Thợ lò lạc quan, vững tin (Ảnh: Phạm Cường)
Từ năm 2017, cơ chế quản lý chi phí đào tạo công nhân kỹ thuật các nghề mỏ hầm lò có nhiều điểm mới – trong đó mấu chốt là chi phí đào tạo thợ lò được kết cấu trong đơn giá tổng hợp khai thác than (mục chi phí sản xuất chung). Chính sự thay đổi căn bản này sẽ góp phần tăng tính chủ động của các đơn vị trong đào tạo nguồn nhân lực, khắc phục tình trạng nhiều đơn vị hiện nay gần như uỷ thác hoàn toàn việc tuyển sinh và đào tạo cho Trường Cao đẳng nghề TKV. Có thể nói, đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết những “bài toán khó” trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của Tập đoàn TKV.
Trên thực tế, từ năm 2016 trở về trước, các công ty hầm lò sẽ ký hợp đồng đào tạo 3 nghề mỏ hầm lò (khai thác mỏ, xây dựng mỏ, cơ điện mỏ) với Trường Cao đẳng nghề TKV theo Quy định tại Quy chế 2441. Sau khi kết thúc năm, Tập đoàn rà soát hợp đồng, kiểm tra kết quả đào tạo theo chương trình đào tạo đã được Tập đoàn phê duyệt để thanh quyết toán kinh phí đào tạo cho các công ty. Tuy nhiên, cơ chế này chỉ phù hợp với giai đoạn trước đây, khi Tập đoàn thiếu nghiêm trọng thợ lò và tập trung đào tạo để bù đắp cho số thợ lò bỏ việc, đáp ứng nhu cầu sản lượng hầm lò ngày càng tăng cao. Đến thời điểm hiện tại, cách làm này không còn phù hợp, tạo ra sự ỷ lại của các công ty, bởi cứ đào tạo được bao nhiêu, Tập đoàn thanh toán bấy nhiêu. Điều đó dẫn đến tình trạng các đơn vị gần như ủy thác hoàn toàn cho Trường Cao đẳng nghề TKV tuyển sinh và đào tạo.
Phát hiện bất cập này, Ban Tổ chức nhân sự đã tích cực phối hợp cùng với Ban Kế hoạch Tập đoàn tăng cường kiểm soát hồ sơ thanh toán chi phí đào tạo của các công ty khi quyết toán khoán phí cuối năm. Do vậy, việc ký hợp đồng và hồ sơ quyết toán đã đi vào nề nếp. Đồng thời, quan trọng hơn – bắt đầu từ năm 2017, Ban Tổ chức nhân sự đã đề xuất và được lãnh đạo Tập đoàn đồng ý là chi phí đào tạo thợ lò được kết cấu trong đơn giá tổng hợp khai thác than để các đơn vị chủ động đào tạo nhân lực cho bản thân đơn vị mình, thay vì cuối năm Tập đoàn quyết toán theo thực tế số lượng học sinh mà đơn vị ký hợp đồng đào tạo với Trường Cao đẳng nghề TKV. Như vậy, nếu đơn vị quản lý tốt lao động, dẫn đến nhu cầu đào tạo ít hoặc quản lý tốt, không để học sinh bỏ học nhiều thì đơn vị tiết kiệm chi phí đào tạo. Ngược lại, đơn vị nào phải đào tạo nhiều do thợ lò bỏ việc nhiều, do học sinh bỏ học nhiều vì thiếu quan tâm đến người lao động, sẽ bội chi chi phí đào tạo.
Do vậy, để hoàn thành kế hoạch tuyển sinh và tiết kiệm chi phí đào tạo, lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên phải thực sự nghiêm túc nâng cao hơn nữa tính chủ động phối hợp với Trường Cao đẳng nghề TKV trong công tác tuyển sinh các nghề mỏ hầm lò, xác định rõ số lượng do doanh nghiệp tự tuyển, số lượng hợp đồng với Trường tuyển. Đồng thời, các đơn vị cần lưu ý sử dụng tối đa lợi thế kênh tuyển sinh là chính người lao động của đơn vị, mặt khác nỗ lực thực hiện thật tốt công tác chăm lo đời sống, thu nhập, điều kiện làm việc, văn hoá ứng xử với người lao động để làm cơ sở tuyên truyền, quảng bá hình ảnh nhằm thu hút người học nghề mỏ…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/thay-doi-co-che-tang-tinh-chu-dong-201704261604262133.htm” button=”Theo vinacomin”]