Năm 2018 đã qua đi với nhiều biến động trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Mời quý độc giả theo dõi 10 sự kiện nổi bật tại Việt Nam và quốc tế do Tạp chí TKV tổng hợp.
Thế giới
1.Bước ngoặt trong tiến trình hoà bình Triều Tiên: Các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều được nối lại sau hơn một thập kỷ với Tuyên bố Panmunjom (ngày 27/4) và Tuyên bố Bình Nhưỡng (ngày 20/9), và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần đầu tiên với Tuyên bố chung Singapore ngày 12/6, đã giúp xoay chuyển tình thế khu vực từ “miệng hố chiến tranh” sang đối thoại và hòa hoãn, mở ra hy vọng về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hoá, hoà bình, thịnh vượng.
2.Mỹ – Trung Quốc “so găng” thương mại: Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với các đòn thuế quan trả đũa lẫn nhau đã tác động mạnh tới hoạt động thương mại, kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu; lan sang các lĩnh vực khác như công nghệ, ngoại giao, quân sự…, phản ánh sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa hai bên.
3.Đàm phán Brexit đầy chông gai: Tương lai Bretxit vẫn khó đoán định và kịch bản Anh rời liên minh Châu Âu (EU) không thoả thuận vẫn bỏ ngỏ mặc dù ngày 25/11, Anh và EU đã thống nhất dự thảo thoả thuận Brexit, định hình tương lai hai bên.
4.APEC lần đầu không ra được tuyên bố chung: Các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ngày 18/11 đã không thể đưa ra được tuyên bố chung tại hội nghị cấp cao lần thứ 26 diễn ra tại Papua New Guinea, trong bối cảnh hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc chia rẽ sâu sắc về vấn đề thương mại và đầu tư. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị cấp cao APEC không thể đưa ra được một tuyên bố chung chính thức.
5.Quan hệ Nga – phương Tây căng thẳng: Quan hệ Nga – Mỹ và phương Tây gần như rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm sau vụ điệp viên hai mang người Nga Skripal bị ám sát ở Anh, Mỹ mở rộng điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử 2016… Mỹ gia tăng hàng loạt các biện pháp trừng phạt Nga, trong khi Nga cáo buộc đây là chiến dịch hòng làm mất uy tín và cô lập Nga.
6.Giải cứu thành công đội bóng đá trẻ em Thái Lan: Chiến dịch cứu hộ phức tạp nhất trong lịch sử Thái Lan đã thành công khi ngày 10/7, toàn bộ 12 cầu thủ nhí và huấn luyện viên đội bóng đá thiếu niên Thái Lan đã được đưa ra an toàn sau 18 ngày mắc kẹt trong hang sâu Tham Luang, miền bắc Thái Lan. Để thực hiện chiến dịch cứu hộ này, Thái Lan đã huy động gần 100 thợ lặn, lực lượng đặc nhiệm, chuyên gia trong và ngoài nước cùng sự trợ giúp về chuyên môn của nhiều quốc gia. Dù vậy, một thành viên của đội cứu hộ hy sinh khi lặn trong hang ngập sâu để giải cứu các em nhỏ.
7.Chiến thắng ngoạn mục của ông Putin và ông Tập: Hồi tháng 3, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc cùng tái đắc cử. Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin tái đắc cử với số phiếu ủng hộ áp đảo là 76%. Đây là nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 của ông. Ở Trung Quốc, quốc hội nước này đã nhất trí bầu ông Tập Cận Bình làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ 2 với số phiếu ủng hộ tuyệt đối. Điểm đáng chú ý là, trước khi bầu cử diễn ra, hiến pháp của Nga và Trung Quốc đã có những sửa đổi quan trọng. Theo đó, ở Trung Quốc, hiến pháp mới không còn quy định nhiệm kỳ của Chủ tịch nước không được vượt quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Tại Nga, hiến pháp sửa đổi cũng kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống từ 4 lên 6 năm.
8.Những thảm họa động đất, sóng thần ở Indonesia: Trận động đất mạnh kèm theo sóng thần xảy ra ngày 28/9 tại đảo Sulawesi và đợt sóng thần do núi lửa Anak Krakatoa phun trào ngày 22/12 tại Eo biển Sunda giữa hai đảo Sumatra và Java (Indonesia) đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 2.370 người, làm hơn 1.400 người bị thương và khoảng 5.130 người mất tích. Trước đó, vào cuối tháng 7 – đầu tháng 8, tại đảo Lombok đã xảy ra hai trận động đất mạnh 6,4 và 7 độ, làm trên 400 người thiệt mạng, san phẳng hàng chục nghìn ngôi nhà, đền thờ và khiến khoảng 20.000 người phải đi sơ tán.
9.Biểu tình dữ dội ở thủ đô nước Pháp: Cuộc biểu tình của lực lượng “Áo vàng”, xuất phát từ việc phản đối tăng thuế xăng dầu, đã bùng phát mạnh và lan rộng, sau đó leo thang thành làn sóng bạo loạn tồi tệ nhất ở Pháp trong hàng chục năm qua và lan sang một số nước khác. Làn sóng biểu tình đã bộc lộ sự phân hóa sâu sắc về kinh tế, xã hội ở Pháp, buộc chính phủ của Tổng thống E. Macron phải nhượng bộ.
