50 năm thành lập, Asean tạo dựng vị trí trung tâm của khu vực; Đại hội XIX đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Trung Quốc; Dấu ấn Việt Nam trong năm APEC; Tăng trưởng đạt cao nhất 10 năm qua; Siết chặt kỷ luật Đảng và kiên quyết chống tham nhũng… mang lại cảm xúc khác biệt và là những dấu mốc quan trọng của năm 2017.
THẾ GIỚI
1. 50 năm thành lập, Asean tạo dựng vị trí trung tâm của khu vực
Năm 2017, Asean kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển. Từ một cơ cấu đối thoại, hợp tác ban đầu với 5 quốc gia sáng lập, Asean 10 thành viên trở thành hạt nhân trong các cơ chế hợp tác khu vực châu Á – Thái Bình Dương, là cộng đồng kinh tế phát triển năng động nhất khu vực. Cũng trong năm nay, Asean và Trung Quốc thông qua khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), khởi động quá trình đàm phán thực chất COC.
2. Đại hội XIX đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Trung Quốc
Trung Quốc tiến hành thành công Đại hội đại biểu lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm xác định vị trí lịch sử và phương hướng phát triển đất nước trong thời đại mới. Đồng chí Tập Cận Bình được bầu lại làm Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng khóa 19, cam kết sẽ hoàn thành các nhiệm vụ do Đại hội đề ra, phát triển các kế hoạch mới cho tương lai của Trung Quốc, góp phần xây dựng đất nước thịnh vượng và vững mạnh hơn.
3. Khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên bị đẩy lên nấc thang mới
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng với hàng loạt vụ phóng thử tên lửa đạn đạo có khả năng vươn tới các vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, đặc biệt là vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Bình Nhưỡng vào ngày 3/9/2017. Trong năm 2017, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua 4 nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Tuy nhiên, việc giải quyết hồ sơ tên lửa – hạt nhân Triều Tiên vẫn bế tắc.
4.Mỹ rút khỏi nhiều cam kết toàn cầu, định hình chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Ngày 20/1, nước Mỹ có 1 vị tổng thống mới. Trong năm cầm quyền đầu tiên, thực hiện khẩu hiệu tranh cử “Nước Mỹ trước tiên”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những quyết định mang tính đảo ngược đối với hàng loạt chính sách kinh tế, ngoại giao quan trọng, điển hình là việc rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về ứng phó biến đổi khí hậu, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO); cắt giảm 1/3 chi tiêu ngoại giao và các khoản viện trợ quốc tế; siết chặt kiểm soát nhập cư…
5.Châu Âu đối mặt với bất ổn về an ninh và chính trị
Năm 2017, châu Âu tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn cả về chính trị và an ninh. Các vụ khủng bố, với mức độ nguy hiểm và hình thức khó lường, liên tiếp xảy ra tại Anh, Pháp, Bỉ…; xu hướng ly khai bùng lên tại một số quốc gia mà điển hình là cuộc trưng cầu dân ý trái phép của vùng Catalonia, Tây Ban Nha; những trắc trở trong đàm phán thành lập chính phủ mới tại Đức hay tiến trình đàm phán Brexit đã bộc lộ những mâu thuẫn sâu sắc tồn tại trong lòng châu Âu.
6. Công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel: Bước đi nguy hiểm của Mỹ
Quyết định ngày 6/12/2017 của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem đã khiến dư luận thế giới lo ngại.
7. Kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2010
Với các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Eurozone và Nhật Bản đều phát đi nhiều tín hiệu khả quan, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 3,6% trong năm 2017 và 3,7% năm 2018, cao hơn nhiều so với mức 3,2% của năm 2016. Các thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt khởi sắc.
8. IS thất bại toàn diện tại Syria và Iraq
Cuộc chiến chống tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại Syria và Iraq, với sự can dự mạnh mẽ của Nga và Liên quân quốc tế, đã giành được những thắng lợi quan trọng. Sau hàng loạt chiến dịch trong năm 2017, quân đội Nga tuyên bố đã đẩy lùi hoàn toàn IS khỏi các vùng lãnh thổ của Syria. Tại Iraq, IS đã bị đánh bật ra khỏi mọi cứ địa quan trọng mà tổ chức này chiếm giữ suốt hơn 3 năm qua.
