Sau những ngày nắng nóng gay gắt cuối mùa hạ ở xứ Bắc, bước sang tháng Tám, tiết trời đã ngả sang Thu, nhưng vẫn còn tồn dư những luồng khí nóng oi ả pha trộn với những cơn mưa làm cho con người cảm thấy thời tiết thật khó chịu và mệt mỏi. Như đã hẹn trước, chúng tôi những người thợ mỏ già, những cán bộ cũ của Công ty than III, Công ty than Nội địa, Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc (tiền thân của Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc – Vinacomin ngày nay) đã lên tàu làm một chuyến đi xa vào tận miền Tây tỉnh Quảng Nam để thăm lại mảnh đất Nông Sơn, nơi có mỏ than nằm cạnh dòng sông Thu Bồn thơ mộng nhưng cũng đầy nắng gió, gian khổ của một thời đã qua; để thăm lại những đồng nghiệp cũ đã gắn bó với cuộc đời làm mỏ.
Xe ô tô dừng lại ở đầu cầu Nông Sơn, tất cả mọi người xuống xe đều rất xúc động ngắm nhìn lại cây cầu và tưởng nhớ sự ra đi của 13 cháu học sinh năm xưa đã bỏ mình trên dòng nước hung dữ. Nhớ lại tình cảm của bạn đọc báo Tuổi Trẻ cả nước, của tất cả những người thợ mỏ và nhân dân địa phương đã góp công sức, trí tuệ, tiền của… để xây được cây cầu bắc qua sông. Hồi tưởng lại thời kỳ đầy gian khó, nhìn sang bên kia sông thấy tổ hợp Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn với ống khói vươn cao trên bầu trời thu trong sáng. Mỏ than Nông Sơn trước kia và nay là tổ hợp mang tên Công ty CP Than – Điện Nông Sơn – TKV, nhìn từ xa đẹp như một bức tranh với gam mầu nền nã khắc họa sâu đậm vào dãy núi Trường Sơn trùng điệp chạy qua xứ sở Quảng Nam.
Gần 20 anh, chị em là kỹ sư, cán bộ, nhân viên… trong đó có nhiều người đã từng làm cán bộ quản lý Công ty và đơn vị cơ sở, người cao tuổi nhất đã xấp xỉ tám mươi, người trẻ nhất cũng đã bước vào tuổi sáu mươi. Tất cả mọi người đều có tâm nguyện muốn được trở lại đất mỏ mà mình đã từng gắn bó, chia ngọt, sẻ bùi với những người thợ mỏ Nông Sơn năm xưa, một mỏ than nằm ở vị trí xa nhất Thủ đô và vùng than Việt Bắc, Đông Bắc. Giám đốc Công ty Đặng Quốc Long cùng toàn Ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên văn phòng đi xe qua cầu sang đón, ai cũng cảm thấy thật cảm động khó nói thành lời. Đến Văn phòng Công ty, gặp lại được cựu Thư ký Công đoàn mỏ (nay gọi là Chủ tịch) Phan Ba đã bước vào tuổi xấp xỉ chín mươi, cựu Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Triết, cựu Chủ tịch Công đoàn Mai Xuân Hạ, cựu Kế toán trưởng Phan Văn Nam, Nguyễn Thị Hương, cựu Phó Chánh Văn phòng Bùi Xuân Hiệp…
Sau lời chào mừng và chúc sức khỏe của Giám đốc Công ty Đặng Quốc Long, mọi người đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên về tình người thợ mỏ trong những năm tháng đất nước gian nan.
Hầu hết những anh em trong Đoàn đều có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc với Nông Sơn, với những người thợ mỏ nơi đây. Tất cả đều có một mong muốn được trở lại thăm những người bạn thân thiết đã gắn bó một thời gian dài trong ngôi nhà chung Công ty than III, Công ty than Nội địa, Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc – TKV. Nhiều cán bộ lãnh đạo tuổi cao, sức yếu như bác Phan Huy Trác, Đào Thẩm, Nguyễn Ngọc Thảo… cũng muốn tham gia nhưng sức khỏe không còn cho phép!
