Một buổi chiều cuối năm, trên chiếc xe gầm cao của Xí nghiệp Địa chất Cẩm Phả, chúng tôi có chuyến đi thú vị lên tổ khoan đang làm việc ở một trong những điểm cao nhất của Cao Sơn, đỉnh +365. Băng qua con đường mỏ ngoằn nghèo, gập ghềnh, qua khai trường của ba “ông lộ thiên” lớn vùng Cẩm Phả, từ xa xa, tháp khoan trên đỉnh cao dần hiện ra. Trái ngược hẳn với không khí ồn ào, nhộn nhịp trên khai trường, những người thợ khoan nơi đây đang cần mẫn, lặng lẽ làm việc giữa một vùng núi rừng
Cùng đồng hành với chúng tôi trong cả chuyến đi là Giám đốc Xí nghiệp Địa chất Cẩm Phả Nguyễn Bá Lượng và Trưởng phòng Kỹ thuật sản xuất an toàn Phan Nhật Thụ. Nguyện vọng của chúng tôi cũng là mong muốn của các anh muốn đưa nhà báo đến tận nơi, “mục sở thị” xem anh em địa chất làm việc ra sao, sinh hoạt và ăn ở thế nào. Quả thực, làm báo ngành Than – Khoáng sản, chúng tôi cũng đã nhiều lần đến thăm thợ khoan địa chất ở khắp nơi từ Tuyên Quang đến vùng đất chiến khu Việt Bắc rồi đất mỏ Quảng Ninh, mỗi lần là mỗi cảm xúc khác nhau nhưng bao trùm vẫn là sự đồng cảm, chia sẻ với những vất vả, nhọc nhằn của những người tiên phong đi tìm tài nguyên.
Đang chỉ đạo sản xuất, chân tay còn bê bết dầu mỡ, anh Đặng Thái Thành – Tổ trưởng Tổ khoan 15 niềm nở đón chúng tôi. “Có các anh, các chị đến thăm, anh em chúng tôi vui lắm. Bởi các tổ khoan hầu hết đều ở những vùng rừng núi heo hút, đường sá đi lại cực kỳ khó khăn nên “khách” lên tận đây thăm xưa nay khá hiếm!” – anh Thành bộc bạch. Nói rồi anh say mê kể về công việc các anh đang làm. Lỗ khoan mà các anh đang thi công là lỗ khoan CGH 171, chiều sâu 770m, được khởi công từ ngày 24/10. So với kế hoạch ban đầu đặt ra thì tiến độ khoan hiện tại khá chậm do địa tầng ở đây phức tạp, rắn, đất đá không ổn định, mất nước, ảnh hưởng bởi công tác nổ mìn của mỏ. Nghe vậy, tôi thắc mắc:
– Liệu các anh có hoàn thành đúng tiến độ được không, cũng sắp hết năm rồi?
– Chắc chắn là được chứ! Từ khi khởi công đến nay chúng tôi mới thi công được khoảng gần 300m do địa chất phức tạp, bình quân mỗi ngày chỉ khoan được bình quân 10 – 12m nhưng từ chiều sâu 400m trở xuống, áp dụng công nghệ khoan mẫu luồn – công nghệ hiện đại thì trung bình 1 ngày sẽ khoan được từ 15 – 20m. Lúc đó tiến độ được đẩy nhanh, chúng tôi luôn quyết tâm hoàn thành lỗ khoan đúng theo thời gian đã định.
– Đã gần 30 năm gắn bó với các công trình khoan, anh đã gặp phải nhiều lỗ khoan khó chưa và đã bao giờ bỏ cuộc?
– Nhiều rồi, đến nỗi không nhớ nổi. Chẳng hạn mới đây là lỗ khoan Giáp Khẩu 93 – lỗ khoan sâu nhất mỏ Giáp Khẩu, điều kiện khó lắm, phức tạp, chương nổ nhưng Tổ vẫn hoàn thành tốt trong 2 tháng 10 ngày hay lỗ khoan lỗ khoan TK 13, chiều sâu đến 1200m lại gặp sự cố kẹt cần nhưng cuối cùng anh em vẫn kết thúc lỗ khoan đúng tiến độ. Nói chung dù khó đến mấy, chúng tôi cũng không bao giờ bỏ cuộc!
Với thợ khoan, ngoài những khó khăn do địa tầng, địa chất phức tạp thì còn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những khắc nghiệt của thời tiết. Chỉ vào chỗ những lán trại tạm bợ, xơ xác bên cạnh tháp khoan, anh Thành chia sẻ, ảnh hưởng của cơn bão vừa rồi đấy! Bão về lật đổ hết lán, bay mái tôn nhà, anh em phải dừng hẳn một ca làm việc. Vì đây là một trong những đỉnh cao nhất của Cao Sơn nên bão mạnh lắm, mặc dù đã che chắn kỹ nhưng vẫn bị thiệt hại. Mấy hôm nay, anh em vừa làm việc vừa đang phải khắc phục dựng lại lán trại. Chưa kể ngày bình thường, nắng nóng đến “cháy da cháy thịt” nhưng mưa rét cũng “buốt người”.
