Tết Nguyên đán là tết cổ truyền, rất quý rất cần những cảm xúc hồi cố, nhớ lại nếp xưa mà bâng khuâng với hồn dân tộc. Bài viết này muốn tìm về những đổi thay, những phong tục tết nay không còn nữa hoặc đã biến đổi nhiều.
Quần đào xé đũng, áo hàng lam
Chân đi hài đỏ, tay thu pháo
Chú bé đầu thế kỷ 20 đón tết trong thơ Lan Sơn (tên thật Nguyễn Đức Phòng sinh năm 1912) ăn mặc tưng bừng mầu sắc vàng đào lam đỏ như thế. Bài thơ viết đầu những năm 30 mà đã là ký ức rồi, người viết đã thở dài nuối tiếc nhớ thương rồi: Rượu hả hơi rồi hết vị men. Con người bao giờ chả ru mình bằng ký ức. Ngôi nhà xưa cấp bốn cũ nát bao giờ cũng tích chứa yêu thương nhưng không phải vì thế mà người ta thích quay về ở lại đâu. Tâm lý con người là thế và có thế mới đáng yêu. Chúng ta sống lại trong hồn nét xưa một đi không trở lại để mường tượng bóng dáng cha ông, để khấn vào trời đất như Vũ Đình Liên xưa đã khấn: Hồn ở đâu bây giờ.
Mang hương vị Tết đậm đà nhất là những cái tết ở quê hương. Đậm đà vì, đối với phần đông người Việt, nó là Tết của tuổi ấu thơ. Hơn nữa, nông thôn là nơi trầm lắng sâu đậm nhất những tập tục cổ truyền. Phiên chợ tất niên ở miền quê nào cũng chộn rộn nao nức, nhà thơ Đoàn Văn Cừ lưu lại trong văn chương phiên chợ Tết vùng quê Nam Định đầu thế kỷ thứ 20. Bút pháp hiện thực của thơ hồi ấy (1939) đã đủ sức cạnh tranh với phim tài liệu bây giờ. Cảnh đi chợ, họp chợ rồi chợ tan rất thật, sinh động, hóm hỉnh, lại gợi được cả linh hồn của làng mạc, cư dân. Đọc thơ mà như được sống lại trong làng xưa tết cũ:
Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ
Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán
Một thày khóa gò lưng trên cánh phản,
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.
Cụ đồ Nho dừng lại vuốt râu cằm
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tóc trăng phau phau.
Một đoạn liền hai mươi ba câu, câu nào cũng sắc sảo như những câu vừa trích, quả đã thành một bảo tàng ký ức về hương vị Tết xa xưa. Không khí phiên chợ tết này đủ sức làm giàu tâm hồn chúng ta cả hương vị truyền thống lẫn tình cảm dân tộc. Trước Đoàn Văn Cừ nửa thế kỷ, khoảng cuối thế kỷ 19, cụ Nguyễn Khuyến, trong một cái Tết tha hương cũng đã từng lưu luyến không khí phiên chợ tất niên ở quê nhà:
Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng
Năm nay chợ họp có đông không?
Ông cụ nhớ cái rét trong mưa bụi của đồng bằng Bắc Bộ, nhớ cái tập tục nếm rượu của các bô lão trong làng khi mua rượu để tế đình đêm giao thừa:
Gió giời mưa bụi còn hơi rét
Nếm rượu tường đền được mấy ông
Giọng thơ chân thật, chi tiết thân thuộc phiên chợ của làng nghèo nhỏ nhoi, xao xác, nhưng nỗi nhớ Tết, nhớ làng trong lòng người viết lại thật sâu đậm. Đấy là cái tài lắng lọc tâm lý của cụ Tam nguyên làng Yên Đổ, đất Bình Lục, Hà Nam.