10.Nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại: Vụ nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị sát hại tại Lãnh sự quán nước này tại Istabul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/10 đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Saudi Arabia với các đồng minh phương Tây, làm sa sút uy tín của Saudi Arabia tại khu vực.
Trong nước
1.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước: Với số phiếu tán thành gần như tuyệt đối, tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội khóa XIV đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2.Hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội: Việt Nam tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu kinh tế – xã hội do Quốc hội đề ra. GDP dự kiến tăng trưởng hơn 6,8%; xuất siêu đạt mức kỷ lục hơn 6,89 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư nước ngoài hơn 19 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; 132.000 doanh nghiệp thành lập mới; cả nước đón gần 15,6 triệu lượt khách quốc tế… Đây là năm thứ ba liên tiếp lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%. Các chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành linh hoạt, đáp ứng yêu cầu về vốn của nền kinh tế.
3.Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP: Ngày 12-11-2018, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan đã được phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV. CPTPP được coi là hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba thế giới hiện nay và sẽ được thực thi từ năm 2019. Hiệp định sẽ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, cải cách chính sách theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn.
4.Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt từ trung ương đến cơ sở: Nhiều vụ tham nhũng quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và đưa ra ánh sáng. Các đối tượng sai phạm dù là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, tướng lĩnh lực lượng vũ trang hay cán bộ quản lý các cấp… đều bị xử lý, kỷ luật nghiêm minh, làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin trong nhân dân.
5.WEF ASEAN – Việt Nam trở thành tâm điểm thế giới: Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất trong năm 2018 do Việt Nam tổ chức, từ ngày 11-13/9/2018. Với sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế thế giới và gần 1.000 đại biểu đến từ các Tập đoàn đa quốc gia, WEF ASEAN 2018 được đánh giá là hội nghị thành công nhất trong 27 năm tổ chức hội nghị tại khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, WEF ASEAN thành công trên mọi phương diện đã đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của khu vực và thế giới.
6.Ban hành Nghị quyết nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh: Nghị quyết 36-NQ/TW được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII ban hành ngày 22/10/2018, với tầm nhìn đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, các ngành kinh tế biển có sự phát triển đột phá, đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; 28 tỉnh, thành phố ven biển đóng góp 65-70% GDP.
7.Phát hiện việc gian lận điểm thi trên quy mô lớn: Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, việc gian lận điểm thi đã bị phát hiện tại các hội đồng thi: Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình… gây chấn động dư luận. Cơ quan an ninh điều tra đã vào cuộc, khởi tố, bắt tạm giam một số đối tượng liên quan để điều tra làm rõ và xử lý theo luật định. Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đó đã tiến hành sửa đổi, hoàn thiện Quy chế thi THPT quốc gia.
8.Bóng đá Việt Nam khẳng định vị thế trong khu vực: Với những kỳ tích vang dội trên đấu trường khu vực: Vô địch Giải bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup); Á quân Giải Vô địch bóng đá U23 châu Á; lần đầu tiên vào đến vòng bán kết Đại hội thể thao châu Á (ASIAD), các tuyển thủ bóng đá quốc gia Việt Nam đã khơi dậy niềm tự hào và tinh thần đoàn kết dân tộc. Những thành tích này có được là nhờ một lứa cầu thủ trẻ được đào tạo bài bản và luyện rèn về đạo đức cùng vị huấn luyện viên trưởng tài năng người Hàn Quốc Park Hang Seo.
9.Việt Nam có ngân hàng mô đầu tiên: Ngày 16/10/2018, Ngân hàng mô đầu tiên của Việt Nam đã khai trương tại Bệnh viện Việt Đức. Đây là địa chỉ tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, cung ứng, trao đổi mô, nhằm mục đích khám chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Ngày 24/12, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Nhi đồng 2 chính thức thông báo đã ghép thành công 6 tạng (1 tim, 1 gan, 2 phổi, 2 thận) cho 5 bệnh nhân từ một người cho chết não.
10.Thời tiết cực đoan, thiên tai bất thường gây thiệt hại nặng nề cho nhiều ngành, địa phương, đơn vị: Thiên tai làm thiệt hại về kinh tế khoảng 20.000 tỷ đồng, làm 218 người chết và mất tích. Mưa lớn không chỉ làm ngập lụt ruộng đồng mà còn khiến nhiều tuyến phố tại các đô thị lớn nhất cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa… ngập sâu, chìm trong biển nước. Hồi đầu tháng 9/2018, mưa lũ đã khiến nhiều tỉnh ở Tây Bắc bị cô lập, sạt lở đường, giao thông ách tắc nghiêm trọng.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/the-gioi-trong-nuoc-nhin-lai-2018-201902011525087578.htm” button=”Theo vinacomin”]