“Thông qua các chuyên mục hấp dẫn, các bài viết sắc sảo nhưng vẫn rất gần gũi, có thể nhận thấy nội dung của Tạp chí đã có những tác động mạnh mẽ, mang lại những lợi ích thiết thực cho thợ mỏ”. Đó là đánh giá của Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) Bùi Văn Khích khi trả lời phỏng vấn Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam nhân kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.
Hoạt động báo chí trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Mười năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của khoa học – công nghệ, báo chí Cách mạng Việt Nam cũng có những tiến bộ vượt bậc. Công tác báo chí – tuyên truyền được Đảng, Nhà nước xác định ngày càng quan trọng, góp phần định hướng, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị với mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Hầu hết các cơ quan báo chí đã bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng và Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế – xã hội ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các sự kiện lớn, đáp ứng tốt quyền được thông tin của nhân dân. Đồng thời thực hiện tốt chức năng là diễn đàn của quần chúng, góp phần quan trọng thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội, kịp thời phát hiện và biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến. Bên cạnh đó, chức năng phê phán của báo chí đã góp phần đắc lực đẩy lùi những tiêu cực trong đời sống xã hội, xây dựng đất nước ngày một phát triển, văn minh.
Theo PTGĐ, ngoài việc nâng cao năng lực chuyên môn, người làm báo ngày nay cần quan tâm thêm những yếu tố gì?
Để làm báo giỏi, đòi hỏi người làm báo không chỉ viết hay, viết đúng, viết trúng mà còn phải rất năng động để làm tốt kinh tế báo chí. Đó là vấn đề làm thế nào để báo đến được với độc giả nhiều nhất, tăng thu nhập cho anh em, xây dựng cơ quan ngày càng mạnh hơn nhưng nội dung thông tin phải tốt, có ích cho người dân, xã hội, phù hợp với lợi ích của quốc gia. Như vậy đội ngũ làm báo chúng ta phải tự rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, thực hiện tốt đạo đức nghề nghiệp, không ngừng năng động, sáng tạo, học hỏi để luôn làm mới mình, phù hợp với thực tiễn phát triển của cơ chế thị trường.
Đặc biệt là cơ quan truyền thông, ngôn luận của một Tập đoàn có tới trên 138.000 lao động như Vinacomin, người viết báo không chỉ sắc bén tư duy mà còn phải am hiểu đời sống, tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của Thợ mỏ; văn phong phải ngắn gọn, dễ hiểu; trình bày phải đẹp; chữ phải dễ đọc thì mới được Thợ mỏ đón nhận.
Là cơ quan ngôn luận của một tập đoàn kinh tế lớn, ông có thể đánh giá tác động của Tạp chí với nhận thức của người lao động trong Tập đoàn?
Qua công tác thông tin tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Tập đoàn, cũng như những bài viết phê bình, phê phán những hiện tượng tiêu cực còn đâu đó xảy ra xung quanh, nêu những tấm gương điển hình tiên tiến… có thể nói, Tạp chí Than – Khoáng sản đã có tác động rất lớn đến nhận thức của người lao động. Đó chính là chức năng định hướng dư luận mà Tạp chí làm khá tốt. Mặt khác, qua công tác tuyên truyền, Tạp chí cũng đóng vai trò tham mưu cho lãnh đạo Tập đoàn để có thêm một cách nhìn nhận dưới nhiều góc độ trước khi xem xét một vấn đề, từ đó có các giải pháp, quyết định đúng đắn.
Ông vừa đề cập đến chức năng định hướng dư luận. Ông có thể chia sẻ sâu hơn về vấn đề này?
Tôi nhấn mạnh đến chức năng này của Tạp chí, nhất là khi đơn vị tiếp quản nội dung website Vinacomin. Với hình thức sinh động, tin tức được cập nhật liên tục cả ở 2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh đã giúp cho không chỉ người đọc mà các bạn hàng, đối tác có một cái nhìn toàn diện hơn về Ngành, về các đơn vị thành viên cũng như các thông tin mới nhất của Vinacomin. Đặc biệt theo tôi, đó còn là kênh thông tin chính thống chia sẻ thông tin để các cơ quan truyền thông, báo chí bên ngoài tham khảo, lấy tư liệu về Ngành.
Xác định công tác tư tưởng có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với một ngành CN giàu truyền thống cách mạng như ngành Than, Cấp ủy, HĐQT (nay là HĐTV) đã ra hẳn một nghị quyết cho hoạt động của Tạp chí. Tôi nhớ không nhầm thì trong đó chúng ta phấn đấu cứ 10 – 13 CNCB có được một cuốn Tạp chí, công tác phát hành tập trung đầu mối Tập đoàn để đảm bảo được mục tiêu tuyên truyền đến được với người lao động. Và bây giờ chúng ta đang duy trì khoảng 15 người/1 cuốn Tạp chí cũng là tương đối ổn. Thông qua các chuyên mục hấp dẫn, các bài viết sắc sảo nhưng vẫn rất gần gũi, có thể nhận thấy nội dung của Tạp chí đã có những tác động mạnh mẽ, mang lại những lợi ích thiết thực cho Thợ mỏ. Và điều quan trọng là Tạp chí đã có mặt ở khắp các công trường, phân xưởng, tổ đội sản xuất, thư viện các đơn vị trong Tập đoàn.
Bên cạnh những chuyên mục đã có, các chuyên mục mới ra đời như “Chuyện kỳ này”, “Thương hiệu”, “Tình giai cấp”… theo tôi là khá hấp dẫn và có ý nghĩa. Hàng loạt bài viết với những hàm ý sâu xa trong “Chuyện kỳ này” giúp mỗi độc giả đọc và cảm nhận theo mỗi cách riêng khi tiếp cận một vấn đề, một hiện tượng. ở chuyên mục “Thương hiệu” thì lại khác. Đây thực sự là một cuộc đi tắt đón đầu của Tạp chí khi không chỉ Vinacomin mà hàng loạt các tập đoàn kinh tế nhà nước khác đang ngày ngày nỗ lực xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Mà trong nỗ lực đó không thể không kể đến nỗ lực xây dựng thương hiệu của mỗi công ty con, đơn vị thành viên…
Tôi cho rằng với những ưu điểm, thế mạnh kể trên, Tạp chí cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới để nội dung các ấn phẩm luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn; tập trung phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của thợ mỏ; các sáng kiến, việc làm hay ở các đơn vị thành viên… Bên cạnh đó, Tạp chí tiếp tục tìm tòi sáng tạo để hình thức, cách trình bày ngày càng hấp dẫn, bắt mắt, chứa đựng những sức sống mới…
Xin cảm ơn ông!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tap-chi-than-khoang-san-co-anh-huong-khong-nho-voi-tho-mo-1961.htm” button=”Theo vinacomin”]