Ngay trong ngày đầu tiên sau khi nhận Quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Tập đoàn, đồng chí Đặng Thanh Hải đã chủ trì Hội nghị về công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV.
CHƯA ĐÁP ỨNG ĐƯỢC YÊU CẦU CỦA SẢN XUẤT TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
Báo cáo của Ban KCL Tập đoàn tại Hội nghị chỉ rõ, những năm qua, TKV đã và đang rất quan tâm đến công tác ứng dụng KHCN (dưới nhiều hình thức: dự án đầu tư, cải tiến…) vào các lĩnh vực hoạt động SXKD. Tập đoàn đã xây dựng 10 Chương trình KHCN trọng điểm nhằm từng bước hiện đại hóa, cơ giới hoá các mỏ than, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả, hướng đến Tập đoàn TKV phát triển bền vững. Nhờ đó, TKV đã có những bước tiến như hôm nay, năng suất lao động tăng gấp 4 lần, sản lượng than khai thác trên 40 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra vẫn chưa đạt.
Ý kiến thảo luận của các đại biểu tại Hội nghị đã làm rõ thêm những hạn chế trong việc ứng dụng KHCN vào SXKD của Tập đoàn hiện nay; đồng thời đề xuất các phương án để nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới, từ khâu khảo sát, lập dự án đầu tư đến quá trình triển khai các dự án ứng dụng KHCN trong lĩnh vực cơ giới hoá hầm lò; vấn đề nâng cao hiệu quả mối liên hệ gắn kết giữa công tác KHCN với thực tế sản xuất; vấn đề nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính độc lập của các đơn vị tư vấn, thiết kế, Viện KHCN Mỏ trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN tiên tiến của thế giới vào thực tế Ngành… Đặc biệt là việc triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành sản xuất…
ỨNG DỤNG KHCN VÀO SẢN XUẤT: PHẢI QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ, MANG TÍNH CÁCH MẠNG
Với quyết tâm tạo đột phá trong việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của TKV, thời gian tới, Tập đoàn sẽ tập trung cao độ cho vấn đề này. Quan điểm chỉ đạo của Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải là phải quyết liệt, đồng bộ, mang tính cách mạng.
Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải nhấn mạnh, Tập đoàn sẽ rà soát lại 10 chương trình KHCN trọng điểm để xây dựng chương trình mới phù hợp với tình hình hiện nay. Trong đó, sẽ chia rõ thành 2 mảng lĩnh vực. Một là, ở lĩnh vực khoa học công nghệ mới ứng dụng vào sản xuất, Tập đoàn sẽ lựa chọn những công nghệ, dự án trọng điểm và mang tính thực tiễn cao hơn trên cơ sở ưu tiên hàng đầu là công tác cơ giới hoá hầm lò; công nghệ mới để tận thu tài nguyên, công nghệ sàng tuyển để nâng cao giá trị sản phẩm; ưu tiên tự động hoá và tập trung chế tạo nhóm các sản phẩm cơ khí cần cho sản xuất than – khoáng sản. Hai là, ở mảng công nghệ thông tin, Tổng Giám đốc chỉ đạo, tất cả các lĩnh vực SXKD của Tập đoàn đều cần triển khai áp dụng, trọng điểm là áp dụng CNTT vào quản lý dòng than, khoáng sản và công tác điều hành sản xuất. Phương châm chung, đồng thời cũng là yêu cầu Tổng Giám đốc đặt ra là đồng bộ cao, tương thích cao, ứng dụng cao.
Song song đó, Tập đoàn sẽ hoàn thiện nhóm các giải pháp chính sách để thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất đạt hiệu quả cao hơn.
Cũng tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải đã giao nhiệm vụ các ban chuyên môn của Tập đoàn nhanh chóng xây dựng kế hoạch nghiên cứu ứng dụng KHCN với lộ trình phù hợp dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn.
