Chúng tôi đã chứng kiến những khó khăn chồng chất của Công ty than Uông Bí (TUB) hồi đầu năm và không thể ngờ, TUB đã vượt qua khó khăn, thu được những thắng lợi ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.
Ngày áp Tết, tôi đến TUB, gặp những người đã gặp. Họ vẫn vậy, nồng hậu và nhiệt thành. Tuy nhiên, tôi đã thấy những nét mới lạ ở họ: Tôi đã nhiều lần làm việc với anh Nguyễn Quốc Tuấn, Chánh văn phòng TUB. Lần này, tôi bất ngờ khi anh cung cấp số liệu cho tôi mà không cần sổ sách, báo cáo. Hỏi, sao có sự lạ này? Anh bảo, trước, công ty 2 cấp, mỗi lần cần số liệu, phải tập hợp từ các công ty con báo cáo lên; nay thành một mối, mọi diễn biến trong Công ty, Chánh văn phòng nắm hết; các số liệu “nhập tâm” luôn.
Dịp tháng 4, gặp anh Trần Việt Cường, Quản đốc PX K2, tôi đã phỏng vấn anh về tư tưởng CBCN Phân xưởng khi Công ty than Đồng Vông trở thành công trường thuộc TUB. Bây giờ, tôi lại gặp anh, ở nhà giao ca khu Tràng Bạch. Anh Cường cho hay, PX K2 từ Đồng Vông chuyển về Tràng Bạch từ tháng 5/2014. Thời gian đầu, sản lượng rất thấp, có tháng chỉ sản xuất 8 nghìn tấn. Từ tháng 10, sản lượng tăng vọt; có tháng sản lượng tăng gấp đôi. Năng suất, sản lượng tăng nên lương công nhân rất cao. Tháng 12, bình quân 13 triệu đồng/người; nhiều thợ lò thu nhập 18-20 triệu/tháng như anh Lê Văn Tấn; anh Vũ Ngọc Quang v.v. Hỏi, yếu tố gì đẩy năng suất, sản lượng cao? Anh Cường giải thích, yếu tố hàng đầu là quản lý một cấp thông suốt, ít ách tắc; Công ty có nhiều chính sách khuyến khích với thợ lò; đi lại, ăn ở của thợ lò được cải thiện; tư tưởng công nhân ổn định và có cả yếu tố công nghệ.
Anh Trần Thanh Minh là Quản đốc PX Khai thác 3 Tràng Bạch. Trước đây, anh Minh cùng PXKT 3 làm ở Than Hoành Bồ; từ ngày 26/3/2014 chuyển ra Tràng Bạch, vì ở Hoành Bồ diện sản xuất thu hẹp, nay chỉ còn 2 phân xưởng. Anh Minh cho hay, thời ông Lê Viết Hùng (tục danh là ông Hùng Bin – la – Đen, đã quá cố) làm Giám đốc, Than Hoành Bồ gần 1000 CNCB nhưng sản lượng than chỉ có 250 nghìn tấn/năm; bằng sản lượng của 2 PX Tân Dân và Hạ Mi (thuộc Hoành Bồ) hiện nay, với 250 công nhân. Anh Minh cho biết thêm, PX của anh thời gian đầu sang đây sản lượng “phọt phẹt”, nay năng suất tăng gấp đôi. Lương công nhân trước đây chỉ bình quân 8 triệu; tháng 12 vừa rồi đã quyết toán, bình quân 14,3 triệu đồng/người, chưa tính hệ số K. Thu nhập cao nên ít công nhân bỏ việc. PX có 152 người nhưng từ đầu năm đến nay chỉ có 6 người bỏ việc.
Mỗi lần đến TUB, anh Ngô Duy Tân, Phó Văn phòng Công ty là người thường đưa tôi đi công trường tác nghiệp. Lần này, anh còn đưa tôi đi từng phân xưởng, tìm nhân vật, thậm chí còn đạo diễn để tôi chụp ảnh. Hỏi, trước đây anh là Phó văn phòng, nay vẫn vậy. Vậy công việc có gì khác không? Anh bảo, khác chứ, công việc chuyên sâu hơn nên sâu sát hơn, thu nhập cao hơn. Rồi anh kể, tại một cuộc họp, một lãnh đạo Tập đoàn đánh giá “Thắng lợi của Than Uông Bí là không tưởng”. Quả nhiên, những người tôi được gặp đã phần nào cho thấy hiệu quả bước đầu việc tái cơ cấu doanh nghiệp ở TUB.
Và đây, những khó khăn mà TUB đã vượt qua
Trước khi thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, TUB có 7 đơn vị, trong đó có 4 đơn vị sản xuất, chế biến than hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV và ba đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần trực thuộc Công ty mẹ – Công ty Than Uông Bí. Thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, từ 1/4/2014, Công ty than Hồng Thái tách ra khỏi TUB, thành Chi nhánh trực thuộc Tập đoàn; Công ty than Uông Bí quản lý theo mô hình một cấp, trực tiếp từ Công ty đến các phân xưởng sản xuất, là các công ty than Đồng Vông, Hoành Bồ, Sàng tuyển và Cảng. Đối với các công ty cổ phần, sẽ thực hiện thoái hết vốn tại các công ty này theo nguyên tắc bảo toàn vốn Nhà nước, trong đó ưu tiên đối với các cổ đông là CBCN của các công ty cổ phần và Công ty than Uông Bí.
Thợ lò vào ca bằng xe song loan
Mặt khác, khi Than Hồng Thái ra ở riêng, TUB quản lý, khai thác vùng tài nguyên nghèo, điều kiện địa chất vỉa than phức tạp, vỉa dốc, chất lượng than xấu, điều kiện cơ giới hóa gặp khó khăn dẫn tới năng suất lao động, sản lượng khai thác không cao. Hơn nữa, việc tiêu thụ than thành phẩm khó khăn khiến sản lượng than tồn kho của Công ty lên trên 250 nghìn tấn. Ngoài ra, cơ cấu lao động mất cân đối do tỷ lệ lao động gián tiếp, phục vụ phụ trợ cao trong khi đội ngũ thợ lò, cơ điện lại thiếu… Đó là những “gánh nặng” mà Than Uông Bí đang phải đối mặt trong năm qua. Tuy vậy, bằng rất nhiều biện pháp, đến nay, việc tái cơ cấu doanh nghiệp đã thắng lợi to lớn; mọi CNCB đều ổn định tư tưởng, ổn định việc làm; không có đơn thư khiếu kiện gì.
Nhờ ổn định tổ chức nên sản xuất của Công ty ổn định và phát triển. Các chỉ tiêu chính của Công ty đều hoàn thành; trong đó, than nguyên khai đạt gần 1,2 triệu tấn; tổng doanh thu trên 3,2 nghìn tỷ; lợi nhuận từ sản xuất than gần 29 tỷ đồng; gần 4 nghìn công nhân sản xuất than có đủ việc làm với mức thu nhập bình quân trên 9,3 triệu đồng/người/tháng.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/than-uong-bi-thang-loi-khong-ngo-9880.htm” button=”Theo vinacomin”]