Qua những câu chuyện, chia sẻ của các anh ở Tổ khoan 15, mới hay “bí quyết” giúp các anh “không bao giờ bỏ cuộc” là ngoài sự say nghề, đoàn kết cùng đồng tâm hiệp lực, còn nhờ sự quan tâm sát sao, tạo điều kiện của Xí nghiệp Địa chất Cẩm Phả. Dù lỗ khoan ở xa đến đâu, đường sá khó đi thế nào, lãnh đạo đơn vị vẫn thường xuyên lên đôn đốc, kiểm tra; cung cấp đầy đủ vật tư cần thiết, kịp thời; chăm lo chỗ ăn, ngủ cho thợ khoan. Chẳng thế mà, mặc dù đặc thù nghề khoan vất vả là vậy nhưng những lớp người như anh Thành vẫn bao nhiêu năm gắn bó, bám trụ và luôn coi “máy như nhà mình”.
Trong những thợ khoan chúng tôi gặp hôm ấy có khá nhiều thợ khoan trẻ, hỏi ra thì biết lực lượng này ở mỗi tổ khoan cũng chiếm đến 70 – 80%. Với thế mạnh là nhiệt huyết, sức trẻ nhưng điểm thiếu và yếu ở những thợ trẻ này đó là kinh nghiệm trong công việc, do vậy khi sắp xếp trong một ca sản xuất, tổ trưởng bao giờ cũng phải linh hoạt, đan xen cả thợ già – thợ trẻ để cho anh em học hỏi kinh nghiệm, nhanh chóng trưởng thành trong nghề. “Cũng phải tính chuyện đào tạo một lớp thợ mới giỏi nghề, có kinh nghiệm để thay thế cho thế hệ chúng tôi những người đã hai ba mươi năm làm nghề chứ!” – anh Thành nói.
Với nụ cười tươi, Lê Quang Dũng – một thợ khoan trẻ vui vẻ trò chuyện, lúc đầu khi đi học nghề khoan ở Trường Cao đẳng công nghiệp Phúc Yên cũng chưa hình dung được công việc lại vất vả đến thế. Đến khi đi làm rồi chúng em mới “ngấm”. Nhưng dần dần cũng quen hết chị ạ! Đã chọn nghề thì phải yêu nghề thôi. Mới lại, khi làm những gì chưa biết, chưa hiểu đều được các anh, các chú chỉ bảo tận tình nên chúng em tự tin hơn nhiều. Đồng quan điểm và cũng là lớp thợ trẻ như Dũng, thợ khoan Nguyễn Thành Công bộc bạch: “Em sinh năm 1989, mới vào đây làm được 2 năm. Công việc có những khó khăn riêng, điều kiện ăn ở lại thiếu thốn nhiều thứ nhưng đi làm cũng có nhiều niềm vui. Nhất là khi hoàn thành một lỗ khoan mà phải qua nhiều gian nan, nhiều sự cố. Em còn nhớ như in những lỗ khoan kỷ niệm đó như LK TL 71 hay LK MD 295 v.v.”. Công bắt tay chào chúng tôi để tiếp tục công việc và vẫn là nụ cười tươi ấy.
Khi chúng tôi hỏi anh em có biết những khó khăn trong năm nay của đơn vị cũng như Tập đoàn không, đều nhận được cái gật đầu của mọi người. Bởi mặc dù làm việc ở những vùng sâu, vùng xa nhưng thông qua các cuộc họp rồi qua phương tiện thông tin đại chúng, anh em đều nắm bắt được. “Lương của chúng tôi cũng trực tiếp bị giảm so với trước nhưng tư tưởng anh em không bị dao động bởi cả Ngành như vậy, mình cũng phải biết chia sẻ chứ!” – anh Thành khẳng định.
Đoàn chúng tôi lại lên chiếc xe gầm cao trở về Xí nghiệp. Chia tay các anh thợ khoan trong sự tiếc nuối, bùi ngùi vì vẫn còn nhiều lắm những điều chưa nói hết. Chúng tôi thầm hứa, cái “nợ” ấy sẽ được trả trong một ngày không xa. Trên con đường mỏ gập ghềnh, nhìn xa xa, tháp khoan đã lên đèn, trời rét căm căm. Vậy là, các anh lại tiếp tục cần mẫn, lặng lẽ bên cần khoan trong giá rét!.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/thap-khoan-tren-dinh-365-cao-son-3708.htm” button=”Theo vinacomin”]