Ông Vũ Văn Long – Trưởng ban Đầu tư Tập đoàn: Tư vấn còn “chạy” theo chủ đầu tư“Ứng dụng KHCN vào sản xuất đang được Tập đoàn triển khai tích cực thời gian qua. Không thể phủ nhận những đóng góp của việc triển khai nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong sự tăng trưởng của TKV hôm nay. Tuy nhiên, tiềm năng để ứng dụng KHCN trong các lĩnh vực SXKD của Tập đoàn còn rất lớn. Tới đây, cần tăng cường hơn nữa việc ứng dụng KHCN trong công tác quản lý sản xuất, quản lý đầu tư, quản lý giá thành và mảng yếu nhất là nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm cơ khí. Lưu ý, khi triển khai một dự án mới về KHCN, các đơn vị tư vấn, thiết kế cần phát huy vai trò độc lập của mình trong việc lựa chọn công nghệ tiên tiến trong quá trình tư vấn cho chủ đầu tư. Đặc biệt, cần triển khai khảo sát, tính toán kỹ càng khi lập dự án. Có một thực tế là hiện nay, tư vấn thiết kế đang “chạy” theo chủ đầu tư. Hầu hết các dự án khi lập ra đều phải điều chỉnh, bổ sung gây tốn kém, phức tạp và rất mất thời gian.
Ông Vũ Thành Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn: Quy trình thực hiện nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất của Tập đoàn đang bị “ngược”
Việc ứng dụng CNTT vào quản lý điều hành sản xuất của Tập đoàn hiện mới chỉ ở mức sơ khai, trong khi CNTT chiếm tới 50-60% trong việc nâng cao hiệu quả quản lý điều hành sản xuất. Do vậy, tới đây, cần quyết liệt ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực trọng yếu trong quản lý như: cơ chế khoán, quản từ Tập đoàn đến các đơn vị; công tác quản lý các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật; quản lý khối lượng mỏ…
Về ứng dụng KHCN mới vào sản xuất, cần tiến hành rà soát lại 10 chương trình KHCN trọng điểm giai đoạn 2011-2015 để xây dựng định hướng mang tính chiến lược, dài hơi hơn. Hiện nay, quy trình thực hiện nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất của Tập đoàn đang bị “ngược”. Chủ yếu là các đơn vị xây dựng, đề xuất và Tập đoàn phê duyệt; trong khi, đáng lẽ ra phải được triển khai từ Tập đoàn xuống đơn vị. Hàm lượng chất xám trong quá trình lập dự án chưa cao nên phải điều chỉnh nhiều…
Hiệu quả của việc ứng dụng KHCN thể hiện rõ nhất khi giải quyết các vấn đề nóng nhất đặt ra từ thực tiễn sản xuất như vấn đề cơ giới hoá hầm lò, quản lý mỏ, tăng năng suất lao động…
Theo Phó TGĐ Vũ Thành Lâm, không phải không có kinh phí cho ứng dụng KHCN vào sản xuất. Quan trọng là làm sao để đúng hướng và hiệu quả. Ông đề xuất Tập đoàn đầu tư thêm cơ sở vật chất như nâng cấp hệ thống máy chủ CNTT, xây dựng hệ thống thử nghiệm như Phòng Thí nghiệm than tự cháy; đồng thời ban hành quy chế thưởng phạt gắn với trách nhiệm cụ thể từng bộ phận, cá nhân liên quan.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn: “Rất cần sự đồng hành của các đơn vị thành viên”
Để tạo động lực thúc đẩy việc ứng dụng KHCN vào sản xuất hiệu quả hơn, Phó TGĐ Nguyễn Anh Tuấn phát biểu 8 ý kiến. Trong đó nhấn mạnh, cần xây dựng định hướng phát triển KHCN với tầm nhìn xa; xây dựng các mục tiêu dài hạn, trung hạn, đi liền với các mục tiêu tức thời. Cần đầu tư tiềm lực KHCN cả về cơ sở vật chất và con người; tăng cường ứng dụng KHCN vào tất cả các lĩnh vực SXKD chính: than, khoáng sản, hoá chất, điện, cơ khí, nhất là các vấn đề: tận thu tài nguyên, tiết kiệm nguyên vật liệu, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, công tác tổ chức sản xuất, thống kê các chỉ tiêu KTKT, nâng cao mức độ an toàn… Theo Phó TGĐ Nguyễn Anh Tuấn, để nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, rất cần ý kiến đóng góp và sự đồng hành của các đơn vị thành viên, nhất là các đơn vị tư vấn, thiết kế, các Viện…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tao-dot-pha-trong-ung-dung-khcn-vao-hoat-dong-sxkd-cua-tap-doan-9242.htm” button=”Theo vinacomin”]