Tết ơi tết ơi tết tết đang đến rồi cười vang đất trời
Tết ơi tết ơi tết cánh én tung tăng về ôm nắng mới
Dù ai xa đến đâu cũng cố bước chân mau quay về
Lòng ai không nhớ quê khi đêm đêm mẹ già đang ngóng chờ
Câu hát Tết đến xuân về như thúc giục bước chân của những trái tim phương xa quay về với tổ ấm. Để những hương vị Tết quê hương thấm dần trong từng hơi thở, dâng lên thành niềm khát khao cháy bỏng trong lòng. Để một cái Tết luôn được chào đón đúng nghĩa thấm đượm truyền thống cha ông.
NHỚ.
Mùi hương trầm bảng lảng…
Cứ mỗi lần ngửi thấy mùi hương trầm thoang thoảng trong gió đông là đã biết tết đang về thật gần. Nguyễn Hoàng Minh (thợ lò Công ty than Mạo Khê) cho biết: “Ấn tượng với mình ngay từ lúc còn nhỏ khi tết đến đó là mùi hương trầm ngày tết, lúc còn nhỏ khi được mẹ cho đi chợ tết bao giờ mình cũng thấy mẹ mua mấy vòng hương về để tết bố thắp, mình thích ngửi mùi hương trầm lắm, một mùi hương trầm ấm làm xóa tan đi cái giá lạnh của mùa đông, mùi hương lan tỏa đi khắp không gian làm cho ai ai cũng cảm thấy ấm áp hơn”.
Quả thật, nén hương – chiếc cầu nối tâm linh giữa người sống và người đã khuất luôn in đậm trong tâm tưởng của người Việt. Chính vì thế mà trong ngày Tết cổ truyền, không thể thiếu vắng mùi hương của bát nhang thơm trên bàn thờ tổ tiên. Mỗi nén hương thắp lên, những vòng khói cuộn tròn rồi bay đi như cuốn theo hết muộn phiền của năm cũ sắp qua, hân hoan đón năm mới về.
Mẹ chồng tôi khá cầu kỳ, là người gốc Nghệ An, bao giờ Tết đến, bà cũng đặt mua hương trầm tận Hà Tĩnh. Chiều cuối năm, mùi hương trầm ngày Tết thoang thoảng hương bay hòa cùng làn khói từ từ bốc lên căn phòng thờ ấm cúng, để một chút lắng đọng trong không gian yên tĩnh trang nghiêm cùng hướng về cội nguồn, hướng về thế hệ đi trước để cầu chúc cho một năm mới bình an, để “ai đó” dù đã đi xa thật xa vẫn in hằn trong tim không bao giờ xóa nhòa hương Tết.
NHỚ.
Mùi bánh chưng tết phảng phất hương xuân…
“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ – cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”, tất cả hòa quyện vào nhau để cùng mang đến một cái Tết cổ truyền thấm đượm nét văn hóa của mảnh đất Việt khắp mọi nẻo đường. Có ai đã từng ngồi bên bếp lửa đêm khuya để giúp mẹ trông nồi bánh chưng Tết đang sôi ùng ục khi tiết trời còn đang se se lạnh, để hưởng trọn mùi thơm nức mũi tỏa ra vào những ngày giáp Tết.
Chỉ cần mùi bánh chưng phảng phất đâu đó trong hương xuân, thì vị Tết cổ truyền cũng vì thế mà kéo nhau ùa về chùng chình không nỡ rời đi. Chiếc bánh chưng xanh thơm mùi nếp mới hòa cùng mùi thơm của nhân cho một cái Tết được vun vén thêm tròn đầy. Làng nấu bánh chưng Tết Tranh Khúc, Lỗ Khê, Phú Thượng tại Hà Nội hay làng bánh chưng Bờ Đậu – Thái Nguyên, làng Đầm – Hà Nam luôn đi sâu trong tâm tưởng của mỗi người khi nhắc nhớ đến “Trời hình tròn, đất hình vuông – Xanh là cây cỏ, là hương mùa màng” đã hằn trong tiềm thức của cái Tết tuổi thơ.
