hiện dọc ven biển từ Thanh Hóa đến Bắc Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó chiếm đến 83% là ở những vùng có tầng cát đỏ của Ninh Thuận, Bình Thuận. Nhờ nguồn tài nguyên này mà Việt Nam được dự đoán là một trong những quốc gia có ngành khai khoáng titan phát triển nhất. (*)
Một địa điểm khai thác titan ở Bình Thuận (Ảnh internet)
Năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất với Chính phủ quy hoạch thăm dò khai thác quặng sa khoáng titan trong tầng cát đỏ tại khu vực Lương Sơn, tỉnh Bình Thuận với diện tích 150km2 . Đây được coi là những động thái nhằm phát triển ngành công nghiệp titan một cách bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao. TKV đã hoàn thành công tác thăm dò Dự án Lương Sơn I.
Lương Sơn III – những cam kết tin cậy
Việc chọn Công ty TNHH Khoáng sản Đầu tư Hưng Thịnh – một doanh nghiệp có nền tảng vững chắc với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, đặc biệt là hiểu biết rõ, sâu sắc về khoáng sản titan tại Bình Thuận với đội ngũ cán bộ có tâm huyết, có trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp – là một lựa chọn đúng đắn mang tính chiến lược cho một ngành công nghiệp đầy mới mẻ này của lãnh đạo Tập đoàn.
Tại Lễ ký kết, ông Phan Thành Muôn – Chủ tịch HĐTV Hưng Thịnh – cho biết, khi được Chính phủ và các bộ ngành thông qua chủ trương, Hưng Thịnh cam kết thực hiện các bước Dự án một cách nhanh nhất để sớm đưa Dự án đi vào hoạt động khai thác. Song song đó, Hưng Thịnh cũng xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu các loại sản phẩm ilmenite hoàn nguyên, bột màu TiO2, xỉ, zircon mịn và siêu mịn, ZrO2 và các loại nguyên tố đất hiếm bằng công nghệ tiên tiến. Nhà máy Hưng Thịnh đủ sức tiếp nhận toàn bộ sản lượng khai thác được từ Dự án Lương Sơn III. “Với thị trường đã khai thác và xây dựng được, Dự án này sẽ chắc chắn thắng lợi”, ông Muôn khẳng định!
Khai thác, chế biến titan là làm sạch môi trường
“Trong thành phần titan vốn đã có sẵn chất phóng xạ, đó là monazite. Mục tiêu của chúng ta khi khai thác titan là lấy khoáng sản và lấy chất phóng xạ ở nơi đó đi, trong đó có monazite. Cho nên, vấn đề khai thác titan là đồng nghĩa với việc làm sạch môi trường, bởi vì bản thân ở vùng đất nào có quặng sa khoáng titan thì nơi đó chất phóng xạ ít nhiều đã có sẵn. Việc quan trọng là làm cho người lấy được an toàn, còn môi trường phải luôn sạch sẽ, không gây ô nhiễm tràn lan”, chuyên gia Li Yong Dong – đối tác chiến lược của Hưng Thịnh – cho biết.
Làm sạch môi trường một cách khoa học là một chiến lược lâu dài của công nghiệp khai thác chế biến titan. Tuy nhiên gần đây, những vụ việc ảnh hưởng đến nguồn nước, cát bay, bùn thải… đã khiến người dân bức xúc. Trên thực tế, nếu được quản lý chặt chẽ thì về lâu dài những vùng đất được khai thác titan vẫn sẽ tốt hơn sau khi được khai thác. Việc khai thác titan nếu giao cho các doanh nghiệp có kinh nghiệm, có uy tín và trách nhiệm sẽ đảm bảo các yếu tố kinh tế, an sinh và môi trường. Bức xúc của người dân là không sai, tuy nhiên điều đó chỉ đúng trong từng vụ việc cụ thể. Còn bản chất thật sự của khai thác, chế biến titan là làm sạch môi trường, làm cho vùng đất có chứa khoáng sản titan sẽ hết chất phóng xạ. Sau khi khai thác titan thì việc trồng cây và phát triển hệ sinh thái ở vùng đất đó cũng sẽ thuận lợi hơn.
(*): Công bố của Tổng cục Khoáng sản – Địa chất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại Hội thảo Quốc tế về Địa chất và Khoáng sản ASEAN lần thứ nhất (GeoASEAN1), chuyên đề khoáng sản titan, năm 2013.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/them-mot-tiem-nang-mo-20171021164544137.htm” button=”Theo vinacomin”]