Trong chuỗi bài về các nhân vật phục vụ số đặc biệt 80 năm này, tôi được phân công đảm nhận một nhân vật có tầm ảnh hưởng trong lịch sử phát triển của Tập đoàn. Đó là Nguyên Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Long. Nghe danh bác từ lâu, cộng với việc đọc trước một số bài viết về bác trước đó, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần, rằng mình chuẩn bị gặp một vị lãnh đạo lão thành nên mọi lời ăn tiếng nói phải chuẩn chỉ, khuôn phép. Sau khi bấm chuông, tiếng cổng sắt kẽo kẹt vang lên. Một bác trai mái tóc đã bạc như sương, khuôn mặt hiền từ, đôn hậu, vận chiếc áo sơ mi trắng với quần vải đen giản dị. Đó chính là bác Nguyễn Văn Long. Bác đón tôi bằng tiếng cười niềm nở: “Cháu đến rồi đấy à? Mời cháu vào nhà”.
Trong không gian yên tĩnh và ấm cúng của phòng khách, bác vừa pha trà, vừa chia sẻ với tôi những kỷ niệm đáng nhớ ngày trước. Bác kể tôi nghe nhiều kỷ niệm, từ những ngày cứu mỏ Vàng Danh trong những năm khốn khó cho đến những năm tháng “song kiếm hợp bích” cùng bác Kiển trong vai trò cốt cán của Tập đoàn ngày ấy. Trong số đó có một câu chuyện kể về một quyết sách quan trọng, đánh dấu sự ra đời của tổ hợp Than – Điện Na Dương. Ở thời điểm những năm cuối thế kỷ XX, một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là xây dựng các Tổng Công ty thành các Tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh đa ngành. Trong điều kiện vốn doanh nghiệp có hạn, cán bộ chủ yếu là cán bộ mỏ, địa chất, trắc địa, khai thác… mà phải tiến hành hợp tác với nhau thì kinh doanh đa ngành là một vấn đề rất khó. Muốn kinh doanh đa ngành thì phải có vốn, lấy lợi nhuận từ sản xuất than làm nền tảng. Cùng với đó là phải đào tạo nguồn nhân lực, từ những anh em làm than mà nay phải hiểu biết về điện, xi măng, VLXD… Điểm mấu chốt là, than sản xuất ra có nhiều loại. Trời phú cho ta mỏ than trù phú, nhưng nhu cầu trên thị trường lại khác nhau. Nhiều loại than không phù hợp như khó đốt, nhiều lưu huỳnh, lại khó tiêu thụ như ở Na Dương. Họ chỉ chọn than tốt, than đẹp mà mua. Tình hình đó đặt Mỏ than Na Dương đứng bên bờ vực thẳm. Phải làm gì để tận thu triệt để nguồn tài nguyên này cho đất nước? Làm gì để tạo ra hiệu quả xã hội? Từ đây, chiến lược làm thế nào để đưa than ít dùng đó vào sử dụng, tạo ra hiệu quả cho xã hội bắt đầu xuất hiện trong đầu những vị lãnh đạo bấy giờ mà đi đầu là TGĐ Đoàn Văn Kiển. Ý tưởng xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng chính sản phẩm từ mỏ Na Dương bắt đầu hình thành. Chủ tịch Nguyễn Văn Long đã nhận ra tầm quan trọng của chiến lược nên rất tán thành quan điểm: Là doanh nghiệp, sống và làm việc trên đất nước, ngoài việc tạo ra lợi nhuận còn phải có nghĩa vụ xã hội, phải tạo ra nguồn lực cho xã hội. Do đó, trên cương vị Chủ tịch HĐQT, bác càng ủng hộ chiến lược táo bạo này của bác Kiển TGĐ. Việc tạo thêm một nhà máy là giải quyết thêm hàng nghìn việc làm cho công nhân thất nghiệp. Tạo ra việc làm tức là tạo ra sự ổn định xã hội. Với quyết tâm cao và những nỗ lực không mệt mỏi, sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, nhà máy Nhiệt điện Na Dương đã được khởi công xây dựng và đi vào hoạt động. Những năm đầu vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của số ít người chưa hiểu về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của Dự án nhà máy điện Na Dương, thêm vào đó là vốn liếng khó khăn cùng nguồn lực không chuyên, tưởng chừng như mọi cố gắng là vô ích. Nhưng càng về sau, chiến lược này càng mang lại hiệu quả rõ rệt. Với tiêu chí “Muốn làm được thì phải