Ngày 19/04/2019, Công ty than Uông Bí – TKV kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (1979 – 2019). Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi 40 năm qua mặc dù phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách, song các thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân của Công ty đã luôn đoàn kết, không ngừng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh than, góp phần vào sự lớn mạnh của ngành Than Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tự hào 40 năm
Công ty than Uông Bí được thành lập ngày 19/4/1979 theo Quyết định số 20ĐTTCCB của Bộ trưởng Bộ Điện và Than, trên cơ sở sáp nhập Công ty Xây lắp Uông Bí và các mỏ, các đơn vị trực thuộc Bộ như Mỏ than Mạo Khê, mỏ than Vàng Danh, Nhà máy Cơ điện Uông Bí, các Ban kiến thiết Mỏ Vàng Danh, Mạo Khê, Yên Tử… Công ty trực tiếp quản lý toàn bộ các đơn vị sản xuất, xây dựng… của Bộ ở vùng Uông Bí, Đông Triều, để tổ chức thành một liên hiệp sản xuất than và xây dựng mỏ; có trụ sở đóng tại thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh (trụ sở của Công ty Xây lắp Uông Bí). Từ ngày thành lập đến nay, Công ty than Uông Bí trực thuộc Bộ Điện và Than, Bộ Mỏ và Than, Bộ Năng lượng, và sau này trực thuộc Tổng Công ty Than Việt Nam, nay là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Những năm 1979, Công ty có tới hơn 20 đơn vị trực thuộc, bao gồm các mỏ than Mạo Khê, Vàng Danh, Nam Mẫu và các đơn vị xây dựng mỏ và công nghiệp, cơ điện mỏ, vận tải, chế biến than… và các trường đào tạo nghề mỏ, cơ khí, cơ điện mỏ. Lúc cao điểm, Công ty có trên 21 nghìn CNCB và trên 3 nghìn học sinh học nghề. Sau nhiều lần thay đổi tổ chức, Công ty đã xây dựng các mỏ than lớn trên địa bàn và đưa sản lượng than vùng miền Tây lên cao. Nếu thời kỳ đầu thành lập, sản lượng than nguyên khai toàn Công ty chỉ có gần 800.000 tấn thì đến ngày nay, sản lượng than cả khu vực miền Tây (gồm Vàng Danh, Mạo Khê, Nam Mẫu, Uông Bí…) trên 10 triệu tấn; riêng Công ty than Uông Bí đã đạt trên 2 triệu tấn/năm. Công ty cũng đã xây dựng, đào tạo được đội ngũ nhân lực mạnh, giỏi trong quản lý điều hành, có kỹ năng và tâm huyết và nhiều đơn vị kinh tế điển hình, có tiềm lực lớn về quy mô và tài chính, chính là các bộ phận sản xuất, đơn vị thành viên.
Công ty than Uông Bí đã xây dựng nhiều công trình mỏ than hầm lò và công trình kết cấu hạ tầng quan trọng trên địa bàn, tạo cơ sở để phát triển sản lượng những năm sau này của vùng than Uông Bí, Mạo Khê. Thời kỳ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, Công ty gặp khó khăn về vốn, về thị trường tiêu thụ, lực lượng lao động dôi dư nhiều v.v. Sau khi Tổng Công ty Than Việt Nam thành lập, các mỏ than có sản lượng lớn như Than Mạo Khê, Than Vàng Danh, sau này là Than Nam Mẫu được tách ra khỏi Công ty, Công ty lại càng gặp khó khăn hơn về diện sản xuất cũng như nhiều khó khăn khác. Nhưng bằng các biện pháp mở rộng diện sản xuất, đổi mới công nghệ, tổ chức lại sản xuất, nhất là trong quá trình tái cơ cấu lao động, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giỏi và công nhân lành nghề v.v. nên sản lượng than hàng năm tăng nhanh; đời sống công nhân ngày càng được cải thiện, đưa Công ty phát triển mạnh mẽ như ngày nay.