Nhớ lại những năm thập kỷ bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước, thợ mỏ từ miền Bắc vào xây dựng mỏ, sau đó cán bộ công nhân lại quay ra Bắc để được đào tạo thành cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật cao… nhiều người nghèo lắm, tiền ít, gạo không, phải tá túc tại nhà khách của Công ty. Giám đốc Công ty Nguyễn Châu, sau là Đoàn Văn Kiển, Kế toán trưởng Vũ Minh Chính… đã cho vay tiền để cán bộ, công nhân Nông Sơn ăn, học, chữa bệnh ngoài Bắc. Khi có những mặt hàng công nghệ phẩm được mua bằng tiền “than nhặt”, Nông Sơn đã nhường lại số phích đựng nước nóng lại cho khối Văn phòng Công ty Than III để cho mỗi người được đủ một chiếc. Những chuyến xe ra Bắc, Nông Sơn lại mua giúp cho Văn phòng hàng trăm chiếc lốp xe đạp do Đà Nẵng sản xuất để mọi người có xe đi làm. Ngày đó ở Hà Nội, phụ tùng xe đạp phải phân phối, khoảng 10 người mới có được một chiếc Sao Vàng, nên lốp xe từ Đà Nẵng ra mọi người coi như tài sản quý…
Biết bao lâu mới có cơ hội gặp lại nhau, ai cũng có nhiều kỷ niệm để nhớ, ai cũng muốn kể lại cho thế hệ hôm nay về những tình cảm và tấm lòng của những lớp thợ mỏ năm xưa. Họ sống với nhau trên hết ở nghĩa tình người thợ, cao cả, nhân văn, biết hy sinh vì nhau mặc dù xa xôi, cách trở. Mỗi bước đi của thế hệ hôm nay trên con đường vào cầu sang mỏ đều có những đồng tiền lương, tiền thưởng, tiền phúc lợi của công nhân, cán bộ từ Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang… thuộc vùng than Việt Bắc đóng góp tạo dựng. Những kỷ niệm của quá khứ đã được ôn lại để mọi người cảm thấy tự hào, trân trọng, biết ơn lớp người đi trước. Nghĩa tình xưa đã trở thành “tài sản” quý của các thế hệ đã đi qua gắn kết và truyền lại cho lớp trẻ hôm nay.
Điều đặc biệt phấn khởi xen lẫn chút tự hào khi nghe Kỹ sư Đặng Quang Long – Giám đốc Công ty – thông báo, mỗi năm Công ty vẫn khai thác gần 150 nghìn tấn than, sản xuất từ 160 đến 180 triệu kWh điện, tiêu thụ hết 130 nghìn tấn than. Năm 2017, Công ty lãi 1,8 tỷ đồng, năm 2018 lãi 14 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2019 này đã có lãi 13 tỷ. Thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân từ 10 đến 11 triệu đồng/người-tháng. Công ty đóng góp cho ngân sách địa phương năm 2018 là 41 tỷ đồng, dự kiến năm 2019 sẽ đóng góp 46 tỷ đồng.
Điện của Nông Sơn do những người thợ mỏ Việt Nam làm ra đã thắp sáng cả một vùng núi, rừng, sông, nước miền Tây xứ Quảng, giúp cho tỉnh Quảng Nam là một tỉnh nghèo phát triển công nghiệp, đưa ánh sáng văn minh của Đảng và Nhà nước đến với đời sống người dân từ vùng núi, đồng bằng đến thành phố… Điện Nông Sơn cũng đã thắp sáng cả một phần bờ sông Thu Bồn thơ mộng, nơi đi vào lịch sử văn học nước nhà trong kháng chiến và thời kỳ đất nước đổi mới, liên tục phát triển…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tham-lai-nong-son-201910161556333749.htm” button=”Theo vinacomin”]