9. Các nước Ả rập cắt quan hệ với Qatar
Trung Đông thêm căng thẳng khi ngày 5/6, Arab Saudi, Bahrain, Ai Cập và UAE đồng loạt cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ phiến quân Hồi giáo và nghiêng về phía đối thủ Iran. 10 quốc gia khác sau đó nối gót Arab khiến Qatar bị phong tỏa cả trên không, trên bộ và trên biển. Các nước Arab đưa ra 13 yêu cầu Qatar cần thực hiện để được dỡ phong tỏa nhưng Doha bác bỏ. Qatar tuyên bố sẵn sàng đối thoại nếu có diễn biến tích cực và cáo buộc các nước Arab né tránh đàm phán.
10. Biến đổi khí hậu tăng tốc
Nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu dậm chân tại chỗ. Nhưng tác động của biến đổi khí hậu lên cuộc sống con người tăng tốc. Mực nước biển dâng cao do băng tan nhanh kỷ lục. Cháy rừng diện rộng, và mùa mưa bão dữ dội. Hơn 1.200 người thiệt mạng tại Ấn độ, Nepal và Bangladesh trong mùa mưa năm nay. Và gần đây nhất 240 người thiệt mạng do bão Tembin tại Philippines.
TRONG NƯỚC
1.Vượt khó khăn, hoàn thành tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế – xã hội
Lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế – xã hội do Quốc hội đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế đều đạt yêu cầu đề ra.
2. APEC 2017: Thúc đẩy hợp tác khu vực, nâng cao vị thế Việt Nam
Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Năm APEC Việt Nam 2017 đã thành công rực rỡ, toàn diện cả trên phương diện song phương và đa phương, đề ra những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong giai đoạn mới, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nền kinh tế thành viên APEC, nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
3. Xử lý nghiêm nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực
Năm 2017, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm minh, như vụ Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm xảy ra tại Oceanbank; vụ án Châu Thị Thu Nga và 9 đồng phạm xảy ra tại Công ty Housing Group… cùng hàng loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt, kể cả cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị truy cứu trách nhiệm về hành vi tham nhũng, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, thể hiện rõ không có “vùng cấm” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
4. Ban hành Nghị quyết xác định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân
Ngày 3/6/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày 3/10, Chính phủ ra Nghị quyết số 98/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết trên. Theo đó, Nhà nước sẽ xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả và bền vững.
5.Một số dự án BOT giao thông gây “nóng” dư luận
Năm qua, dư luận xã hội liên tục “nóng” lên trước những bất cập xung quanh một số dự án BOT giao thông, mặc dù chủ trương xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là đúng đắn. Để tháo gỡ những vấn đề nóng liên quan đến dự án BOT giao thông, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong quá trình thực hiện có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì cần phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa đổi.
6.Nghị quyết về tinh gọn hệ thống chính trị đi vào cuộc sống
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, được triển khai mạnh mẽ, tạo chuyển biến bước đầu trong việc tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế; tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ; phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính…
7.Ngành y tế đối mặt với dịch sốt xuất huyết, nhiều sự cố y tế nghiêm trọng
Năm 2017, dịch sốt xuất huyết bùng phát và lan rộng khắp 63 tỉnh, thành phố, khiến 163.600 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 138.327 trường hợp nhập viện, 30 trường hợp tử vong. Cũng trong năm qua, ngành y tế đối mặt với nhiều vụ việc nghiêm trọng: Sự cố chạy thận nhân tạo làm 8 người chết tại Hòa Bình, vụ 4 trẻ sơ sinh bị tử vong tại Bắc Ninh, vi phạm trong quản lý, sử dụng thuốc điều trị ung thư…
8.Thể thao Việt Nam khẳng định vị thế trên đấu trường khu vực, quốc tế
Đoàn thể thao Việt Nam đã xuất sắc đứng ở vị trí thứ ba toàn đoàn với 58 huy chương vàng, 50 huy chương bạc và 60 huy chương đồng tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 29 (SEA Games 29) diễn ra tại Malaysia từ ngày 19 – 31/8/2017.
9.Kỷ lục về bão lũ và thiệt hại thiên tai
Năm 2017 ghi nhận là năm kỷ lục về số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới với 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản (375 người chết và mất tích, 636 người bị thương, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất khoảng 51.590 tỷ đồng). Riêng cơn bão Damrey (bão số 12) đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ trong tháng 11 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (gần 1 tỷ USD).
10. Thêm hai di sản của Việt Nam được UNESCO vinh danh
UNESCO đã đưa hát Xoan Phú Thọ và nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong đó, hát Xoan Phú Thọ được UNESCOchuyển từ danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang danh mục di sản trên nhờ những nỗ lực to lớn trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy di sản này suốt 6 năm qua.
[odex-source url=”http://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/the-gioi-trong-nuoc-dau-an-2017-201802131543285566.htm” button=”Theo vinacomin”]