Với những thành tích đặc biệt trong suốt 4 thập kỷ qua, tập thể CBCNV Công ty đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Ðộc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Trong những năm tới, Công ty đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh mức độ cơ giới hóa vào sản xuất nhằm tăng năng suất, công suất các lò chợ; nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo đủ việc làm và nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động, đưa Công ty phát triển bền vững.
Để đạt được mục tiêu trên, Công ty tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính. Thứ nhất, về công tác tổ chức, quản lý điều hành tập trung các giải pháp như: Nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức sản xuất và đổi mới quản trị doanh nghiệp tạo điều kiện tăng năng suất và nâng cao sức cạnh tranh của Công ty; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tăng cường phân cấp quản lý, áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý; nâng cao trình độ quản lý một cách toàn diện, phát triển hệ thống các mối quan hệ, hợp tác, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập và các nhu cầu hợp lý cho thợ lò đáp ứng đủ nhu cầu cho phát triển sản xuất.
Thứ hai, về công tác lao động tiền lương và thu hút lao động, gồm các giải pháp như: Xây dựng các giải pháp cụ thể để bố trí lao động hợp lý, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo hệ số giãn cách tiền lương, khuyến khích lao động ở những khâu công nghệ chính, giảm đến mức tối đa việc tăng lao động phụ trợ, tinh giảm bộ máy gián tiếp, đáp ứng tốt yêu cầu điều hành, quản lý; Tiếp tục chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, ăn ở đi lại cho CNVC, triển khai thực hiện đúng tiến độ các dự án xây dựng nhà ở tập thể cho công nhân lò tại các đơn vị, đặc biệt quan tâm đến công tác vận chuyển đưa đón công nhân đến các hiện trường sản xuất; Xây dựng phương án trả lương cho người lao động và quy chế trả lương cho các đối tượng ngành nghề đảm bảo tính minh bạch, công bằng và đúng quy định…
Thứ ba, nhóm giải pháp về áp dụng công nghệ mới, cơ giới hóa, tự động hóa: Thực hiện đổi mới cơ bản, toàn diện và tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ trong đội ngũ làm công tác kỹ thuật trong Công ty. Tăng cường việc hợp tác với các đơn vị tư vấn, nghiên cứu để thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm nâng cao mức độ cơ giới hóa – tự động hóa trong công tác đào lò, khai thác, vận chuyển và chế biến than nhằm thực hiện các nhiệm vụ chiến lược trong kế hoạch phát triển Công ty. Nghiên cứu đổi mới công nghệ, thiết bị, đẩy mạnh việc chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ công nghệ mới để nâng cao mức độ cơ giới hóa, tự động hóa trong các công đoạn thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển nhằm nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa, giảm tỷ lệ lao động thủ công. Đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển công tác sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, hoạt động khoa học công nghệ phù hợp với yêu cầu mới, bám sát nhu cầu thị trường, của doanh nghiệp và yêu cầu của quy hoạch phát triển ngành Than đã được Chính phủ phê duyệt.
Thứ tư là nhóm giải pháp về quản trị chi phí, tài nguyên, tập trung hoàn thiện hệ thống định mức kỹ thuật công nghệ, cơ điện vận tải sát với điều kiện sản xuất thực tế của Công ty làm cơ sở giao khoán, quyết toán và kiểm soát chi phí nguyên, nhiên vật liệu, động lực và các chi phí khác. Tăng cường công tác kiểm tra hiện trường sản xuất để cùng với các đơn vị đưa ra các hướng thi công hợp lý trong quá trình thi công gặp những vướng mắc do các yếu tố địa chất thay đổi so với kế hoạch dự kiến nhằm giảm thiểu tối đa các mét lò phát sinh ngoài kế hoạch, loại trừ những khu vực than có chất lượng quá xấu đưa vào khai thác. Rà soát điều kiện địa chất để tìm ra phương án công nghệ khai thác phù hợp và tiên tiến nhằm giảm thiểu tổn thất khai thác tài nguyên…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/than-uong-bi-tu-hao-hanh-trinh-40-nam-201904291333379599.htm” button=”Theo vinacomin”]