Tục tảo mộ và thờ cúng gia tiên trong khoảng thời gian tiết thanh minh từ lâu đã trở thành một phong tục tập quán tốt đẹp của người dân Việt. Gia đình những người thợ mỏ cũng vậy.
Ngay từ ngày 16 tháng 2 âm lịch, gia đình của anh Đỗ Phong đã sửa soạn lễ lạt, gồm một số đồ vàng mã, vài chiếc bánh tài, đĩa xôi, đĩa giò và vài hộp bánh kẹo, sẵn sàng để lên đường về quê làm thanh minh. Tuy đã sinh sống 2 đời ở Cẩm Phả, nhưng bởi quê gốc ở tận Đông Hưng, Thái Bình nên năm nào anh cũng báo nghỉ với Phân xưởng trước để về quê thăm họ hàng và viếng mộ tổ tiên. Chỉ sau 3 tiếng rưỡi, gia đình anh đã về tới nơi chôn nhau cắt rốn. Sau khi hoàn thành các thủ tục chào hỏi, hương khói tại nhà, cả gia đình anh rồng rắn đưa nhau ra đồng. Không khí ở miền quê thanh bình, nắng vàng nhẹ, đưa hương mùi lúa đang trổ xanh mượt. Có lẽ cũng bởi thời tiết chiều lòng người nên không chỉ riêng nhà anh Phong mà rất nhiều gia đình khác cũng về thăm quê cha đất tổ trong hôm ấy. Những chiếc xe Innova rồi Vios cứ nối đuôi nhau đậu trên con đường nhỏ cạnh nghĩa trang, mang theo cơ man là đồ lễ.
Đến được vị trí đặt phần mộ của dòng họ mình, vợ chồng và anh chị, con cháu trong gia đình anh Phong nhanh tay soạn đồ lễ đã chuẩn bị, thắp những nén hương nghi ngút và chắp tay khấn trước ông bà tổ tiên, mong cho đại gia đình một năm mới mạnh khỏe, bình an.
Khác với gia đình anh Phong, gia đình chị Nguyễn Thị Hiền không phải đi quá xa để tìm về quê cha đất tổ. Mẹ chị mới mất được 2 năm nay, phần mộ nằm tại khu vực Nghĩa trang Miền đông cách phường Mông Dương không xa, chị cùng các anh chị em đã sớm lên kế hoạch để thăm mộ mẹ và dọn dẹp cỏ cây xung quanh. Về phần chuẩn bị cơm cúng tại nhà, chị cũng đã giao cho người em út chịu trách nhiệm đi chợ, nấu nướng. Sau khi thăm mộ mẹ, tất cả các anh chị em, các cháu trong nhà sẽ cùng trở về khu lăng mộ của gia đình, nơi được bao bọc bằng những hàng tre, hàng dóc xanh mát, vút cao để dâng hương hoa, bánh kẹo, thịt, xôi đến các cụ, các ông bà đã khuất. Xong xuôi mọi việc, mọi người sẽ dùng cơm và nhanh chóng trở lại công việc thường ngày.
Không chỉ khắp các nghĩa trang trên vùng mỏ Quảng Ninh mà ở bất cứ đâu, vào những ngày này đều nghi ngút hương khói. Đã đi vào trong tiềm thức mỗi người, thời khắc tiết Thanh Minh ghé đến cũng là lúc những người còn sống tưởng nhớ đến những người đã khuất trong gia đình, cùng nhau quây quần bên mâm cơm sum họp sau cả năm trời cách xa. Dẫu công việc có bộn bề, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” ấy vẫn cứ thôi thúc trong mỗi người. Câu thơ Kiều tồn tại hàng trăm năm qua như khéo nhắc nhở ta về công ơn dưỡng dục, sinh thành của những người đi trước: “Thanh minh trong tiết tháng ba….”
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/thanh-minh-trong-tiet-thang-ba-201805031624584713.htm” button=”Theo vinacomin”]