Người “thầy thuốc” mặc áo công nhân ấy là Kỹ sư Hoàng Tiến Văn – Phó phòng Điều khiển sản xuất của Công ty than Nam Mẫu. Anh không chỉ được mọi người biết đến là một kỹ sư giỏi, một thợ lò lành nghề mà còn là một “thầy thuốc” mát tay chuyên làm phúc ở vùng mỏ Quảng Ninh…
Tình cờ gặp anh trong buổi giao ca giữa một đêm đầu mùa hạ. Câu chuyện về nghề than, về đời người thợ lò từ anh cứ như làn gió mát bất tận ùa về xua tan cái nóng oi ả giữa đêm hè vùng than.
Anh tâm sự, anh biết nghề thuốc cũng rất tình cờ. Sinh ra, lớn lên ở Cổ Am (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) rồi đi học Đại học Bách khoa, anh cũng chỉ mong được làm việc bình thường như bao công nhân khác. Thế rồi mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ năm 1987 – ngày anh đi thực tập tốt nghiệp tại công trường của Mỏ than Phấn Mễ (thuộc huyện miền núi Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Tại đây, anh được tiếp xúc với một thầy lang người dân tộc tên là Nông Văn Phương. Sau khi gặp gỡ, chuyện trò, thầy bỗng có thiện cảm đặc biệt và ngỏ ý truyền nghề cho anh. Thầy bảo, nghề này cần nhất là cái tâm, không vì lợi để cứu người, không phải ai cũng học được dù rất nhiều người đến xin được truyền nghề, nhưng rồi thầy đều từ chối.
Nhờ đức tính chăm chỉ và cái tâm luôn hướng thiện, anh đã được thầy truyền dạy cách tìm, chế biến thân lá, củ quả mọc hoang trong rừng thành những bài thuốc quý để trị bệnh cứu người. Ban đầu anh cũng chỉ mong học cách chữa bệnh bằng cây thuốc Nam để phòng thân và cho người thân. Thế nhưng khi đã biết nghề thì không thể làm ngơ trước người bị bệnh được. Ban đầu anh cũng chỉ dám nhận chữa cho anh em công nhân không may sảy chân bị ngã trẹo tay, trật khớp, đau nhức cơ bắp hay chữa rết cắn, rắn bợp… Sau khi chữa cho nhiều trường hợp có hiệu nghiệm, một đồn mười, mười thành một trăm, càng ngày càng có nhiều người tìm đến nhờ anh chữa bệnh. Và cũng từ ấy, anh em công nhân gọi anh là “thầy thuốc mặc áo công nhân” lúc nào không hay! Anh còn nhớ như in, hồi thực tập ở Phấn Mễ, trong 3 ngày, chỉ với bài thuốc Nam, anh đã cứu được 24 người khỏi bệnh sốt rét. Hay anh đã chữa cho 2 công nhân của Công ty than Uông Bí (đơn vị anh từng công tác) bị rắn cắn thoát chết.
Vừa làm mỏ, anh lại vừa tranh thủ tìm đọc các loại sách về thuốc Nam và những căn bệnh thông thường nhưng lại khá phổ biến hiện nay như tiểu đường, sỏi gan, mật, thấp khớp, gút… để chế ra bài thuốc của riêng mình. Sau bao công lao kiên trì tìm tòi, pha chế, đến nay anh đã có được bài thuốc quý chữa trị cho các loại bệnh kể trên. Có thể kể ra vài trường hợp bị bệnh mà Tây y bó tay, nhưng anh đã chữa khỏi hoàn toàn như trường hợp ông Nguyễn Văn Trọng, ông Lê Tiến Hùng Đăng (hiện đang làm việc tại Công ty than Nam Mẫu) bị sỏi thận; chữa rắn cắn cho anh Nguyễn Văn Vũ (con trai ông Nguyễn Văn Minh nguyên Giám đốc Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 2); chữa bệnh hiếm muộn cho anh Phạm Quang Lập (công nhân Công ty than Nam Mẫu) nay đã có con bồng, con bế… Hiện, anh đang điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm cho anh Nguyễn Văn Sáu; tiểu đường cho anh Nguyễn Văn Tứ, chị Phạm Thị Lan; bệnh thận cho cô Nguyễn Thị Thinh (đều là công nhân tại Công ty than Nam Mẫu)… đang có chuyển biến rất tốt.
Ghi nhận khả năng chữa bệnh và những cống hiến của anh, tháng 12 năm 2015, anh được một số Hội viên Hội Đông Y thành phố Uông Bí Quảng Ninh giới thiệu vào sinh hoạt nhằm học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao tay nghề.
Mặc dù rất mát tay với nghề thuốc, song với anh nghề thợ mỏ vẫn là nghề chính. Anh bảo, bốc thuốc chữa bệnh giúp người chứ không đòi hỏi phải bao nhiêu tiền mới chữa. Cho nên, nghề mỏ vẫn là “nồi cơm” chính của anh và cả gia đình. Vì yêu nghề thợ mỏ, anh Văn luôn phấn đấu, rèn luyện để trở thành người công nhân kiểu mẫu, có kỷ luật, làm việc năng suất và có thu nhập ổn định. Còn cái duyên làm thuốc, đó cũng là cái đức để đời cho con cho cháu mai sau!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/thay-thuoc-mac-ao-cong-nhan-201608011703565887.htm” button=”Theo vinacomin”]