Do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, năm nay việc triển khai thực hiện kế hoạch SXKD của các đơn vị Vinacomin trên địa bàn Quảng Ninh gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trước tình hình ấy, Tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc, tức thì cùng Trung tâm Điều hành sản xuất than tại Quảng Ninh tìm giải pháp tháo gỡ trên tinh thần “Than với Tỉnh là một”.
Theo phản ánh của các đơn vị trong Tập đoàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, hiện tại Vinacomin có 6 nhóm vướng mắc chủ yếu khi thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2011 và các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cần được tháo gỡ như: vấn đề giải phóng mặt bằng; cấp, giao đất; thu mua than tồn; phương án quản lý, xử lý khai thác than trái phép; cấp phép khai thác, thăm dò; cơ chế phối hợp giữa địa phương với các đơn vị ngành Than đứng chân trên địa bàn.
Cụ thể, việc giải phóng mặt bằng một số hộ dân tại phường Hà Tu để mở rộng, nâng công suất cũng như triển khai dự án khai thác than hầm lò của Công ty CP Than Núi Béo đang gặp vướng mắc thực sự, làm chậm tiến độ triển khai dự án; hạng mục ga Lán Tháp của Công ty Kho vận Đá Bạc; việc mở rộng sản xuất của Công ty Than Hòn Gai và các vấn đề liên quan đến xác định nguồn gốc đất, thu mua than tồn, than trôi, than phát mại, than khai thác trái phép trong ranh giới của một số mỏ …
Nhiều biện pháp tháo gỡ tức thì
Sau khi nghe ý kiến phát biểu, phân tích của các sở, ngành, địa phương liên quan, đồng chí Đỗ Thông – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao đổi cụ thể về những ý kiến đề xuất, kiến nghị của ngành Than, yêu cầu các ngành chức năng và địa phương cần giải quyết dứt điểm trong tháng 8 này để các đơn vị hoạt động suôn sẻ. Với các vấn đề khác cần tham mưu, báo cáo chi tiết để UBND tỉnh phê duyệt, lập quy hoạch xin ý kiến chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.
Đối với vướng mắc trong việc cấp, giao đất cho các đơn vị ngành Than, trong tháng 8, Văn phòng UBND tỉnh sẽ làm việc với Thường trực HĐND tỉnh để sớm có trả lời về vấn đề này. Về những khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, đồng chí Đỗ Thông yêu cầu, TP Hạ Long, TP Uông Bí, huyện Đông Triều phải giải phóng xong mặt bằng, tạo mặt bằng sạch đảm bảo cho nhu cầu xây dựng, sản xuất kinh doanh của ngành Than trên địa bàn. Để có thể thu mua triệt để nguồn than tồn, than phát mại, Tập đoàn và các địa phương cần đưa ra giá hợp lý trong việc thu mua than trên cơ sở hài hòa lợi ích kinh tế giữa hai bên.
Với các dự án xây dựng, thăm dò, mở rộng sản xuất kinh doanh của các đơn vị thuộc ngành Than, cụ thể đối với việc quy hoạch cụm cảng Làng Khánh, đề nghị Tập đoàn cần lập quy hoạch, xác định cụ thể công suất của cảng sao cho phù hợp với sản lượng khai thác của ngành trong thời gian tới. Đồng chí Đỗ Thông nhất trí cao với phương án di chuyển nhà máy sàng tuyển than Hòn Gai đến vị trí mới ở bãi thải Nam Lộ Phong, phường Hà Tu.
Chung sức cùng phát triển
Cũng tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, trong năm 2011, do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và lạm phát tăng cao cũng như các yếu tố bất lợi khác, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của tỉnh trong 7 tháng đầu năm mới đạt 7,7%. Điều này đang đặt ra những khó khăn, thách thức trong việc tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) là 13% trong năm nay. Vì vậy, việc nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp ngành Than là biện pháp cấp thiết để đạt mục tiêu tăng trưởng của cả Vinacomin và của tỉnh.
Xác định Vinacomin là “nhà đầu tư chiến lược” nên tỉnh Quảng Ninh luôn có sự ưu tiên, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho Tập đoàn triển khai thực hiện chiến lược phát triển SXKD than, gắn với kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than. Sự quan tâm đặc biệt của tỉnh với Vinacomin được thể hiện bằng những chủ trương, việc làm cụ thể như, UBND tỉnh đã duyệt, cấp địa điểm cho Tập đoàn thực hiện nhiều dự án trên địa bàn và tiếp tục phối hợp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án như khu đô thị ngành Than ở phường Hà Khánh, khu dân cư tự xây phường Hồng Hải, khu dân cư lấn biển Cọc 6 Cẩm Phú, khu nhà ở và chung cư Xí nghiệp Than Hà Ráng (phường Quang Hanh), dự án cụm công nghiệp Cẩm Phả, khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Cẩm Thuỷ…
Tỉnh cũng giao cho Tập đoàn quản lý một số đảo trên vịnh Bái Tử Long để phát triển du lịch, xây dựng tuyến đường từ Uông Bí đến cầu Sông Chanh và lập quy hoạch phát triển đô thị phía bắc Uông Bí. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có sản xuất than xây dựng, ký kết và tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp, quản lý, bảo vệ, xử lý khai thác than trái phép với các đơn vị thành viên Tập đoàn trên địa bàn, phối hợp ngăn chặn, xử lý các trường hợp khai thác than trái phép trong ranh giới mỏ theo đề nghị của Tập đoàn.
Về phía Vinacomin, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đều tích cực triển khai những nội dung trong kế hoạch phối hợp với tỉnh. Tập đoàn đã tăng cường quản lý, điều hành các hoạt động SXKD than trên địa bàn theo quy định của pháp luật, huy động đủ lực lượng và hỗ trợ kinh phí để xử lý các trường hợp khai thác than trái phép ngoài ranh giới mỏ. Vinacomin còn tiếp tục đầu tư các công trình bảo vệ môi trường và theo kế hoạch năm nay, tổng chi phí cho công tác bảo vệ môi trường của Tập đoàn là 786 tỷ đồng.
Như vậy, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh và Vinacomin đã thực sự chung tay phối hợp rất tốt trên tinh thần cả tỉnh và Tập đoàn đều hướng tới những mục tiêu chung, trong đó có lợi ích riêng của cả hai phía. Tinh thần “Than với Tỉnh là một” này đang mở ra hy vọng về một động lực mới cho sự phát triển của Tỉnh Quảng Ninh – điểm sáng phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/than-voi-tinh-la-mot-344.htm” button=”Theo vinacomin”]