Những năm gần đây, Công ty than Uông Bí đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức từ điều kiện sản xuất, tài nguyên ngày càng thu hẹp, cho đến công tác tái cơ cấu doanh nghiệp một cách toàn diện… để vươn lên phát triển mạnh mẽ. Vậy điều gì đã giúp Than Uông Bí làm được như vậy? Câu trả lời có lẽ nằm ở chính phong trào công nhân viên chức Công ty.
Khó không nản…
Ông Bùi Văn Vinh, Chủ tịch Công đoàn Công ty than Uông Bí mở đầu câu chuyện bằng một kinh nghiệm ông rút ra trong thời gian dài làm “nghề Công đoàn” ở nhiều đơn vị, rằng cái gốc chính là ở người lao động. Người lao động đồng thuận thì việc khó mấy cũng xong. Bằng không thì ngược lại. Ông tâm sự, có những thời điểm, nhiều đồng chí lãnh đạo Tập đoàn, các ban hay các đơn vị bạn thật sự thấy ái ngại cho Than Uông Bí vì những khó khăn chồng chất. Diện khai thác của Than Uông Bí trải dài và manh mún, mỗi nơi một chút, trữ lượng thấp, điều kiện địa chất khó khăn, khó khai thác chứ chưa nói đến có thể đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại… Đây cũng là lý do, có những thời điểm, hầu như tất cả các đơn vị trong Tập đoàn đã chuyển sang chống lò bằng thủy lực hóa thì Than Uông Bí vẫn còn một số vị trí sản xuất phải áp dụng chống lò bằng gỗ, do vỉa than mỏng, dốc… Thêm vào đó, một số khu vực chậm được triển khai đầu tư do vùng than Uông Bí có nhiều vị trí nằm gần quy hoạch về rừng phòng hộ, về du lịch tâm linh… Nhiều người đặt câu hỏi, chẳng biết Than Uông Bí sẽ đi về đâu. Nhưng chưa hết, công tác tái cơ cấu doanh nghiệp của Tập đoàn theo chỉ đạo của Chính phủ lại làm cho tâm lý người lao động cũng phần nào ảnh hưởng. Từ việc chuyển từ Công ty hai cấp thành Công ty một cấp, cho đến tiếp nhận sáp nhập đơn vị lớn như Than Hồng Thái lên tới gần ba ngàn lao động. Mỗi lần tái cơ cấu, số lao động ảnh hưởng trực tiếp đến công việc hàng ngày không nhỏ…
Công ty than Uông Bí thường xuyên tổ chức đối thoại, lấy ý kiến đóng góp của người lao động vào hoạt động sản xuất kinh doanh
Đứng trước những khó khăn đó, lãnh đạo Công ty đã luôn chủ động bám sát chỉ đạo, định hướng của Tập đoàn, từng bước nắm bắt tâm tư người lao động để triển khai một cách bài bản. Đảng bộ Công ty xây dựng các nghị quyết, trong đó luôn ưu tiên cho phát triển sản xuất, đồng thời chỉ đạo Công đoàn và các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác tổ chức các phong trào công nhân viên chức hiệu quả. “Tôi cho rằng, một trong những thành công của Than Uông Bí là đã tổ chức tốt phong trào công nhân viên chức, và đáp lại Công ty được người lao động đồng thuận, cùng đứng về một hướng trong những thời điểm khó khăn nhất…” – Ông Bùi Văn Vinh nói.
Khi người lao động hiến kế
Ông Bùi Văn Vinh, Chủ tịch Công đoàn Công ty than Uông Bí cũng cho biết thêm, càng trong khó khăn, lãnh đạo Công ty càng tổ chức nhiều các cuộc đối thoại trực tiếp với người lao động, nhằm vừa nắm bắt được tâm tư người lao động, vừa nghe chính người lao động hiến kế, đóng góp trí tuệ vào xây dựng Công ty. Bởi, suy cho cùng, mục tiêu ổn định, phát triển Công ty cũng là vì người lao động. Thông qua các buổi đối thoại, lãnh đạo Công ty đã được người lao động truyền đạt những điểm mấu chốt trong những khó khăn tại các vị trí sản xuất. Công ty tìm cách khắc phục. Đồng thời người lao động cũng có nhiều sáng tạo để đưa sản xuất đạt hiệu quả hơn. Đây có lẽ cũng là lý do khiến cho phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất của Công ty trong những năm qua phát triển mạnh mẽ. Mỗi năm, Công ty có hàng trăm đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng mang lại hiệu quả lớn, đặc biệt giúp sản xuất từ chỗ khó khăn đã đưa sản lượng và năng suất lao động lên cao. Điển hình như các sáng chế: Chế tạo xe đạp cho công nhân đi lại, vận chuyển dụng cụ lao động trong lò; cải tiến chế tạo máy xúc mini lật hông trong lò; chế tạo máy cào than trong lò thay cho lao động thủ công; chế tạo giá nâng máy khoan, giá nâng vì lò để chống lò; chế tạo máy phun sương dập bụi cục bộ; cải tạo nối thông hệ thống các đường lò để giảm chi phí đi lại, vận tải than, thông gió, thoát nước… Tất cả những sáng tạo đó của người lao động đã làm cho sản xuất hiệu quả hơn, người lao động có thu nhập cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn.
Cùng với đó là sự phối kết hợp chặt chẽ giữa chuyên môn với các tổ chức chính trị đoàn thể, đã tuyên truyền, tổ chức nhiều phong trào thi đua và ban hành nhiều quy chế nhằm khuyến khích người lao động làm tốt chất lượng sản phẩm, thực hiện nghiêm các biện pháp kỹ thuật An toàn – Vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Công ty chi hàng chục tỷ đồng mỗi đợt thi đua như, thưởng công nhân có ngày công cao, năng suất cao, công tác an toàn, vệ sinh công nghiệp cũng như thưởng hoàn thành xuất sắc các mục tiêu thi đua hằng tháng, quý và năm. Thông qua các phong trào thi đua đã góp phần nâng cao niềm tin cho người lao động, giúp cho họ luôn yên tâm gắn bó với công việc.
Bên cạnh đó là các hoạt động văn hóa thể thao góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động như: Giải thể thao gồm các môn Cầu lông, Bóng bàn, Xà đơn, Đẩy gậy, Đập niêu, Bóng đá, Bóng chuyền… đặc biệt là môn Kéo co với hàng nghìn lượt CNVC tham gia thi đấu và cổ vũ. Các hoạt động văn hóa thể thao, đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động, trở thành món ăn tinh thần và là ngày hội văn hóa thể thao không thể thiếu của thợ mỏ Than Uông Bí hàng năm.
Với những nỗ lực của cán bộ, công nhân viên và người lao động thông qua các phong trào công nhân viên chức, Than Uông Bí đã từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, đời sống, việc làm, thu nhập của gần 6 ngàn lao động Công ty không ngừng được nâng cao với mức tiền lương bình quân gần 12 triệu đồng/người-tháng, trong đó thợ lò, thợ cơ điện lò đạt trên 15 triệu đồng/người-tháng…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/than-uong-bi-hieu-qua-tu-phong-trao-cong-nhan-201910211736449316.htm” button=”Theo vinacomin”]