học”, bằng nhiều giải pháp phát huy nội lực của ban lãnh đạo, kết hợp mạnh dạn đầu tư trên nền tảng lợi nhuận từ ngành Than và đào tạo đội ngũ cán bộ từ than sang điện cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác, từ 100MW, 200MW, một tổ, hai tổ máy… đến nay, ta đạt công suất cả 1000MW, biến điện từ tổ hợp Than – Điện thành một ngành độc lập được Tập đoàn chú trọng phát triển. Tiếp nối thành công của nhiệt điện Na Dương, hàng loạt nhà máy điện khác của ngành Than như Sơn Động, Cao Ngạn, Cẩm Phả, Đông Triều, Nông Sơn… lần lượt được xây dựng với tổng sản lượng điện hàng năm lên đến gần 10 tỷ kWh. Từ chỗ không có điện đến có ít nhiều, mà nay phát triển cùng Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí, góp phần cung cấp đủ điện cho ngành kinh tế – Đó là một thành công lớn và đáng tự hào. Không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, ngày nay thị trấn Lộc Bình trên vùng cao xứ Lạng – nơi nhà máy nhiệt điện Na Dương đang ngày đêm rực sáng, nhiều trường học, đường xá, khu dân cư mọc lên đẹp đẽ, cuộc sống người dân ổn định hơn. Đây là một kết quả đáng mừng của chiến lược đồng lòng quyết chí đưa điện vào than. Quyết tâm dám nghĩ, dám làm của đội ngũ lãnh đạo kết hợp với niềm tin và sự đồng lòng của tập thể cán bộ công nhân Tổng Công ty đã đem lại kết quả vượt ngoài mong đợi.
Sau những câu chuyện bác kể, tôi nhận thấy, dù ở cương vị nào, khi góp những thành quả to lớn đáng ghi nhận trong sự phát triển của Tập đoàn, bác chưa từng nói đó là do công sức của mình. Lần nào bác cũng nhấn mạnh: Đó là sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể cán bộ, công nhân viên toàn Tổng Công ty. Giọng nói trầm ấm nhưng đầy nội lực, mỗi câu chuyện bác kể như một cuốn phim tua chậm sống động, hào hùng diễn ra ngay trước mắt tôi. Còn nhớ câu chuyện về Mỏ Vàng Danh bác kể, dù trong khó khăn vẫn đầu tư xây nhà ăn, xây bệnh viện Đa khoa Vàng Thành – Vàng Danh, xây bốn nhà bốn tầng phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho anh em công nhân. Con đường bê tông từ trục đường chính vào khu tập thể 314 hai bên trồng bằng lăng và phượng vĩ xen lẫn nhau trên con đường đó. Bác kể chuyện Anh Biển – Cán bộ của Văn phòng Mỏ Vàng Danh mới có mấy câu văn vẫn khiến bác rất cảm động và chia sẻ với một số anh em và các chuyên gia Liên Xô ngày ấy: “Anh đưa em về Vàng Danh, thăm đất cùng người phố Mỏ/ Hoa Bằng lăng chưa độ nở mà sao tím cả trời chiều”. Nó khiến người ta mường tượng ra cảnh trời chiều của Vàng Danh có màu tim tím nên thơ. Kỳ thực, cây bằng lăng mới trồng còn bé, hoa còn chưa có thì lấy đâu ra màu tím. Nhưng vì đất và trời Vàng Danh, vì lòng người Vàng Danh là một nên dẫu cây bằng lăng mới trồng thôi đã tím rồi. Ngoài những văn sỹ, thi sỹ, tìm được một người có tâm hồn cảm động vì cảnh, vì tình đất mỏ như bác thật đáng quý và đáng kính trọng biết bao. Tôi thấy mình may mắn khi đang cảm nhận được “cái vĩ đại trong sự giản dị, khiêm nhường” giữa cuộc sống hiện đại, hối hả hôm nay.
Sau những phút trải lòng, sự thân thiện, cởi mở của bác đã để lại trong tôi cái nhìn đầy thiện cảm. Ở cái tuổi này, khi con người ta đã vui điền viên, bác Long vẫn thiết tha quan tâm đến những vấn đề của ngành Than, vẫn là vị cố vấn đóng góp ý kiến cho ban Lãnh đạo TKV. Cả cuộc đời ăn với mỏ, ngủ với mỏ – Sự nghiệp vẻ vang của bác chính là một tấm gương sáng trong sự nghiệp phát triển ngành Than hôm nay và mai sau.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/thay-trong-su-gian-di-khiem-nhuong-ay-20161112190830032.htm” button=”Theo vinacomin”]