Ông Tú Xương (1870-1905) chuẩn bị Tết cũng “đài các” gớm. Có thì có hết mà rút cuộc chẳng có gì:
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi giá còn kiêu
Bánh chưng sắp gói, e nồm cháy
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu
Nguyễn Bính (1918-1966), một nhà thơ thành Nam, viết nhiều bài thơ Tết, bài này chỉ thoáng một nét người về quê ăn Tết mà sức gợi rất ngân xa:
Có chiếc thuyền nằm trên cát mịn
Có đàn trâu trắng lội ngang sông
Có cô thợ ruộm về ăn tết
Sương gió đường xa rám má hồng
Thuở bé đọc bốn câu thơ này tôi cứ xao xuyến buồn mà không hiểu tại sao. Phải chăng do nỗi phiêu bạt lầm lụi của cô thợ nhuộm. Giờ đây những trai làng gái làng xa quê kiếm sống ngày một nhiều, cũng “hoàn cảnh” lắm, câu thơ cộng hưởng thêm với bao nhiêu số phận của người về ăn Tết. Bài thơ trường thiên độc vận Xuân tha hương nói nỗi lòng kẻ xa nhà lúc năm hết. Thơ mưng mưng nỗi buồn lưu lạc bất dắc chí của Nguyễn Bính, hình ảnh rất đắt:
Cột nhà hàng xóm lên câu đối
Em đọc tương tư giữa giấy hồng
(…) Thiên hạ đua nhau mà sắm tết
Một mình em vẫn cứ tay không
(…) Chị ơi tết đến em mua rượu
Em uống cho say đến não nùng
Uống say cười vỡ ba gian gác
Ném cái chung tình xuống đáy sông
Đêm giao thừa là nơi được khá nhiều nhà thơ ký thác nỗi niềm. Nguyễn Trãi:
Chong đèn chực tuổi cay con mắt
Đốt trúc khua na đắng lỗ tai
Thơ quốc âm thế kỷ thứ 15 có thể hơi lạ với ngôn ngữ bây giờ. Qua giao thừa là chực tuổi mới. Thức khuya nên cay mắt. Nhưng từ cay mắt mà dẫn đến đắng tai thì thật tài. Ý thơ nương tựa vào nhau mà biến hóa; đốt pháo trúc xua tà ma (khua na) mà đắng lỗ tai. Lẽ ra là ù tai, inh tai. Nhưng đắng tai là để chiếu vào chữ cay mắt ở trên. Thêm một tuổi là thêm một lần thu cay đắng vào giác quan. Cái đặc hiệu của phút giao nối năm mới năm cũ cũng được Nguyễn Khuyến lưu ý: Nhất cứ liên niên hứng vị cùng. Một câu thơ nối liền hai năm mà cái hứng chưa hết. Đúng là thơ khai bút lúc giao thừa. Khai bút cũng là nét đẹp của người chữ nghĩa thời xưa:
Rượu ngon nhất giọng đưa vài chén
Bút mới xô tay thử một hàng
Từ khi thơ được viết bằng chữ quốc ngữ, chất ước lệ bớt đi. Chúng ta gặp nhiều nét đời thực. Tập tục ngày nguyên đán được Nguyễn Bính lưu giữ khá đầy đủ qua lời bà mẹ dặn các con; và thông qua sự quan sát của chú bé còn chưa biết chữ:
Sáng ngày mồng một sớm tinh sương
Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường
Mở hàng mỗi đưa năm xu rưỡi
Rửa mặt hoa mùi, nước đượm hương
Thấy tôi lấy một tờ hoa tiên
Bút lông dầm mực viết lên trên
Trên những gì gì tôi chẳng biết
Giữa đề năm tháng dưới đề tên
Hơn nửa thế kỷ đã đi qua bài thơ này, những tập tục ấy đã xa lăng lắc, những người trực tiếp mang kỷ niệm về nó chắc chẳng còn mấy. Nhưng đọc lại những câu thơ sao mà ấm dạ, thuở ấy, non nước nhà mình…
Đọc thơ Tết của nhiều thời, phong phú nhất là của thời Thơ mới (1930-1945), thấy chộn rộn tưng bừng nhất, xao xuyến bâng khuâng nhất vẫn là những bài thơ của những ngày chuẩn bị Tết. Thơ viết về ngay mồng một Tết, chủ yếu lại là thơ ghi việc chứ không nhiều tâm hồn. Đến khi cái Tết đã đi qua, thơ lại bâng khuâng năm tháng, u hoài như tiếng thở dài chấp nhận cõi nắng sương của đời người.
Đào Tấn (1845-1907):
Khi cây nêu hạ xuống
Ngàn nỗi lo theo người
Nguyễn Bính:
Xong ba ngày tết mẹ tôi lại
Đầu tắt mặt tối nuôi chồng con
Đoàn Văn Cừ thì ngay khi tan phiên chợ tết đã buồn rồi:
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ
Nước ta thuở ấy chuyên làm ruộng, nghèo, niềm vui của người dân quê chỉ ngắn ngủi trong mấy ngày Tết nhất. Bao nhiêu ước vọng một năm giời dồn cả vào ngày tết. Mong cho đến tết ăn xôi với chè. Nữ sĩ Hằng Phương nhớ đôi guốc mới hồi tuổi nhỏ, mẹ mua cho chỉ dám đi thử trên giường, để đến Tết khai trương cho mới:
Mẹ ơi! Nhớ tết năm nào
Mẹ mua guốc mới ướm vào chân con
Con đi lếch thếch trên giường
Đợi ngày mồng một ra đường mới tinh
Nguyễn Khuyến thấy bà con náo nức chuẩn bị tết với bao nhiêu trù liệu hy vọng mà xót xa:
Dăm ba ngày nữa tin xuân tới
Pháo nổ nhà ai một tiếng đùng
Đùng một tiếng pháo ngắn ngủi, thế là hết tết, là lại đầu tắt mặt tối. Cái tâm lý ấy có lẽ là buồn thương nhất cho những tết xưa. May sao, bây giờ cảm xúc ấy không còn phổ biến nữa. Mức sống ngày thường được nâng lên, sự chênh lệch với ngày tết càng thu ngắn lại là dấu hiệu đáng mừng của đời sống xã hội, dẫu rằng có thể vì thế mà không khí chộn rộn với bao nhiêu tập tục trang nghiêm của Nguyên đán bị chuyển thành ký ức, phải đọc lại thơ văn xưa mới tìm thấy lại.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tet-xua-trong-tho-cu-4104.htm” button=”Theo vinacomin”]