Có dạo cách đây vài năm, do cuộc sống hối hả, không gian chật hẹp nên các hộ gia đình Hà Nội bỏ thói quen gói bánh chưng ngày tết. Bánh chưng được các bà, các cô ra chợ, mua sẵn. Nhưng vài năm gần đây, hướng về cội nguồn, nhiều gia đình đã cùng nhau gói bánh rồi luộc bánh. Nhìn ánh mắt lũ trẻ hân hoan khi vớt những cặp bánh chưng nóng hổi là đã thấy Tết về thật gần.
NHỚ.
Hương lá mùi già chiều cuối năm.
Đối với tôi, tết bắt đầu là khi những người bán hàng rong chở lá mùi già đi bán trên phố…
Mùi đặc trưng nhất không thể không kể đến của tết miền Bắc là lá mùi già. Cây mùi này miền Bắc gọi mùi ta, miền Nam gọi là ngò hoặc ngò rí, được trồng làm rau gia vị. Rau gia vị thu hoạch khi cây mùi cao khoảng 20 cm.
Còn cây mùi được chọn để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía và khi đun lên, cho mùi thơm ngan ngát, cay cay, rất riêng biệt. Bên cạnh đó, hương của lá cây mùi tạo cho ta cảm giác tinh khiết, nhẹ nhàng vô cùng dễ chịu.
Để có được nồi nước thơm tắm cho cả nhà, mẹ dặn tôi dùng hai phần lá mùi mẹ đã mua rửa sạch, không để nát lá rồi cho vào nồi nước đun thành nước tắm. Một phần còn lại để dành đun nước rửa mặt vào sáng hôm sau – sáng ngày đầu tiên của năm mới. Dường như khi tắm thứ nước lá mùi này, mọi vận đen đủi, muộn phiền lo lắng trong năm cũ được gột bỏ – chỉ còn lại đó một cảm giác sảng khoái, sẵn sàng đón một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc và may mắn hơn. Vì vậy, ngày 30 tết dù bận thế nào mẹ cũng nhắc nhở bố và chị em tôi “tẩy trần” để đón tết.
NHỚ.
Mùi pháo tết, hương thơm không bao giờ quên.
Mùi pháo tết đặc quánh không khí đêm 30, nhà nào cũng đì đùng khó ngủ.
Ngày ấy khi pháo chưa bị cấm ở Việt Nam, mọi người đi quà Tết cho nhau bằng những phong pháo Tết, những cuộn pháo đỏ xếp ngay ngắn, với những viên pháo đại, pháo tống, pháo tiểu nằm gọn gàng trong hộp như mái tóc được mẹ thắt rít đều tay…, trẻ em thì thường chơi những phong pháo tét bé tí ti.
Tết ngày xưa trong tâm thức của nhiều người tuy thiếu thốn hơn nhưng cảm giác vui hơn, háo hức hơn. “Mình là 8x đời cuối, nhưng không vì thế mà mình quên những kí ức về Tết ngày xưa. Mình còn nhớ cứ mỗi khi Tết đến, bố mình lại mua về 3 loại pháo: 1 là các băng pháo đùng to bằng cục pin, 2 là pháo tép, mỗi viên băng bé xíu và cuối cùng là pháo cây, mỗi khi bóp vào đầu và châm lửa là nó phụt phụt ra. Ngày Tết, trước cửa mỗi nhà đều căng 1 sợi dây để treo pháo. Nhà mình ở trong ngõ nhỏ, nên người ta căng dây cho cả ngõ luôn. Trước cửa mỗi nhà đều có 1 dây pháo đùng. Còn pháo tép cho trẻ con đốt nghịch thôi. Không khí Tết ngày xưa nó đúng là Tết hơn. Trẻ con ai cũng háo hức, và đúng là càng lớn thì cảm giác về Tết càng phai nhạt dần.” (Quốc Tuấn – Công ty Xây lắp mỏ).
Mỗi năm, mỗi tuổi qua, mùi Tết cũng sẽ khác dần, đậm nhạt do người cảm, vui buồn do người vun. Đôi khi mùi cũng biết hạnh phúc reo cười như đứa trẻ được may quần áo mới. Tết này dự định sẽ về nhà vào chiều muộn của ngày cuối năm. Hy vọng là những lo toan và tình cảm riêng vụn vặt không níu ta lại vào ngày cuối năm này.
Về đi ta! Mùi Tết đang chờ ngoài ngõ…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tet-trong-niem-nho-201802081755518912.htm” button=”Theo vinacomin”]