Là đơn vị khai thác than hầm lò ở địa bàn xa trung tâm, sản xuất khai thác hầm lò dưới mức -100, điều kiện địa chất khó khăn, phức tạp. Song, với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, thợ mỏ Than Mông Dương đã luôn đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, vững bước trên con đường xây dựng và phát triển.
“Chìa khóa” để vượt khó
Thợ mỏ Mông Dương
Với Than Mông Dương, việc đẩy mạnh áp dụng CGH và công nghệ mới được coi là những giải pháp then chốt trong sản xuất. Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Công ty Tạ Văn Bền chia sẻ, do khó khăn về điều kiện địa chất, khai thác xuống sâu nên sản lượng than hàng năm của Than Mông Dương chỉ khoảng trên dưới 1,3 triệu tấn. Như năm 2017 vừa qua, Công ty gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến sản xuất, chủ yếu do tình trạng địa chất một số khu vực chuẩn bị khai thác và lò chợ đang khai thác biến động quá lớn phải bỏ diện; quá trình thi công khấu lò chợ gặp đá lại phải tháo giá, đào lò tránh đá. Công ty có 9 công trường khai thác thì có tới 28 lần phải chuyển diện trong năm. Mặt khác, phía trên diện sản xuất của Công ty là các vùng khai thác lộ thiên, khu vực đổ thải làm nước tích tụ thẩm thấu xuống lò nhiều dẫn đến phải huy động bơm nước liên tục, chi phí tốn kém và mất nhiều thời gian. Do vậy, trong mùa mưa thường xuyên có từ 3-6 phân xưởng khai thác và đào lò phải dừng sản xuất do nguy cơ mất an toàn; thậm chí trong quý IV vẫn có 1-2 phân xưởng thường xuyên dừng sản xuất…
Để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch SXKD trong điều kiện khó khăn, Công ty đã có nhiều giải pháp trong sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh CGH và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Lãnh đạo Công ty đã chỉ đạo quyết liệt áp dụng cơ giới hóa trong đào lò bằng máy Combai và khai thác bằng công nghệ giàn mềm ZRY áp dụng cho vỉa dốc, cũng như công nghệ chống neo mang lại hiệu quả cao.
Công ty đã áp dụng công nghệ giàn mềm ZRY từ đầu tháng 3/2017 tại lò chợ số 9, mức -130 – -110. Quản đốc Phân xưởng Khai thác 9 Đinh Công Đệ, cho biết “Trước đây, phân xưởng khai thác chủ yếu bằng công nghệ giá khung ZH1.600/16/24. Từ khi đưa công nghệ giàn mềm ZRY vào khai thác, sản lượng khai thác duy trì ổn định đạt 190 tấn/ngày/đêm. Việc áp dụng công nghệ giàn mềm ZRY so với công nghệ cũ hiệu quả hơn do có thiết kế nhỏ gọn, việc tháo dỡ và lắp đặt nhanh nên tiết giảm thời gian, giảm sức lao động cho công nhân và có mức độ an toàn cao hơn. Hiện, công nhân phân xưởng đã làm chủ các thiết bị giàn mềm ZRY và phát huy hiệu quả, phù hợp trong điều kiện diện khai thác than tại các vỉa dốc của Công ty”.
Đặc biệt, tại hội nghị về áp dụng công nghệ đào chống lò bằng vì neo của Tập đoàn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải đã đánh giá cao Than Mông Dương tuy là đơn vị thực hiện muộn công nghệ chống neo nhưng năm 2017 là một trong 6 đơn vị hoàn thành vượt mức kế hoạch chống lò bằng vì neo. Nếu như năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 đạt thấp thì từ tháng 6/2017, Công ty đã đẩy mạnh thực hiện chống neo và đã hoàn thành 1.145m lò neo, bằng 114,8% kế hoạch, và bằng 636,1% so với năm 2016…
“Ở đây còn sướng hơn ở nhà”
Đó là lời của thợ lò Phan Văn Phương, thợ lò bậc 3/7 Phân xưởng đào lò 5, quê ở Tuyên Quang nói về cuộc sống của những người thợ lò Mông Dương tại Chung cư Công ty. Chung cư 9 tầng này tọa lạc tại trung tâm phố mỏ Mông Dương, được khánh thành và đưa vào hoạt động từ tháng 6 năm 2017 với 96 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho trên 380 công nhân.
Tại một căn phòng trên tầng 4, phòng khá rộng rãi, thoáng mát có 2 phòng ngủ riêng biệt, phòng khách, bếp, nhà vệ sinh khép kín. Thợ lò Phan Văn Phương chia sẻ: “Phòng có 4 anh em đều cùng phân xưởng nhưng mỗi người một quê. Trước đây ở trọ bên ngoài khoảng 500.000 đồng/người/tháng, chưa tính tiền điện, nước mà điều kiện sinh hoạt thì chật chội, thiếu thốn. Từ khi về chung cư mới đầy đủ tiện nghi, chúng em rất vui vì sự quan tâm của lãnh đạo Công ty, giờ mỗi người chỉ phải trả 160.000 đồng/tháng cùng với tiền điện, nước thêm khoảng hơn 100.000 đồng nữa. Với tiền lương bình quân trên 13 triệu đồng/tháng, chúng em còn sắm thêm đủ cả tivi, tủ lạnh, điều hòa, loa máy hát karaoke… Ở như này còn sướng hơn ở nhà anh ạ”.
Cùng đi với chúng tôi, anh Lê Trọng Cường, Phó Chánh Văn phòng, giới thiệu: “Chung cư được trang bị cầu thang máy, bố trí ở 4 người/phòng, mỗi phòng đều được Công ty trang bị đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như: giường, tủ, bàn ghế gỗ, bình tắm nóng lạnh, hệ thống Wifi, truyền hình cáp… Ngoài ra còn có phòng hạnh phúc dành cho vợ con thợ lò ra thăm chồng, có sân bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn… để công nhân vui chơi, tập luyện sau giờ làm việc”.
Song song với đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, việc chú trọng cải thiện điều kiện làm việc và chăm lo đời sống của thợ mỏ để giữ chân người lao động luôn được chuyên môn và Công đoàn Công ty quan tâm chăm sóc. Chủ tịch Công đoàn Công ty Nguyễn Công Tuân cho biết, trong năm qua, mặc dù sản xuất khó khăn nhưng Công ty cố gắng duy trì mức tiền lương bình quân 10,740 triệu đồng/người/tháng, bằng 101,6% so với cùng kỳ. Đồng thời, không ngừng chăm lo cho người lao động một cách tốt nhất. Từ việc cải thiện điều kiện làm việc, đi lại trong lò đều được cơ giới hóa đến việc nâng cao mức ăn và chất lượng bữa ăn ca tự chọn cho thợ lò, sau ca làm việc có nước chè, đậu giải khát. Công ty cũng tổ chức xe đưa đón công nhân đến tận Tiên Yên, Ba Chẽ…
Thợ lò Phan Văn Phương còn phấn khởi cho biết thêm, trước khi về quê ăn Tết, anh em trong tổ, rồi anh em trong phòng sẽ tổ chức bữa tất niên, cùng vui với những thành quả sau một năm lao động và cùng chúc cho nhau một năm mới sức khỏe, gia đình hạnh phúc, và hẹn nhau ra Tết đúng ngày để còn khai Xuân và bước vào sản xuất đạt hiệu quả, an toàn ngay từ những ngày đầu, tháng đầu.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/than-mong-duong-vung-buoc-201802121147591764.htm” button=”Theo vinacomin”]