Trong số các tổ hợp than – điện đã và đang được Tập đoàn triển khai, phần lớn đều mang lại những hiệu quả kinh tế vùng rõ rệt như thuận lợi cho công tác tiêu thụ than, tạo ra công ăn việc làm cho cư dân địa phương… Trước những hướng đi đúng đắn đó, hiện nay, Tập đoàn đang tích cực triển khai mở rộng Tổ hợp than điện Na Dương (Lạng Sơn) hay Sơn Động (Bắc Giang), trong đó có tính đến việc liên thông tiêu thụ than cho cả vùng than Uông Bí trong tương lai.
Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải và các Ban Tập đoàn kiểm tra khảo sát các điều kiện tiền khả thi xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động 2 (Ảnh VP Công ty)
Có thể nói, việc hình thành các tổ hợp than – điện Na Dương (Lạng Sơn), Cao Ngạn (Thái Nguyên) hay Sơn Động (Bắc Giang), Nông Sơn (Quảng Nam) của Tập đoàn đều nhằm mục tiêu tiêu thụ các loại than mà thị trường không có nhu cầu. Trước đây, mỏ than Na Dương đã có thời tưởng như phải đóng cửa với nguy cơ mất việc của hàng ngàn người lao động. Tuy nhiên, “trong cái khó ló cái khôn”, việc hình thành các tổ hợp than – điện này lại mở ra một hướng đi mới của ngành Than, đó là sản xuất điện. Kết quả là hiện nay, Tập đoàn đã hình thành một Tổng Công ty Điện lực – TKV, mỗi năm sản xuất hàng tỷ kWh điện, đóng góp tích cực vào việc cung cấp điện cho đất nước.
Gần đây, trước sự phát triển hiệu quả của các tổ hợp này, Tập đoàn đang chỉ đạo Tổ hợp than – điện Na Dương mở rộng thêm công suất gấp đôi. Tức là Công ty than Na Dương sẽ đẩy sản lượng khai thác lên đạt 1,2 triệu tấn than/năm (tăng 600 ngàn tấn so với hiện nay); đồng thời, Tổng Công ty Điện lực – TKV triển khai xây dựng thêm một nhà máy nhiệt điện có công suất 110MW, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ sản lượng than tăng tương ứng.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay và dự báo trong những năm tới, công tác tiêu thụ than của một số vùng gặp khó khăn, trong đó than tại vùng Uông Bí khó tiêu thụ. Tập đoàn đã phải điều hành vận chuyển than từ vùng Uông Bí về Hòn Gai, Cẩm Phả để pha trộn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, giải pháp này làm cho chi phí vận tải tăng cao. Trước đó, trong các giải pháp kỹ thuật để giảm chi phí vận chuyển than, Tập đoàn đã chỉ đạo Công ty than Uông Bí đào một đường lò xuyên vỉa nối thông từ khu vực Hạ My (Hoành Bồ) sang vùng Đồng Vông (Uông Bí). Đường lò xuyên vỉa này đã mở ra một hướng đi mới, nối thông công tác vận chuyển than tại vùng Uông Bí với khu vực tổ hợp than – điện Sơn Động. Ý tưởng của việc mở rộng công suất phát điện tại tổ hợp này là hoàn toàn khả thi.
Tại một cuộc khảo sát thực địa gần đây của Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải cùng đoàn công tác các Ban Tập đoàn đã lên phương án tiền khả thi cho việc xây dựng thêm một nhà máy nhiệt điện có công suất 440 MW, tương đương với Nhà máy nhiệt điện Đông Triều hiện nay tại tổ hợp này. Đây là phương án hoàn toàn thuận lợi bởi nhiều yếu tố. Về vị trí đặt nhà máy, gần nhà máy hiện tại của nhiệt điện Sơn Động đã có mặt bằng. Các khu vực dự kiến quy hoạch bãi đổ xỉ thải cũng đã được quy hoạch mở rộng. Ngoài ra, vấn đề quan trọng là việc cung cấp than cho dự án không những sẽ đảm bảo mà còn giải quyết được vấn đề tiêu thụ than cho các đơn vị khai thác than vùng Uông Bí vì đã hoàn thành đường lò vận tải than nối thông khu vực Đồng Vông, Uông Bí với khu vực Hạ My, Hoành Bồ. Cũng giống như sản lượng than tiêu thụ của Công ty than Mạo Khê cho Công ty Nhiệt điện Đông Triều, Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động 2 sẽ là cứu cánh cho công tác tiêu thụ than tại vùng than Uông Bí, giải quyết được nỗi lo về tiêu thụ, nỗi lo về công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động các đơn vị sản xuất than tại vùng này. Trước đó, Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động với công suất 220MW đã tiêu thụ than cơ bản cho các đơn vị sản xuất than tại vùng Đồng Rì, Hoành Bồ như Công ty TNHH MTV 45 (Tổng Công ty Đông Bắc), Xí nghiệp than Hoành Bồ nay là công trường than Hoành Bồ (Công ty than Uông Bí), với tổng sản lượng mỗi năm hàng triệu tấn…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/them-mot-huong-di-20171123092532049.htm” button=”Theo vinacomin”]